(HNMO)- Hơn 10 ngày qua, hàng chục hộ dân thuộc 2 thôn Trại Láng và Đồng Trạng, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã dựng lều lán nhằm ngăn cản không cho xe chở thức ăn vào trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn...
Nhiều người dân thuộc 2 thôn Đồng Trạng và Trại Láng (Cổ Đông, Sơn Tây) dựng lều lán "kiểm soát" xe ô tô chở thức ăn vào trang trại chăn nuôi lợn (ảnh chụp ngày 23-11-2012). |
Bức xúc kéo dài
Qua tìm hiểu được biết, sau khi được HTX thôn Đồng Trạng giao khoán thầu hơn 10.500 m2 đất nông nghiệp ở xứ đồng Quán O (thời hạn 50 năm), năm 2004, vợ chồng ông Trần Văn Chiến ở thôn Đồng Trạng đã xây dựng một trại chăn nuôi lợn. Đến năm 2006, vợ chồng ông Chiến xây dựng thêm một trại chăn nuôi lợn nữa trên diện tích được giao khoán.
Bà Tạ Thị Bản (61 tuổi, ở thôn Đồng Trạng) có nhà ở ngay sát trang trại lợn của ông Chiến cho biết, ngay khi gia đình ông Chiến xây dựng xong trại chăn nuôi lợn thứ nhất và đưa vào chăn nuôi, người dân sinh sống quanh khu vực trại lợn đã bắt đầu phải chịu đựng ô nhiễm không khí vì chất thải từ phân lợn. Mức độ ô nhiễm không khí và nguồn nước ngày càng tăng lên khi trại lợn thứ hai được đưa vào chăn nuôi...
Giữa năm 2006, trước kiến nghị của nhân dân 2 thôn Đồng Trạng và Trại Láng, nhất là các hộ dân sinh sống gần khu chăn nuôi lợn của gia đình ông Chiến, UBND xã Cổ Đông đã ra thông báo đình chỉ xây dựng trại lợn đối với hộ ông Trần Văn Chiến. Tuy nhiên, gia đình ông Chiến không chấp hành mà vẫn tiếp tục xây dựng trại lợn thứ hai và đưa vào chăn nuôi. Trước tình trạng đó, chính quyền địa phương, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Sơn Tây đã nhiều lần lập biên bản và đề nghị cấp thẩm quyền đình chỉ hoạt động chăn nuôi đối với trại lợn của gia đình ông Chiến; bản thân ông Chiến đã cam kết là không xả thải chất thải ra ngoài gây ô nhiễm môi trường.
Bằng nhiều “chiêu thức”, mặc cho các hộ dân kiến nghị, bức xúc, gia đình ông Chiến không những không chấp hành mà còn mở rộng diện tích chuồng trại, tăng số lượng lợn chăn nuôi. Cụ thể, đầu năm 2012, gia đình ông Chiến đầu tư xây dựng thêm một trại chăn nuôi thứ ba.
Theo phản ảnh của 55 hộ dân thuộc 2 thôn Đồng Trạng và Trại Láng, từ ngày có thêm trại lợn thứ ba hoạt động, mức độ ô nhiễm môi trường quanh khu vực càng thêm trầm trọng. Ông Nguyễn Đăng Khoa (ở thôn Đồng Trạng) bức xúc: Ô nhiễm môi trường do trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Chiến gây ra không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân sinh sống quanh khu vực, mà còn gây thiệt hại đối với sản xuất của các hộ dân nơi đây: cây cối bị chết, ao hồ không thể chăn thả được, khoảng 4ha không thể cấy lúa được.
Như “giọt nước tràn ly”, khoảng giữa tháng 9 vừa qua, nhiều hộ dân ở 2 thôn Trại Láng và Đồng Trạng đã dựng lều lán ở 2 đầu đường để ngăn cản xe chở cám, thức ăn chăn nuôi vào trang trại của gia đình ông Chiến.
Trước tình hình đó, đến ngày 24-9-2012, UBND xã Cổ Đông mới mở cuộc họp để giải quyết “việc ô nhiễm môi trường ở trang trại lợn của ông Trần Văn Chiến”. Thành phần tham dự cuộc họp ngoài lãnh đạo UBND xã Cổ Đông, còn có lãnh đạo Phòng TN&MT thị xã Sơn cùng 30 hộ dân của 2 thôn Đồng Trạng, Trại Láng và ông Trần Văn Chiến. Trong biên bản cuộc họp hôm đó, ông Chiến đã cam kết với chính quyền cùng nhân dân chỉ nuôi nốt số lợn hiện đang có trong chuồng trong thời gian là bốn tháng rưỡi.
Ngay sau đó, người dân đã tự giác tháo dỡ lều lán, không ngăn cản việc vận chuyển thức ăn, cám vào trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Chiến nữa. Song, ngày 9-11 vừa qua, sau khi phát hiện gia đình ông Chiến đã nhập thêm hơn 300 con lợn con vào trang trại, nhiều hộ dân của 2 thôn Trại Láng và Đồng Trạng tiếp tục dựng lều lán để ngăn cản không cho xe chở thức ăn, chở cám vào chăn nuôi lợn.
Chưa được cấp phép vẫn xả thải
Để có cơ sở đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường, UBND thị xã Sơn Tây đã có văn bản đề nghị Sở TN&MT Hà Nội tiến hành kiểm tra hiện trạng môi trường, đo đạc lấy mẫu nước thải, nước ngầm và khí thải xung quanh khu vực trang trại chăn nuôi của gia đình ông Trần Văn Chiến. Ngày 21-9-2012, Chi cục Bảo vệ môi trường phối hợp với Trung tâm QL&PT TNMT Hà Nội, Phòng TN&MT thị xã Sơn Tây và các đơn vị liên quan đã tiến hành kiểm tra, khảo sát và lấy mẫu.
Ngày 7-11-2012, Sở TN&MT Hà Nội có thông báo kết quả kiểm tra trang trại chăn nuôi của ông Chiến. Theo đó, kết quả kiểm tra cho thấy, chất thải chăn nuôi gây mùi khó chịu và có màu đục, có hàm lượng hữu cơ cao. Ở vị trí tiếp giáp xung quanh trang trại còn tồn tại một lượng chất thải chăn nuôi phát tán ra ngoài có nguy cơ gây ô nhiễm tới chất lượng nước mặt của khu vực liền kề.
Căn cứ theo kết quả khảo sát của đoàn kiểm tra cho thấy: dòng nước thải chăn nuôi chảy ra khu vực trồng cây của người dân đã làm chết một số cây trồng tại khu vực, xung quanh còn tồn đọng bùn thải ở dọc tuyến kênh thoát nước; chất thải rắn gồm phân của vật nuôi, thức ăn thừa... còn để ở khu vực hàng rào cơ sở chăn nuôi; trang trại đã lắp đặt hệ thống thu gom xử lý chất thải chăn nuôi (Dự án của Bộ TN&MT tài trợ, đầu tư xây dựng) tuy nhiên qua kiểm tra thực tế cho thấy, hệ thống xử lý có sự cố nên hiệu quả xử lý chưa đáp ứng được quy chuẩn môi trường cho phép.
Thông báo của Sở TN&MT Hà Nội cũng đề cập đến việc thực hiện các quy định pháp luật của trang trại. Theo đó, hoạt động trang trại chăn nuôi của ông Chiến đã được cấp phiếu xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường với số lượng gia súc được nuôi là 1.600 con lợn hậu bị. Nhưng tại thời điểm kiểm tra, trang trại có tổng đàn lợn hậu bị là 1.900 con lợn hậu bị và 300 con cá sấu. Như vậy, hoạt động chăn nuôi của trang trại không tuân thủ theo đúng nội dung của Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường đã được phê duyệt và chưa được cấp phép bổ sung cho hoạt động tăng số lượng đàn gia súc nuôi. Bên cạnh đó, nước thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi của cơ sở ông Chiến xả ra bên ngoài môi trường chưa đạt quy chuẩn môi trường cho phép, vi phạm cam kết theo phiếu xác nhận Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, chưa được cấp giấy phép xả thải ra môi trường. Ngoài ra, trang trại chưa thực hiện việc quan trắc chất lượng môi trường hàng năm theo quy định.
Ở phía đầu đường khác dẫn vào trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Trần Văn Chiến cũng diễn ra hình ảnh tương tự (ảnh chụp ngày 23-11-2012). |
Trên cơ sở đó, Sở TN&MT Hà Nội đề nghị UBND thị xã Sơn Tây căn cứ quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính hành vi vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với trang trại chăn nuôi của ông Trần Văn Chiến với tổng mức phạt từ 12-17 triệu đồng. Đồng thời, trong thời gian khắc phục các lỗi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước, yêu cầu trang trại của ông Chiến thực hiện ngay một số hoạt động nhằm khắc phục ô nhiễm môi trường: Thu gom triệt để chất thải chăn nuôi đổ bừa bãi xung quanh, vận hành thường xuyên hệ thống xử lý chất thải biogas, chỉ cho phép nước thải chăn nuôi đạt QCVN 14:2009/BTNMT mới được đổ vào nguồn tiếp nhận; phải thực hiện ngay hồ sơ cấp phép xả thải theo quy định tại Quyết định số 35/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội. Do hoạt động của cơ sở chăn nuôi chỉ được cấp phép cho số lượng đàn gia súc là 1.600 con lợn hậu bị nên yêu cầu cơ sở phải thực hiện công tác giảm đàn theo đúng số lượng gia súc đã được cấp phép xong trước ngày 30-11-2012. Nếu cơ sở đăng ký hoạt động với số lượng đàn hiện có 2.200 con thì yêu cầu phải thực hiện ngay các biện pháp xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường và phải lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết cho việc tăng số lượng đàn cho toàn bộ hoạt động của cơ sở. Cơ sở phải tiến hành các hoạt động quan trắc môi trường, định kỳ hàng năm báo cáo Sở TN&MT, Phòng TN&MT thị xã Sơn Tây.
Chính quyền địa phương còn tắc trách
Để xảy ra sự việc kể trên cho thấy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng thị xã Sơn Tây còn tắc trách, chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Qua tìm hiểu được biết, trước thực trạng ô nhiễm môi trường, người dân bức xúc và đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị nhưng không được giải quyết thấu đáo. Chỉ đến khi, người dân có hành động tự phát như thời gian qua, thì chính quyền địa phương mới ráo riết “lo” giải quyết; UBND thị xã mới có văn bản đề nghị Sở TN&MT Hà Nội kiểm tra, đánh giá tác động môi trường của trang trại chăn nuôi để có cơ sở xử lý. Ngay từ tháng 6-2006, trước việc gia đình ông Chiến xây dựng trại nuôi lợn thứ hai, UBND xã Cổ Đông đã kiểm tra và lập biên bản đình chỉ do chưa được phép của cấp có thẩm quyền phê duyệt cho xây dựng trang trại lợn. Nhưng không hiểu sao, trại nuôi lợn thứ hai vẫn được xây dựng và đưa vào sử dụng. Rồi tiếp đến, đầu năm 2012, việc xây dựng trại lợn thứ ba của gia đình ông Trần Văn Chiến vẫn diễn ra suôn sẻ. Khi hỏi về vấn đề này, lãnh đạo xã Cổ Đông cho biết là không biết xây từ lúc nào vì trang trại quá kín và địa bàn xã quá rộng(!?). Bên cạnh đó, về đất giao khoán cho gia đình ông Trần Văn Chiến và giao khoán đã đúng thẩm quyền, nhân dân trong thôn cũng chưa biết rõ.
Thiết nghĩ, sau khi đã có thông báo của Sở TN&MT Hà Nội về kết quả kiểm tra trang trại của ông Trần Văn Chiến, việc đề cần thiết nhất hiện nay mà chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thị xã Sơn Tây cần làm là tuyên truyền để người dân hiểu, chấp hành pháp luật, không dựng lều lán gây mất trật tự an ninh trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.