Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Người cười nụ, người khóc thầm”

Hồng Quang| 02/05/2010 06:19

(HNM) - Diễn biến thị trường ngoại tệ thời gian gần đây có tích cực hơn khi sức ép tăng tỷ giá đang dần được giải tỏa. Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít những lo lắng, băn khoăn về tỷ giá. "Chuyện lạ" trên thị trường ngoại hối Việt Nam


Thị trường ngoại hối trong thời gian qua đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư với hiện tượng lao dốc khá mạnh và bất ngờ của tỷ giá. Trong khi tỷ giá USD liên ngân hàng vẫn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cố định ở mức 18.544 VND/USD thì tỷ giá mua vào/bán ra niêm yết tại các ngân hàng lại có dấu hiệu hạ nhiệt, thấp hơn giá trần (19.100 VND/USD). Tỷ giá ngoài thị trường tự do cũng hạ nhiệt nhanh chóng và lao dốc rất mạnh, ở mức gần như ngang với giá niêm yết tại ngân hàng. Đây có thể coi là một "chuyện lạ" trên thị trường ngoại hối Việt Nam bởi đã rất lâu rồi, người dân và giới đầu cơ ngoại tệ mới được chứng kiến sự chênh lệch với biên độ nhỏ như vậy giữa giá USD trong ngân hàng với thị trường chợ đen.

Minh họa: Văn Thao

Giá USD ổn định có tác động rất tích cực tới giá trị VND và gián tiếp góp phần giải quyết bài toán lãi suất hiện nay. Khi mà kỳ vọng phá giá VND không còn, người dân sẽ có niềm tin hơn với đồng nội tệ, không còn tích trữ ngoại tệ và chuyển nguồn vốn nhàn rỗi của mình vào hệ thống ngân hàng, giúp nguồn vốn huy động của các ngân hàng dồi dào hơn - nhân tố quan trọng kéo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay xuống thấp hơn nữa.

Theo một số chuyên gia, sự sụt giảm của đồng USD trong thời gian qua là do sự điều chỉnh chính sách của NHNN trong quan hệ giữa lãi suất và tỷ giá. Sự lên giá của tiền đồng so với USD phản ánh kết quả tích cực động thái điều hành của NHNN trong việc chuyển dịch USD tín dụng sang USD thương mại. Việc điều chỉnh tỷ giá tăng 3,4% từ 17.961 đồng lên 18.544 đồng vào tháng 2-2010 của NHNN đã đưa mức tỷ giá chính thức tới gần hơn mức cân bằng cung - cầu USD của thị trường, làm cho kỳ vọng tiếp tục phá giá VND giảm đi. Ngoài ra, chênh lệch lãi suất cho vay giữa USD và VND khiến tỷ giá giảm mạnh. Cụ thể, lãi suất bình quân cho vay VND khoảng 15%/năm, trong khi vay USD là 7-8%/năm, tạo ra chênh lệch lãi suất từ 7-8%. Điều này khiến doanh nghiệp (DN) không cần USD nhưng vẫn vay USD để bán ra lấy VND mua vật tư, nguyên liệu, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hiện tại, nguồn cung ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại đã tăng lên, đáp ứng nhu cầu USD tạm thời của các DN. Trong khi đó, cầu USD cũng không thật sự cao bởi lẽ các DN nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm nay thay vì mua USD đã quay sang vay USD để dành VND cho hoạt động sản xuất, kinh doanh với lý do lãi suất vay USD hấp dẫn. Ở chiều ngược lại, các DN xuất khẩu lại hầu như luôn trong trạng thái sẵn sàng bán USD cho ngân hàng do kỳ vọng găm giữ chờ tỷ giá lên không còn. Nguồn cung liên tục được cải thiện trong khi cầu không thật sự mạnh đã khiến giá USD chịu sức ép giảm giá khá lớn.

"Găm" ngoại tệ - quyết định khôn ngoan?

USD giảm giá bên cạnh niềm vui cũng đang có không ít nỗi lo. Do hiện nay lãi suất cho vay VND và USD có mức chênh lệch quá lớn nên có không ít DN đi vay vốn ngoại tệ rồi chuyển hóa thành tiền đồng để hưởng chênh lệch hoặc buôn bán ngoại tệ lòng vòng để kiếm lời. Thực tế cho thấy, dư nợ bằng ngoại tệ đã tăng 14,07% so với tháng 12- 2009 (theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phản ánh việc nhiều DN đã tăng cường đi vay ngoại tệ thay vì nội tệ. Nhu cầu vay ngoại tệ vẫn tiếp tục nóng, khiến tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đang tiệm cận mốc 20%.

Khách hàng tới giao dịch tại Ngân hàng Techcom Bank. Ảnh: Huyền Linh

Các chuyên gia nhận định, việc vay vốn bằng USD tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, bởi vay ngoại tệ luôn đi kèm với rủi ro tỷ giá, đây là vấn đề đáng lo ngại nhất vì không thể tính trước được. Lần biến động giá USD những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 là một ví dụ. Trong khi tỷ giá liên ngân hàng vẫn ở mức 18.544 đồng/USD thì giá USD trên thị trường liên tục tăng và nhanh chóng vượt qua mốc 19.300 đồng/USD. Không ít DN đã nhận "quả đắng" vào thời điểm này. Hiện nay, nhìn tỷ giá USD/VND có vẻ ổn định nhưng biến động của tỷ giá rất khó lường, thường tăng bất ngờ và vì vậy sẽ là nỗi "ám ảnh" đối với các DN, đặc biệt là những DN có nội lực chưa mạnh, khó tìm các nguồn ngoại tệ khác khi đến hạn trả nợ.

Khi giá USD giảm xuống, nhiều người dân đã đua nhau đi mua. Nhiều chuyên gia cho rằng việc "găm" ngoại tệ hiện nay chưa hẳn là sự đầu tư khôn ngoan, bởi xét về khả năng sinh lời, đầu tư vào USD thời điểm này không thu được kết quả như kỳ vọng. Việc "găm" USD hiện nay chỉ dành cho những người có tiền nhàn rỗi, không ưa mạo hiểm.

Một nỗi lo khác là do giá USD giảm khiến nhà xuất khẩu đang bị thất thu. Một tấn gạo có giá 400 USD, khi giá mua 1 USD giảm 80 đồng, nhà xuất khẩu bị mất 32.000 đồng. Với 100.000 tấn gạo, nhà xuất khẩu bị mất 3,2 tỷ đồng. Doanh thu xuất khẩu của cả nước trong tháng 3-2010 là 5,15 tỷ USD, khi 1 USD giảm 80 đồng, nhà xuất khẩu bị mất 412 tỷ đồng. Đây là điều đáng suy nghĩ bởi vì chủ trương tăng tỷ giá từ 18.500 đồng/USD lên 19.100 đồng/USD trong đầu năm 2010 là để khuyến khích xuất khẩu. Vì thế, tỷ giá giảm cũng đặt ra cho NHNN một nhiệm vụ mới, đó là phải tham gia thị trường để đưa tỷ giá trở về mức hợp lý cho nhà xuất khẩu. Trong khi không khuyến khích được xuất khẩu, thì nhập khẩu lại gia tăng, gây áp lực lớn lên cán cân thương mại. Nhập siêu quí I-2010 đạt mức 3,5 tỷ USD, bằng 25% kim ngạch xuất khẩu. Thời gian tới, nếu mức nhập siêu tăng cao, mức cầu của USD sẽ tăng mạnh và gây áp lực lên VND. Khi đó, có thể sẽ dẫn đến sự điều chỉnh của tỷ giá, làm tăng rủi ro trong các hoạt động kinh doanh, dễ tạo ra những chu kỳ kinh tế có tính bất ổn cao. Trong khi đó, điều đáng lo ngại là không mấy DN ở Việt Nam sử dụng các công cụ phái sinh như hợp đồng kỳ hạn (forwards), hoán đổi (swaps), hay quyền chọn (options) để bảo hiểm rủi ro tỷ giá.

Có thể nói, những biến động tỷ giá trong thời gian này tạo ra rất nhiều thuận lợi cho nền kinh tế thì mặt khác, cũng rất nhiều DN đang phải hứng chịu "tác dụng phụ". Nói biến động tỷ giá, kẻ thì cười nụ, người đang khóc thầm là vì thế. Theo nhận định của các chuyên gia, khả năng giảm của USD sẽ còn tiếp tục trong 2-3 tháng nữa. Tuy nhiên, do nguồn cung ngoại tệ từ thặng dư cán cân thương mại của Việt Nam chưa được cải thiện nhiều, tỷ giá giảm hiện nay chỉ có tính chất ngắn hạn và không bền vững. Trong dài hạn, vẫn còn quá sớm để khẳng định sự ổn định của VND trong những tháng tới, bởi còn phụ thuộc vào các yếu tố chỉ số lạm phát và tỷ giá VND. Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, thâm hụt cán cân thương mại lớn và dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nhiều, việc lựa chọn một cơ chế điều hành tỷ giá phù hợp để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ là không đơn giản với tình trạng USD hóa trong nền kinh tế vẫn còn cao như hiện nay. Việc điều hành tỷ giá đặt ra cho Việt Nam những thách thức và lựa chọn không dễ. Ưu tiên và hy sinh cho mục đích nào sẽ còn phụ thuộc rất lớn vào những biến động kinh tế trong những tháng còn lại của năm nay. Tuy nhiên, việc duy trì một chính sách tỷ giá minh bạch và ổn định sẽ giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm rót vốn vào Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Người cười nụ, người khóc thầm”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.