(HNM) -
Theo nội dung biên bản áp giá tiền nước do ông Đỗ Văn Uy cung cấp, thì qua theo dõi thực tế thấy lượng nước sạch nhà ông Uy sử dụng tăng cao, đã xác định ngoài mục đích sinh hoạt gia đình còn dùng nước cho người thuê trọ sử dụng nên cần phân tách rõ mục đích sử dụng nước để làm cơ sở tính tiền. Cụ thể, gia đình ông Uy có 4 nhân khẩu/hộ sẽ được hưởng 10m3 đầu cho mức sinh hoạt 1 (5.020 đồng/m3), 6m3 tiếp theo là mức sinh hoạt 2 (5.930đồng/m3), số nước tiếp theo sẽ tính theo giá kinh doanh dịch vụ (18.342 đồng/m3). Nhìn trên hóa đơn thu tiền sử dụng nước sạch, có thể thấy số tiền nước tính giá kinh doanh của hộ ông Uy vào tháng 12-2014 lên tới gần 700.000 đồng, khiến gia đình "choáng váng".
Trao đổi với phóng viên, anh Đỗ Huy Chương (con trai ông Uy) cho biết, chính anh đã ký thay tên bố vào biên bản áp giá tiền nước (mới) mà không ngờ rằng sau đó phải nộp tiền cao như vậy. Còn những gia đình xung quanh không chấp hành ký biên bản xác định giá nước thì vẫn được thu tiền theo giá nước sinh hoạt, lợi hơn rất nhiều lần. Phải chăng người chấp hành quy định, nghiêm túc ký xác nhận lại bị thiệt thòi? Có gì đó thiếu công bằng?
Về sự việc này, bà Nguyễn Minh Hằng - Phó Giám đốc Xí nghiệp Nước sạch Gia Lâm, cho biết: Sau khi nhận được thông tin của bạn đọc qua Báo Hànộimới, Xí nghiệp đã kiểm tra lại trường hợp này và khẳng định quá trình tác nghiệp, xử lý nghiệp vụ của nhân viên hoàn toàn phù hợp. Gia đình ông Uy cho thuê trọ phải được áp giá nước đơn giá kinh doanh theo quy định, hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT và Quy định 1891/ NSHN-HTPT của Công ty Nước sạch Hà Nội. Ngày làm việc tháng 12-2014, đại diện gia đình (là vợ và con ông Uy) đã không có ý kiến gì và nhất trí ký biên bản. Nhưng khi Xí nghiệp xuất hóa đơn thì gia đình mới khiếu nại thì có thể thấy gia đình đã chưa hiểu hết, hiểu đúng về nội dung của việc áp giá...
Câu hỏi về sự công bằng giữa người chấp hành ký biên bản với người không ký biên bản xác định mục đích sử dụng nước sạch, được bà Trần Thị Phương Thảo - Phó Giám đốc Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội cho biết: Đã là quy định thì mọi hộ sử dụng nước đều có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc. Hiện tại có những hộ gia đình vẫn chưa ký biên bản phân tách mức nước sinh hoạt như gia đình ông Uy phản ánh là đúng. Việc này sẽ cần thời gian để cán bộ của đơn vị kinh doanh nước sạch tuyên truyền phổ biến để người dân hiểu và đồng ý ký biên bản. Phía đơn vị kinh doanh cũng không thể vì lý do nào đó mà bỏ qua những trường hợp không ký biên bản phân tách mục đích sử dụng nước sạch, vì quy chế làm việc của ngành đã có quy định chặt chẽ về phân công trách nhiệm cụ thể từ nhân viên đến tổ, đội quản lý, kèm theo đó là chế độ bình bầu thi đua, thưởng phạt hàng năm...
Như vậy, có thể thấy rằng, việc phân tách mục đích sử dụng nước sạch là phù hợp với quy định đã ban hành nhằm chống thất thoát, thất thu cho Nhà nước. Tuy nhiên, trong việc triển khai thực hiện, Xí nghiệp Nước sạch Gia Lâm đã chưa làm tốt công tác hướng dẫn tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện. Chắc hẳn trường hợp nêu trên của hộ gia đình ông Đỗ Văn Uy vẫn chưa phải là cá biệt, rất cần được Xí nghiệp Nước sạch Gia Lâm nói riêng và các đơn vị kinh doanh, cung cấp nước sạch nói chung rút kinh nghiệm, tránh những khiếu kiện không đáng có...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.