(HNM) - Lên Mường Nhé mà không vào Sín Thầu nghe người Hà Nhì kể chuyện về Pờ Dần Sinh thì coi như mất đi một nửa cái thú của chuyến đi. Nghe nói ông là
Bữa đó, tôi theo cán bộ Thanh (Trạm Khuyến nông, Khuyến ngư huyện Mường Nhé) vào Sín Thầu để kiểm tra 5.000m2 lúa thí điểm vụ xuân tại bản Tả Ko Khừ. Đường lên Sín Thầu toàn khúc cua tay áo. Tôi ngồi sau xe gò tấm lưng đổ theo chiều cua mềm như lạt. "Đường vào Sín Thầu giờ ngon rồi đấy, trước kia đi vất lắm", anh Thanh vừa lái xe vừa ngoái lại nói với tôi.
Vợ chồng ông Pờ Dần Sinh. |
Tả Ko Khừ là bản trung tâm xã Sín Thầu nơi có người "đặc biệt" Pờ Dần Sinh đang làm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã. Đến mới hay, người Hà Nhì ở Tả Ko Khừ cũng đâu có nghèo và đói khổ như tôi tưởng tượng. Những ngôi nhà gỗ lợp tôn đỏ, tôn xanh lố nhố…
Trong chiếc chòi ở ngoài ao cá, ông Pờ Dần Sinh tiếp tôi bên chén rượu ngâm thứ rễ cây gì đó, nom đỏ lòm nhưng uống vào lại thấy ngọt. Sau mỗi câu kể, ông Sinh lại nói: Nghỉ một tý, uống rượu đã. Chắp nối câu chuyện từ nhiều mẩu kể: Ông Sinh là người dân tộc Hà Nhì, sinh ra trong một gia đình đông con. Bố ông từng tham gia tiễu phỉ từ những thập niên 70. Anh em ông đều được học hết cấp III và được coi là những người học cao nhất của dân tộc Hà Nhì trên đất Mường Nhé trước những năm 80 của thế kỷ trước.
Nhấp tiếp một hớp ruợu, ông Sinh chậm rãi kể: Năm 1978 tôi phải gùi gạo đi bộ hơn tuần xuống tận bản Xá (trung tâm tỉnh Lai Châu cũ) nay là thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên để học. Nghe tôi nói về thăm nhà phải đi bộ 10 ngày đường, thầy cô giáo ai cũng lè lưỡi rụt cổ. Cả Sín Thầu chỉ có mỗi anh em nhà tôi đi học, vì đường đi quá vất vả. Ngày ấy, đường vào Sín Thầu không như bây giờ. Cây nhiều, rừng nhiều... Cả năm mới được về thăm nhà một lần vào lúc nghỉ hè. Mỗi lần về thăm nhà là tôi không muốn xuống trường vì về nhà được đi suối bắt cá, lên rừng bẫy thú… Đi học thì chẳng có gì ăn. Khổ! - Rồi ông Sinh nâng chén rượu chẳng mời ai, tự uống, khà một tiếng, tay nhón cây măng nhai chẹp chẹp, kể tiếp: - Anh em tôi đi bộ đến trường suốt 10 năm liền. Bố tôi mà không căng… thì bây giờ anh em tôi mù chữ hết.
Ngày ấy, người Hà Nhì không có ai học cao vượt anh em Pờ Dần Sinh. Em trai ông là Pờ Diệp Sàng đi làm cán bộ huyện rồi chuyển lên tỉnh. Còn ông, được người Hà Nhì tín nhiệm bầu làm trưởng bản, rồi chuyển sang cán bộ hành chính xã, rồi lên Chủ tịch xã đến Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Sín Thầu cho tới hôm nay. Đến đó thôi và nếu thiếu việc ông là người đi đầu trong chuyện đưa những việc làm lạ về cho người bản Tả Ko Khừ thì Pờ Dần Sinh cũng không có gì đặc biệt với người Hà Nhì ở Sín Thầu.
Năm 1994, nghe đâu có cách làm ngói bằng xi măng, Pờ Dần Sinh mang bán 4 con trâu đổi lấy 2 cái máy dập ngói, tậu 4 con ngựa thồ về bản. Cả bản kéo nhau đến xem cái thằng Sinh "hâm" bán 4 trâu đổi 2 cục sắt gỉ mang về… Không ai hiểu về việc làm lạ đời ấy. Mẻ ngói đầu tiên mang ra phơi chưa đầy 1 tiếng, cán bộ Đồn Biên phòng tên Thắng người quê Thái Bình về chơi, thấy vậy lấy tay bẻ, ngói vụn như cám, liền bảo: Ngói này không tốt ông Sinh ơi! Làm sao lợp được nhà? Nửa tin nửa ngờ Pờ Dần Sinh lại tức tốc cưỡi ngựa mấy ngày đường xuống Điện Biên hỏi cho ra lẽ. Thì ra, xi măng cát phải để 7 ngày mới đông cứng. Ông về cùng vợ con hì hụi làm ngói và đương nhiên người có ngói lợp nhà đầu tiên là gia đình ông.
"Cứ thế, cứ thế… người bản mình thi nhau đến mua. Ai có tiền thì mình bán ngói, không có mình cũng bán, cho nợ hoặc là để họ đi làm trả công. Chỉ hai năm sau, cả bản mình nhà ai cũng có nhà lợp ngói. Các xã khác như: Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé... cũng vào tìm mua. Người bản mình không thiếu việc để làm: Chở ngói cho họ, phơi ngói cho mình...". Ông Sinh cười và tự thưởng cho mình một chén rượu.
Rồi câu chuyện ông Sinh nuôi cả trang trại trâu, bò hàng trăm con; đào ao thả cá, người trong bản rỉ tai nhau: "Cá ông Sinh ai mà ăn... cá suối ngon hơn, thiếu gì…". Nhưng cá suối bắt mãi rồi cũng cạn kiệt, lúc này người trong bản mới vỡ lẽ quay sang học kinh nghiệm nuôi cá từ ông Sinh. Hiện toàn xã Sín Thầu có gần 10.000m2 ao thả cá, trâu bò nhà nào cũng có một vài con. Thậm chí có hộ học ông nuôi cả bầy. Người Hà Nhì ở Sín Thầu làm theo ông từ những việc làm như thế.
Năm 1997, người Hà Nhì đang yên ổn bỗng đâu nạn ma túy tràn về như lũ, đi đâu cũng thấy người nghiện. Bản Tả Ko Khừ như lên cơn sốt, suốt ngày rình rập bắt trộm. Đôi mắt người Hà Nhì nhìn ai cũng thấy xấu. Sểnh nhà ra là mất cắp; khi con gà, khi con lợn, thậm chí cả trâu, bò thả trên nương. Cả xã có tất thảy 105 người nghiện. Không để nạn ma túy hoành hành lâu hơn nữa, năm đó Pờ Dần Sinh lấy cương vị người đứng đầu xã đăng ký với cán bộ Đồn Biên phòng Sín Thầu và lãnh đạo huyện, lãnh đạo tỉnh đưa toàn bộ người nghiện đi cai. Ban đầu ai cũng thấy lo cho ông, cai nghiện đâu phải dễ… Trước chủ trương của tỉnh tách bản mới Tả Ló Sang, cách trung tâm UBND xã Sín Thầu đi bộ 2 ngày đường, Pờ Dần Sinh lập kế hoạch đưa toàn bộ gần 100 người nghiện có tuổi đời từ 45 trở xuống có sức đề kháng tốt hơn lên bản mới, vừa là tạo điều kiện để dân khai hoang, dựng nhà, làm lán, làm đường… vừa để cai nghiện ma túy. Đồn Biên phòng hỗ trợ cán bộ quản lý quân số, cán bộ quân y và thuốc men. Số đối tượng mắc nghiện là người cao tuổi, sức yếu thì đưa về trung tâm xã tổ chức cai tập trung; trong nhóm đối tượng nghiện thuốc phiện là người cao tuổi ấy có cả mẹ vợ Pờ Dần Sinh ở bản A Pa Chải, nghiện thuốc phiện 37 năm. Ông Sinh kể: Cai cho mẹ vợ tôi khổ lắm, 3 lần mới thành công. Rồi ông chỉ sang Trưởng bản Vù Vù Sinh ngồi kế bên:
- Thằng này đây này, xưa cũng nghiện, mình phải đi cai cho nó. Bực mình sắp chết. - Trưởng bản Vù Vù Sinh đỏ mặt gãi đầu cười, khẳng định: Vâng! Đúng thế chị ạ! Ngày ấy anh Sinh không làm như thế thì mình và nhiều người khác bây giờ nghiện to rồi!
Được thể Pờ Dần Sinh thêm cao giọng, nói như khoe: Ngày đấy, có mỗi xã tôi là làm được thôi nhá! Vì bọn này đưa đi bản xa, đi bộ 2 ngày đường, 2 năm liền ở đấy, lấy thuốc phiện ở đâu mà ăn? Những nơi khác cai cũng không được. Năm 1999 xã mình được UBND tỉnh (Lai Châu cũ) nay là Điện Biên tặng Bằng khen về mô hình cai nghiện tại cơ sở thành công. Từ đấy đến nay toàn bộ xã Sín Thầu không thêm người nghiện nào. Trước thì mình cứ đi đâu về lại thấy người dân khóc, kiện nhau trộm gà, trộm trâu. Suốt ngày xử lý mấy vụ này, không làm ăn gì được. Mệt! Thế mới hay, Pờ Dần Sinh được người Sín Thầu kính trọng ở lẽ đó, đi đến đâu dù già hay trẻ cũng gật đầu, đưa tín hiệu chào ông!
Thâu đêm, Pờ Dần Sinh vẫn ngồi kể về đời mình, kể về những thăng trầm của người Hà Nhì trên bản Tả Ko Khừ. Đến nay, xã Sín Thầu là một trong những xã điểm của huyện Mường Nhé về phát triển kinh tế, ổn định dân cư, không có tệ nạn xã hội. Hôm chúng tôi có mặt tại xã, cũng là ngày Bí thư Pờ Dần Sinh vừa tổ chức họp trưởng bản để chuẩn bị cúng bản, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu… cầu cho người Sín Thầu không bị ốm đau, không bị con ma rừng về bắt... Người Sín Thầu dẫu hôm nay chưa hết khó khăn, nhưng đã học được ở nhau nết ăn, nết ở… đùm bọc, yêu thương nhau, cùng đoàn kết xây dựng quê hương, bản làng.
Rời Sín Thầu khi Mặt trời lên con sào. Cạnh gốc ngót rừng, sơn nữ Pờ Nhù Ly đứng địu con, nụ cười giòn tan sau nhịp tay vẫy vẫy. Bỏ lại vực sâu con đường đã rộng hơn dưới chân chúng tôi, nắng sớm đã chiếu vàng như rót mật lên khắp bản Tả Ko Khừ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.