Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người cười, người khóc

Đỗ Hà| 20/01/2012 07:08

(HNM) - Tết Nguyên đán Nhâm Thìn đã cận kề, nhiều hộ trồng quất cảnh tại xã Đông Ngạc (Từ Liêm)


Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Ngạc Hoàng Văn Anh cho biết, xã có 3 thôn thì có 2 thôn Nhật Tảo và Đông Ngạc có nghề trồng đào, quất cảnh. Do diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nghề trồng đào, quất cảnh lại cho thu nhập cao hơn trồng lúa và rau màu nên 100% số hộ còn đất nông nghiệp đã chuyển sang nghề này với diện tích khoảng 50ha và Đông Ngạc đã xuất hiện nhiều điển hình trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.


Một vườn quất cảnh tại xã Đông Ngạc.Ảnh: Thu Hằng

Đến thôn Nhật Tảo - "vựa" quất cảnh của xã Đông Ngạc những ngày này người đến mua, xem quất chật như nêm. Bên cánh đồng Nhật Tảo, nhìn từ xa, những vườn quất xanh, quả to đẫy đà, vàng óng. Chủ vườn quất rộng 240m2 Nguyễn Thị Mai Thanh cho biết, vườn quất của gia đình trồng 150 cây các loại. Do thời tiết khắc nghiệt, mặc dù đã cố giữ nhưng vườn quất vẫn bị hỏng 20 cây. Đến ngày 18-1 (tức 25 tháng Chạp), chị Thanh đã bán được trên 60% số cây trong vườn. Theo chị Thanh, năm nay nhiều vườn quất tại xã bị hỏng nên giá quất rất cao (bình quân tăng 200-300 nghìn đồng/cây). Gia đình chị dự kiến thu 170 triệu đồng, trừ chi phí lãi 120 triệu đồng. Tại vườn nhà chị, quất (dáng cây thông) có giá cao nhất là 6 triệu đồng/cây; các cây thế, cây bon sai giá bình quân 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/cây. Không chỉ gia đình chị Thanh, từ trồng quất, nhiều hộ đã thu hàng trăm triệu đồng/năm. Điển hình như gia đình anh Đặng Văn Thanh, thôn Nhật Tảo trồng 3 sào với khoảng 600 cây quất; anh Trương Ngọc Xuân, thôn Đông Ngạc trồng 4 sào quất; anh Hoàng Văn Hải, thôn Nhật Tảo trồng 5 sào quất...

Bên cạnh những vườn quất xanh tốt, quả to đẫy đà là những vườn quất màu vàng quạch, thấp lủn củn khiến những người nông dân nơi đây phải "bạc mặt" lo trả nợ. "Gia đình tôi đầu tư vào vườn quất mấy chục triệu đồng tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đó là chưa kể công chăm sóc mấy tháng trời. Vậy mà, do thời tiết quá khắc nghiệt, mưa nhiều khiến hơn 400 gốc quất mini vàng quạch, bán chẳng ai mua. Vậy là một năm gia đình không có Tết" - chị Đặng Thị Thắng, thôn Nhật Tảo than thở. Gia đình chị Nguyễn Thị Hà cũng trong hoàn cảnh tương tự. Với hơn 1 sào đất, chị trồng 300 cây quất các loại nhưng bị hỏng 200 cây, 100 cây còn lại cũng không được đẹp nên giá bán không cao. Theo tính toán của chị Hà, năm nay cả gia đình trồng quất không công, không lãi, may còn không lỗ.

Chủ tịch Hội Nông dân Đông Ngạc Hoàng Văn Anh cho biết, trồng quất khó hơn chăm con mọn. Lơ là một chút coi như hỏng cả vườn. Nhất là thời điểm kết trái, nếu trời mưa liên tục, người trồng không có biện pháp bảo vệ quả non kịp thời, quả sẽ rụng hết. Hoặc không có biện pháp tháo nước kịp thời sẽ gây thối rễ, cây không phát triển. Để hạn chế tối đa những rủi ro cho nông dân, những năm qua Hội đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho nông dân. Tuy nhiên, do đồng đất của xã manh mún, nghề trồng đào, quất cảnh đã có mặt trên địa bàn trên 30 năm nay nhưng vẫn mang tính tự phát, mạnh ai nấy trồng, không theo quy hoạch nên khi mưa, úng nhiều hộ không thoát nước kịp gây hỏng cả vườn. Cạnh đó, nhiều diện tích đất nông nghiệp của xã nằm trong diện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, của TP Hà Nội, vì vậy nông dân thấp thỏm, chưa thực sự yên tâm đầu tư sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người cười, người khóc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.