Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người “chép sử” bờ Bắc sông Bến Hải

Linh Hồ| 29/04/2016 05:51

(HNM) - Được mệnh danh là người chép sử bờ Bắc sông Bến Hải bằng ống kính, ông Hồ Sĩ Sô, nhiếp ảnh gia thời chiến, quê ở huyện Vĩnh Linh đã lưu giữ được hàng nghìn bức ảnh về Quảng Trị một thời khói lửa mà hiếm có một nhà nhiếp ảnh Việt Nam nào may mắn có được.


Nhiếp ảnh gia - nhân chứng lịch sử

Tôi tìm về Bến đò B, phía hạ nguồn sông Bến Hải, thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang (Vĩnh Linh, Quảng Trị) tìm gặp ông Hồ Sĩ Sô vào một ngày nắng gắt. Là nhiếp ảnh gia và đang sở hữu hàng nghìn bức ảnh, ông được xem là "nhân chứng sống" về Quảng Trị trong những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ. Tài sản quý giá của ông hiện có khoảng 3.000 cuốn phim, gần 2.000 bức ảnh về bờ Bắc sông Bến Hải. Ông Hồ Sĩ Sô cũng là người chứng kiến và ghi lại bằng ảnh nhiều cột mốc quan trọng của Quảng Trị một thời khói lửa: Thành cổ Quảng Trị bị tái chiếm năm 1972, thế "cài răng lược" sau Hiệp định Pari được ký kết...

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sĩ Sô bên những bức ảnh quý.


Hỏi ông, vì sao lại mê chụp ảnh về chiến tranh như thế, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sĩ Sô kể, trong một lần đọc cuốn Cách mạng Tháng Mười Nga, ông tâm đắc và suy nghĩ rất nhiều về một câu nói của Lênin: "Các nhà nhiếp ảnh gia là nhân chứng lịch sử và không ai có thể thay thế được". Khi đất nước đang bị chia cắt, đấu tranh thống nhất nước nhà là cả quá trình cam go, khốc liệt. Lúc đó, người thanh niên Hồ Sĩ Sô ý thức được rằng, mình đang được chứng kiến những câu chuyện đặc biệt của lịch sử. Và ông khát khao có thể làm gì đó để ghi lại nó cho mai sau. Không học nghề nhiếp ảnh, cuộc đời nghệ thuật của Sĩ Sô bắt đầu sau khi đăng ký vào Trường Lý luận chuyên nghiệp nhiệm vụ của Bộ Văn hóa với điểm A thi diễn thuyết và điểm A thi vẽ. Năm 1964, ông được lãnh đạo đặc khu Vĩnh Linh "xin" về làm cán bộ văn hóa nghệ thuật phục vụ khu và ông chính thức cầm máy ảnh từ lúc đó.

Ông đã ghi lại được rất nhiều câu chuyện cảm động của hai bên bờ Bến Hải bằng chiếc máy ảnh Hải Âu cũ của mình. "Một trong những hoạt động bên bờ Bắc Bến Hải rất được bà con quan tâm là những buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật từ Bắc vào. Sân khấu ngay trên sông Bến Hải đã thu hút hàng trăm bà con cả hai bên bờ. Những bàn tay vẫy, cả ánh mắt và nụ cười của bà con ở bên kia, bên này vẫn thấy rõ. Và, trên con đò nhỏ chính giữa dòng sông, tôi đã chụp vội bức ảnh các nghệ sĩ hát "Gửi tấm lòng về miền Nam". Đó cũng là tên bức ảnh tôi đặt sau này - ông nhớ lại.

Ảnh chụp xong, ông luôn cất kĩ vào lá gai, vì như thế mới giấu được trong địa đạo Vịnh Mốc mà không bị hỏng. Rất nhiều bức ảnh về chiến tranh có giá trị chụp ở Địa đạo Vịnh Mốc, những cuộc trao trả tù binh từ hai phía ta và địch… được ông chọn để gửi cho Hội Nghệ sĩ Việt Nam xét trao Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Nghệ sĩ Hồ Sĩ Sô đã trải qua tuổi thanh xuân vô cùng ý nghĩa ở vùng giới tuyến: Đào địa đạo đến cong mười ngón tay, đưa trẻ em Vĩnh Linh vượt qua bom đạn ra Quảng Bình đi K8 (hồi đó chính quyền đã quyết định đưa những đứa trẻ từ 7 đến 17 tuổi ra hậu phương tránh bom đạn), làm bèo hoa dâu... "Cho đến ngày hôm nay, những lúc nhớ lại ngày đưa trẻ em đi K8, tôi không thể cầm được nước mắt. Khóc vì một lần chiếc xe thứ tám trong đoàn xe 9 chiếc của đoàn đi đêm đó bị trúng bom tại Mỹ Trung (huyện Quảng Ninh - Quảng Bình). Biết tin, tôi chạy ngược từ Võ Ninh (Quảng Ninh - Quảng Bình) đến nơi, chỉ còn chứng kiến cảnh đau thương khi thấy thi thể của những đứa trẻ trước mắt mình - 41 cháu và 2 lái xe. Chỉ còn hai cháu bị bom dạt treo lơ lửng ở ngọn tre là còn sống. Tôi kêu bà con đem xô chậu ra. Tôi vừa khóc vừa nhặt và chia ra 43 phần để chôn cất thành 41 mộ trên đồi cát Mỹ Trung... Lần khác, tôi mò mẫm suốt cả ngày ở Bảo Ninh (Đồng Hới - Quảng Bình) mà không tìm ra mấy đứa nhỏ 7 tuổi rủ nhau trốn về nhà. (Thực ra là vì bom đạn cày nát quá thì mới phải bắt chúng xa cha mẹ nhưng tôi biết, hễ nhãng ra là chúng lại tìm cách về nhà). Đến lúc tìm được chúng trong mấy bụi lau giữa bãi cát, tôi trào nước mắt... Tại sao cái vùng đất Vĩnh Linh này lại đau thương đến vậy? Tại sao người Vĩnh Linh lại chịu nhiều mất mát đến vậy?". Người nghệ sĩ già rơm rớm nước mắt.

Ngọn lửa đam mê và những mối tình

Dù tính khí ngang ngang như gió Lào thì cuộc đời vẫn dành cho ông nhiều trái ngọt. Sau nhiều lần hoãn, hủy, Hồ Sĩ Sô cũng từng vài ba lần ra nước ngoài. Đã từng trúng cử Hội đồng nhân dân tỉnh, đã từng giữ đến chức vụ to nhất mà ông không ngờ tới: Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Bạn bè ông nói rằng, như vậy là may mắn lắm với một người hay "cãi" như ông. Thế nhưng, về đường tình duyên thì hình như không được may mắn lắm. Người yêu đầu tiên của ông là một cô gái làm thơ ở cùng cơ quan, dịu dàng, xinh xắn. Cho đến bây giờ, khi kể về mối tình "đẹp như mơ" ấy, ông vẫn còn... mơ màng.

"Chúng tôi đã từng bao nhiêu lần nắm tay nhau đi trong chiến hào. Cứ thế, tay nắm tay, đưa tiễn nhau hết cả đêm. Tôi đã từng chạy bộ mấy chục cây số để kịp về trong đêm tiễn cô ấy đi du học. Cả đời, tôi không thể quên được đêm chia tay thơ mộng bên bờ Nhật Lệ...". Thế mà rồi, hình như nàng đã không thể vượt qua được thử thách ở nơi xa người yêu và đất nước hàng mấy nghìn ki lô mét. Hai năm sau buổi chia tay bên bờ Nhật Lệ người con gái ấy đi lấy chồng, vốn là người quen của Sĩ Sô và cô.

Dù biết rằng vết thương không thể lành nhưng thấy mình đã quá tuổi lấy vợ, năm 28 tuổi, Sĩ Sô cưới người con gái duy nhất của cơ quan mình thời chiến. Họ có ba con, hai gái một trai. Nhưng việc ông đam mê chụp ảnh đến mức có lúc thế chấp cả nhà để vay tiền in sách thì vợ và con ông phản đối rất nhiều. Mặc cho vợ con hết lời khuyên ngăn, ông làm theo đam mê và gia đình nhỏ của ông cũng tan vỡ từ đó. "Càng già, tôi càng thấy cô đơn vì quá ít người hiểu mình. Trước đây, tôi đã từng muốn bỏ phố về làng sống cho yên tĩnh, bà ấy bảo: "Đúng là hâm. Người ta nhao nhao lên phố, mình lại đòi về làng".

Đến hôm nay, ông sống với người vợ trẻ hơn mình 21 tuổi ở Tùng Luật, cách biển Cửa Tùng có vài cây số. Ông nói vui: “Nhờ là nghệ sĩ giới tuyến mới được làm dân của làng ni đó! Nhiều người về đây xin đất, nhưng chính quyền không có đất để cấp. Hôm tui kiếm được miếng đất nho nhỏ này, rồi xây xong nhà, cậu chủ tịch xã bảo: Bây giờ, xã ta vinh dự được thêm một nghệ sĩ, mà là nghệ sĩ nhiếp ảnh Sĩ Sô về sinh sống. Làm sao mà bọn cháu lại dám từ chối những nghệ sĩ đã hy sinh mấy chục năm với bom đạn, với vùng đất giới tuyến ni như mấy chú” - ông kể.

Bây giờ, mặc dù đã tuổi cao sức yếu nhưng ngọn lửa đam mê nhiếp ảnh trong ông chưa bao giờ nguội tắt. Ngày ngày mọi người vẫn thấy một Hồ Sĩ Sô đạp xe cả chục cây số dọc đường biển để chụp ảnh. Ông bảo: "Sĩ Sô sẽ không còn là chính mình nếu thiếu nhiếp ảnh".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người “chép sử” bờ Bắc sông Bến Hải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.