(HNM) - Theo kết quả điều tra năm 2009 của Tổng cục Thống kê, số người cao tuổi (NCT) chiếm 9,9% dân số, tức vào khoảng 8,6 triệu người. Mặc dù từ ngày 1-3, theo Nghị định 06/2011/NĐ-CP ngày 14-1-2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NCT, mức trợ cấp xã hội hằng tháng cho NCT có điều chỉnh tăng, nhưng theo số liệu tổng hợp thì đa số NCT thuộc tầng lớp nghèo.
Khó khăn và phải tự kiếm sống
Theo một báo cáo gần đây, hầu hết NCT Việt Nam hiện sống ở nông thôn, trong đó số người có lương hưu, trợ cấp rất ít, chỉ chiếm khoảng từ 16% đến 17%. Kết quả điều tra thực trạng đời sống NCT do Viện Nghiên cứu Người cao tuổi tiến hành năm 2006 cho thấy: ở Sơn La và Lào Cai, tỷ lệ NCT nghèo chiếm trên 60% số NCT; ở Kon Tum và Gia Lai, tỷ lệ này là trên 70%. Số liệu của Bộ LĐ,TB&XH cũng cho thấy, hiện nay có hơn 100.000 hộ NCT nghèo phải sống trong nhà tạm. Nhiều NCT ở miền núi vùng sâu, vùng xa thậm chí nghèo đến nỗi không có 500 đồng để đóng tiền hội phí NCT hằng tháng.
Khám chữa bệnh cho người cao tuổi tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì. Ảnh: TTXVN |
Một báo cáo cũng của Bộ LĐ,TB&XH ghi nhận, 40% NCT vẫn phải làm việc để kiếm sống. Kết quả khảo sát cho thấy, trường hợp hai ông bà Hòa và Thịnh, quê Thanh Hóa là một ví dụ điển hình. Nhiều năm nay, đôi vợ chồng già, tuổi xấp xỉ 70 dắt nhau đi bán chổi khắp Hà Nội. Bà vừa gánh gánh chổi nặng trĩu trên vai, vừa dắt ông bị kém mắt. Ông bước theo bà, tay đập vào quả chuông để làm hiệu. Bà cho biết, con cái đã có gia đình và ở riêng, lại còn phải nuôi con, nên ông bà tự lo cho mình. Ông bà bán đủ loại chổi từ chổi quét nhà, quét sân, quét bàn thờ…, mỗi cái kiếm được 2.000 đồng. Ròng rã từ sáng đến tối, ông bà không biết mỗi ngày mình đi bộ bao nhiêu cây số. Ngày nắng, tuy vất vả nhưng còn bán được hơn chục cái, chứ ngày mưa thì chỉ được vài ba cái, thậm chí có ngày chẳng bán được cái nào.
Phúc lợi xã hội thấp
Theo kết quả điều tra của Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em 2008, 35,8% NCT không nhận được sự giúp đỡ từ xã hội. Tại các địa phương, Hội NCT đã được thành lập ở xã, thôn nhưng quy mô hoạt động vẫn còn nhỏ lẻ. Hơn nữa, hình thức giúp đỡ NCT từ phía cộng đồng hiện nay chủ yếu mới là thăm hỏi, động viên; chỉ có 33,7% NCT nhận được sự chăm sóc thường xuyên từ xã hội.
NCT cũng là đối tượng được hưởng phúc lợi xã hội rất thấp. Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, nhóm 10% dân số có mức sống cao nhất kiểm soát 29% thu nhập của cả nước, trong khi nhóm 10% dân số có mức sống thấp nhất, trong đó NCT chiếm tỷ lệ không nhỏ, chỉ kiểm soát 3,5% tổng thu nhập. Tỷ lệ chi tiêu cho một số lĩnh vực xã hội trong tổng chi tiêu của Chính phủ, bao gồm trợ cấp hưu trí và trợ cấp xã hội dành cho NCT trong những năm qua ngày càng giảm.
Về mặt xã hội, do ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế, không chỉ ở thành thị mà cả ở nông thôn, mô hình gia đình nhiều thế hệ bắt đầu chuyển thành gia đình hạt nhân, không có người già. Điều này dẫn tới hệ lụy là một bộ phận NCT đang sống cô độc. Mặt khác, việc di cư tìm kiếm việc làm của con cái đã trưởng thành cũng ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của NCT. Ngày càng có nhiều người trẻ tuổi rời thôn quê để tìm công việc được trả lương và điều này đang làm giảm đi sự chăm sóc và hỗ trợ của gia đình truyền thống đối với cha mẹ già. Đó là chưa kể đến số lượng không nhỏ người già phải thay con chăm sóc cháu khi họ ra thành thị kiếm việc làm. Bà Nguyễn Thị Bé, 68 tuổi ở Hưng Yên là một trường hợp như vậy. Từ 4 năm nay, các con bà ra Hà Nội làm thuê, một mình bà ở nhà trông nom 3 đứa cháu, lo việc nhà cửa. Chăm sóc, tắm rửa, cho cháu ăn uống, rồi cơm nước, lợn gà, vườn tược là hết ngày. Nhiều khi các cụ trong hội NCT của thôn đến rủ đi sinh hoạt, tham gia luyện tập với CLB dưỡng sinh cho vui tuổi già, bà cũng từ chối vì không thể bỏ mặc nhà cửa, con cháu. Trên thực tế hiện nay, đa số NCT nông thôn, đặc biệt là phụ nữ chỉ cho phép mình được nghỉ ngơi khi đã thật sự không thể làm được gì nữa. Nhiều người chân đã chậm, mắt đã mờ mà vẫn cố gắng làm những công việc giản đơn như bán hàng rong, thay con trông nom cháu, coi sóc lợn gà, nhà cửa.
Mặc dù Luật NCT đã chú trọng rất nhiều đến những quyền lợi mà NCT được hưởng như chính sách phụng dưỡng, chăm sóc sức khỏe NCT, chính sách bảo trợ xã hội… nhưng kết quả thực hiện trên thực tế chưa cao. Trong những năm tới, số NCT của nước ta sẽ gia tăng nhanh chóng. Nếu như năm 2025, NCT chiếm 16,4% dân số thì con số này sẽ là 29,4% vào năm 2050. Bên cạnh đó, sự nghèo khổ, di dân và sự thay đổi các giá trị xã hội đang làm mai một khả năng chăm sóc của gia đình đối với NCT, nên nếu không nhanh chóng có những quyết sách mạnh mẽ thì NCT sẽ tiếp tục phải chịu đựng nhiều thiệt thòi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.