(HNM) - Hà Nội là một trong 7 địa phương được chọn làm điểm triển khai Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp (DN) giai đoạn 2011-2014 của Chính phủ. TP cũng đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho DN trong giai đoạn này với số tiền lên tới 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, để đạt kết quả như mong muốn cần sự nỗ lực từ nhiều phía…
Thiếu và khó khi tiếp cận thông tin
Tháng 9-2011, giới DN trong cả nước xôn xao trước thông tin thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị chiếm đoạt tại Trung Quốc, thương hiệu cà phê Đắc Lắc cũng bị một công ty của Pháp đăng ký bảo hộ ở hơn 10 quốc gia khác nhau. Tháng 10, những nội dung liên quan tới việc Công ty Interbrand (trụ sở chính tại Anh) kiện hai công ty Việt Nam ra Tòa kinh tế TP Hồ Chí Minh để đòi quyền đối với tên thương mại, nhãn hiệu của mình lại khiến không ít DN giật mình. Những vấn đề xung quanh các bài học này cho thấy dường như với DN, nội dung liên quan đến thủ tục pháp lý chưa được thật sự coi trọng. Song theo đánh giá của chính các DN, họ đang vướng phải "rào cản" vừa thiếu, vừa khó khi tiếp cận hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hiện nay.
Hiện nay, đa số DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin pháp lý. Ảnh: Bá Hoạt |
Ông Tô Hữu Chung, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự, Công ty TNHH một thành viên Cơ điện công trình (Long Biên - Hà Nội) chia sẻ, hiện các DN chủ yếu là tự khai thác các VBQPPL trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, do khối lượng VBQPPL nhiều, việc cập nhật của các cơ quan chức năng cũng chưa được thường xuyên nên việc khai thác thông tin của chúng tôi vừa mất thời gian mà hiệu quả lại không cao. Chúng tôi mong muốn có sự điều chỉnh trong việc hệ thống hóa các VBQPPL theo các chuyên đề, nhất là các chuyên đề hiện DN còn gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong thực hiện.
Thực tế trên cũng được luật gia Trần Minh Sơn, Trưởng phòng Quản lý công tác hỗ trợ pháp lý DN, Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) thừa nhận. Ông Sơn cho biết, kết quả khảo sát của Bộ Tư pháp cho thấy, đa số DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin pháp lý. Các DN thường phải mất nhiều thời gian để tra cứu một VBQPPL bởi việc cập nhật các văn bản này trên trang thông tin điện tử của bộ, ngành còn rất hạn chế. Trong khi đó, một số trang web cập nhật thông tin VBQPPL đầy đủ thì DN phải trả phí để được tải về. Vì vậy, đối với những vụ việc cần tư vấn, DN lại phải sử dụng đến dịch vụ tư vấn của các văn phòng luật sư, công ty luật. Tuy nhiên, với hơn 97% DN mới chỉ hoạt động ở quy mô vừa và nhỏ như hiện nay, mức phí dịch vụ còn cao so với năng lực tài chính của DN. Đó còn chưa kể nhiều trường hợp rủi ro, tiền mất nhưng chất lượng dịch vụ tư vấn pháp lý chưa đáp ứng được nhu cầu của DN.
Làm sao cho hiệu quả
Trước thực trạng này, bên cạnh các quy định hỗ trợ về vốn, hỗ trợ đầu tư, ưu đãi về thuế tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã ban hành nghị định và các kế hoạch liên quan tới hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN. Trong đó có một điểm mới là thay vì chịu sự quản lý hành chính như trước đây, DN là đối tượng được Nhà nước phục vụ các dịch vụ pháp lý.
Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phan Hồng Sơn cho biết, UBND TP đã ban hành Quyết định 2706/QĐ-UBND năm 2011 về Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho DN trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2011-2014. Theo đó, tất cả DN trên địa bàn đều được hỗ trợ pháp lý không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh, lĩnh vực hoạt động. Đây là lần đầu tiên Hà Nội có một văn bản cụ thể chỉ đạo bài bản, chi tiết hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN trên địa bàn. Đồng thời, Hà Nội cũng dành ngân sách 6 tỷ đồng để triển khai một số hoạt động hỗ trợ cụ thể dành riêng cho DN.
Song qua thực tiễn triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý trên địa bàn TP cho thấy, bên cạnh những khó khăn của DN trong việc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý, trong tra cứu, cập nhật thông tin VBQPPL thì nhiều DN mới chỉ chú trọng đến hoạt động kinh doanh. Nhiều DN chỉ tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản, quy định của pháp luật khi có tranh chấp hoặc có vấn đề "động chạm" đến chính DN mình.
Thiết nghĩ, để các hoạt động hỗ trợ pháp lý DN đạt hiệu quả cần sự phối hợp và nỗ lực của nhiều phía. Với các cơ quan chức năng cần có biện pháp hỗ trợ, tuyên truyền cụ thể, thiết thực nhằm tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của DN. Tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để DN kinh doanh có hiệu quả, phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của DN. Về phía các DN, cũng cần phải thay đổi nhận thức về việc tiếp cận thông tin pháp luật. Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, các DN cần tạo cho mình thói quen chủ động tìm hiểu, cập nhật VBQPPL trong nước và quốc tế, đừng để "nước đến chân mới nhảy" như một số DN thời gian qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.