(HNM) - Ở Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển du lịch sông Hồng (thuộc Công ty TNHH nhà nước một thành viên Thăng Long GTC), hướng dẫn viên Nguyễn Văn Ánh được đánh giá là
Đối với đồng nghiệp, bạn bè, Ánh được coi là tấm gương mẫu mực trong lao động, bởi nghị lực phấn đấu vươn lên, liên tục đạt thành tích cao trong công tác.
Tuy mới 31 tuổi, đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng phòng kinh doanh, Bí thư chi đoàn của xí nghiệp, nhưng Nguyễn Văn Ánh luôn chứng tỏ khả năng, bản lĩnh của mình trước nhiều việc khó được cấp trên giao. Tiêu biểu là chương trình du lịch "Trở lại với Hoa Lư" - kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội do Ánh thực hiện. Được ban lãnh đạo giao lập phương án xây dựng chương trình du lịch "Trở lại với Hoa Lư", ý thức được đây là hoạt động quan trọng dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, lúc đầu, Ánh không khỏi băn khoăn, lo lắng. Song với quyết tâm của tuổi trẻ, nghị lực của một người giỏi việc, yêu nghề, Ánh thức trắng nhiều đêm, trăn trở suy nghĩ, nghiên cứu các tài liệu lịch sử, truyền thuyết và tìm đến các nhà nghiên cứu lịch sử để hiểu rõ về việc dời đô của Vua Lý Thái Tổ. Rồi Ánh đi xe máy về các địa phương Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình để khảo sát địa hình xây dựng chương trình "Trở lại với Hoa Lư" tái hiện lịch sử, góp phần làm cho du khách trong và ngoài nước hiểu về giá trị lịch sử của Cố đô Hoa Lư cũng như sự hình thành của Thăng Long nghìn năm văn hiến, được ban lãnh đạo xí nghiệp và các cơ quan cấp trên đánh giá cao.
Khi được UBND TP Hà Nội đồng ý đưa chương trình này vào danh mục các chương trình chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Ánh mừng nhưng cũng lo rất nhiều, lo làm sao để chương trình từ trên giấy trở thành hiện thực. Song, vượt lên tất cả, Ánh tự nhủ quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ và cùng các anh chị em trong xí nghiệp thực hiện thành công chương trình "Trở lại với Hoa Lư" vào đúng dịp Đại lễ, tái hiện được hành trình dời đô của Vua Lý Thái Tổ bằng đường thủy, thu hút số lượng lớn du khách, tạo "điểm nhấn" cho thương hiệu du lịch sông Hồng.
Đạt được thành quả cao trong lao động, song không tự mãn với điều đó, Ánh lại nhanh chóng bắt tay vào triển khai chương trình du lịch mới mang tên "Du lịch làng nghề kết hợp xem múa rối nước trên tàu thủy". Những nỗ lực, cố gắng và sự kiên trì phấn đấu không mệt mỏi của Ánh góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị, tăng cường quảng bá hình ảnh Thủ đô với du khách trong nước và bạn bè quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.