Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người cũ, trật tự mới

Thùy An| 24/04/2011 06:45

(HNM) - Trước đó, nếu như kết cục giải nữ không có nhiều điều đáng bàn thì ở giải nam, người ta lại chờ đợi một trật tự mới được ra đời căn cứ vào lực lượng, sự đầu tư mạnh mẽ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam), T&T Hà Nội và "thế lực cũ" Quân đội. Cuối cùng trật tự mới cũng được xác lập với sự thắng thế của bóng bàn doanh nghiệp.

Tay vợt Trần Tuấn Quỳnh. Ảnh: Hải Anh

Trước giải, các đội bóng doanh nghiệp chưa thể khẳng định vị trí trên bản đồ bóng bàn Việt Nam ngoài Viễn thông TP Hồ Chí Minh ở giải nữ. Ngân hàng Công thương Việt Nam, Xi măng Hoàng Thạch Hải Dương và thậm chí cả T&T Hà Nội đã đầu tư vào bóng bàn mạnh mẽ, nhất là ở nội dung nam, nhưng không đi đến đâu. Các đội bóng này thiếu lực lượng tinh nhuệ dù không thiếu tiền. Khi Khánh Hòa, Hà Nội vẫn sở hữu các tay vợt hàng đầu quốc gia, dù không thể đem lại thu nhập cao cho họ, thì trật tự bóng bàn nam vẫn chỉ là Quân đội, Hà Nội và phần nào là Khánh Hòa (khi còn Đoàn Kiến Quốc).

Chỉ đến khi PetroVietnam chiêu mộ được Đoàn Kiến Quốc (với mức lương cao nhất trong làng bóng bàn Việt Nam) và Hồ Ngọc Thuận thì mới tạo ra cú hích cho các đội bóng bàn doanh nghiệp. T&T Hà Nội, trong tình cảnh cần gây dựng thương hiệu cho chính CLB cũng như Tập đoàn T&T, đã chiêu mộ thành công những tay vợt mạnh như Trần Tuấn Quỳnh, Phan Huy Hoàng với mức chuyển nhượng và lương vào diện hàng đầu bóng bàn Việt Nam. Nhiều người coi đây là cách làm "ăn xổi", nhưng các đội bóng doanh nghiệp nghĩ khác. Nếu không có thành tích thì không có tài trợ, không hoàn thành nhiệm vụ quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp "đẻ" ra đội bóng. Và cũng không thể nói rằng họ "ăn xổi" khi T&T Hà Nội đang gây dựng được một lứa trẻ đầy tiềm năng, PetroVietnam đang xúc tiến thành lập Học viện bóng bàn. Không kể, chính các tay vợt ở các đội bóng doanh nghiệp cũng nhận được mức đãi ngộ, chế độ tập luyện hơn hẳn các đội bóng theo mô hình bao cấp. Đó là điều tốt!

Kết quả tại giải năm nay đã chứng minh sự thành công trong khâu đầu tư lực lượng, điều kiện luyện tập của các đội bóng doanh nghiệp. PetroVietnam chiếm ưu thế ở giải nam khi vào chung kết ở cả ba nội dung: đồng đội, đôi, đơn và giành 1 HCV, 2 HCB. T&T Hà Nội vào chung kết đơn nam, đôi nam nữ, đôi nữ, trong đó đáng kể nhất là chiếc HCV đơn nam của Trần Tuấn Quỳnh. Không kể những Viễn thông TP Hồ Chí Minh áp đảo tại giải nữ, Xi măng Hoàng Thạch Hải Dương cũng vào bán kết ở một loạt nội dung. Đội bóng bao cấp duy nhất còn khẳng định được vị thế là Quân đội, chỉ giành được HCV đồng đội nam. Trong khi đó, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa đã lùi lại.

Và trật tự mới đã được xác lập ở giải nam với thế chân vạc PetroVietnam, T&T Hà Nội, Quân đội cùng những "người cũ" như Đoàn Kiến Quốc, Trần Tuấn Quỳnh, Phan Huy Hoàng, Đinh Quang Linh, Nguyễn Thành Luân, Hồ Ngọc Thuận… Cứ như hiện tại, trật tự này còn được duy trì trong thời gian dài.

Nhìn cách thưởng, số nhà tài trợ của T&T Hà Nội và PetroVietnam tại giải này, giới bóng bàn sẽ không khỏi mơ ước. Đoạt HCV đơn nam, Trần Tuấn Quỳnh được thưởng ngay 100 triệu đồng từ Tập đoàn T&T - mức thưởng lớn nhất từ trước đến nay trong làng bóng bàn. Các tay vợt đoạt HCB và HCĐ của T&T lần lượt nhận mức thưởng 50 triệu đồng, 30 triệu đồng. Trong khi đó, để duy trì mức lương và điều kiện tập luyện cho VĐV tốt nhất Việt Nam, PetroVietnam nhận được sự tài trợ của 6 doanh nghiệp là Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Vietsovpetro, Tổng Công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP), Tổng Công ty Phân bón và hóa chất dầu khí, Tổng Công ty Bảo hiểm dầu khí (PVI), Tổng Công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC), Công ty CP Bất động sản tài chính dầu khí Việt Nam (PVFC Land).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người cũ, trật tự mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.