(HNM) - "Thật không ngờ, cứ tưởng Tuyên Quang chỉ có rừng với độ che phủ cao và đẹp nhất nước, hóa ra nông nghiệp cũng thuộc hạng... cự phách với trình độ thâm canh, chuyên canh chẳng kém gì các tỉnh đồng bằng. Và cũng chẳng ngờ, Đất Tuyên còn là miền có nhiều của ngon, vật lạ từ sông nước". Đấy là lời một người bạn tôi ở Hà Nội...
Từ ngàn xưa, nguồn lợi từ các con sông lớn: Lô, Gâm, Năng, Phó Đáy, Chảy và hàng trăm nghìn suối, khe, hồ, đập... đã hình thành một bộ phận cư dân làm nghề chài lưới, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Tuyên Quang có những loài cá thơm ngon nổi tiếng như dầm xanh, anh vũ. Tuyên cũng là xứ sở của những loài cá chiên, lăng, bỗng, chép đỏ... Nhưng gần đây, nhất là từ khi hình thành hồ thủy điện Tuyên Quang với diện tích hơn 8.100ha, nhiều dự án nuôi trồng thủy sản đã được triển khai quy mô, trong đó có cá tầm, cá hồi. Thủy sản Tuyên Quang, nay đang có cơ phát triển thành ngành sản xuất hàng hóa quan trọng, đóng góp ngày càng nhiều vào tăng trưởng kinh tế của ngành nông nghiệp.
Mơ ước lên Nà Hang lần hai của bạn tôi không thành bởi khi đó chúng tôi chưa phát hiện ra ở ngay Hàm Yên này có người nuôi được tôm "khủng", cá "khủng". Còn tôi, may mắn được đồng nghiệp Duy Hùng "điều động" xe và "lôi" được cả Lê Xuân Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Thủy sản tỉnh đi cùng làm "hướng dẫn viên". Dù sao đây cũng là một chuyến ngược nguồn đầy thú vị.
Những chú tôm “khủng” ở trang trại của anh Nguyễn Văn Công. |
Đến kilômét 24 đường Tuyên Quang - Hà Giang, chúng tôi rẽ trái đi sâu vào rừng. Càng đi sâu vào, càng thấy rừng trồng đẹp hơn. Đến đèo Trinh Tường, anh lái xe có vẻ ngán, Duy Hùng động viên: "Đường mở rồi mà, cứ cài thêm cầu vào là lên được tất". Duy Hùng quả là một "tay bợm", chuyện gì hay ho, mới mẻ của ngành nông nghiệp đố có "qua mặt" được. Tôi hỏi Lê Xuân Quý: "Có trang trại nào làm được cái việc "động trời" như trang trại chúng ta sắp tới không?". Lê Xuân Quý lắc đầu. Chiếc xe ô tô cũng lắc tưởng người muốn văng ra nhưng nhìn rừng xanh thắm dưới chân đèo, trên núi cao lại thấy bình tâm. Lên đỉnh đèo, chúng tôi dừng lại để chụp ảnh. Chân đèo bên kia thấp thoáng một ngôi nhà. Duy Hùng bảo, qua đấy nữa mới đến trang trại của Nguyễn Văn Công. Xuống dốc thận trọng một hồi, xe đỗ xịch ngay trên bờ hồ mênh mông với 2ha mặt nước. Chủ trang trại và một vài người khác đang kéo lưới. Tôi hồi hộp chờ xem con tôm càng xanh "khủng" 2 lạng mà mới đây thôi, ở Hội chợ quê Hàm Yên nó làm kinh ngạc bao người và dẫn đến chuyến đi này.
Nông dân ngày nay phải có tới cả nghìn, vạn lẻ hoặc hơn thế chuyện làm giàu. Người trai Nguyễn Văn Công chỉ là một. Ít người ở Tuyên có được cái độc đáo như anh: đầu tư ra... xã ngoài và với một mô hình... chẳng giống ai! Tất nhiên, kinh tế thị trường không táo bạo, sáng tạo, không thoát khỏi bóng mình không thể mơ đến thành công. Ba năm qua, anh đã thành công với việc nuôi tôm càng xanh trên đầu nguồn Khe Mon, xã Hùng Đức. Con tôm sinh ra ở vùng nước lợ nơi biển mặn mòi, lên rừng núi Tuyên Quang thành tôm... "khủng", to tới một vài lạng một con... Và, không chỉ có vậy! Điều ám ảnh tôi là cách tích tụ ruộng đất - tư liệu sản xuất đặc biệt, điều kiện tiên quyết để một người có chí có gan như anh làm nên sự nghiệp.
Gia đình anh ở thôn Ao Sen 1, xã Đức Ninh. Sau 4 năm quân ngũ, năm 1983 anh ra quân về quê theo nghiệp mẹ cha làm nông nghiệp. Đất chẳng có nhiều, quanh ra quanh vào mấy sào ruộng, ít nương chè, nghèo khó bớt được hôm nay lại đe dọa trở lại ngày mai. Anh sửa ao xoay nghề làm cá giống, gột cá bột, ương cá hương rồi thuê ao của hợp tác xã chăn thả cá. "Nuôi cá gá bạc" nhưng năm 2000 anh bị mất trắng vì lũ lụt. Tuy vậy, anh Công cũng đã tích lũy được một số vốn, đặc biệt là kinh nghiệm chăn nuôi thủy sản. Cầm tinh con hổ (sinh 1962), anh có "võ" biết dụng ở đâu trong khi ao nhà chật chội (4 sào)? Nghề nông, muốn giàu không có đất có nước thì làm gì được? Lấy gì làm trang trại? Từ năm 2001, anh đã bỏ ra nhiều ngày trời, cứ ai mách khu nào có khe sâu, rừng đẹp, có nước là mò tới. Đi chán vùng Thái Sơn rồi quay về Thành Long, Hùng Đức. Năm 2003, một bữa theo một người bạn là công nhân lâm nghiệp, nói có mấy hécta đất đồi chỉ toàn ót, thế là theo xe Vônvô ngược Khe Mon đi vào vùng này. Vạch rừng mở lối, vượt đèo Trinh Tường, sang quá lưng dốc bên kia thì thấy mở ra một thung lũng khá rộng. Lại vạch lối tìm xuống và lòng ham muốn lập trang trại trỗi dậy. Cả thung lũng này là đất khai hoang của hơn chục hộ dân Khuôn Then, xã Hùng Đức. Mới ướm hỏi, anh đã thấy số tiền không nhỏ. Nhưng anh không ngán, không có đủ thì huy động người thân, bạn bè. Anh nói, vay ngân hàng "rách việc" lắm! Có người bạn ở ngân hàng đấy nhưng anh cũng chỉ vay tiền cá nhân. Số tiền phải trả cho 4ha ruộng, 6ha ao hồ hiện nay cả thảy tới 128 triệu đồng. Rẻ một sào cũng 600.000 đồng, có chỗ một triệu đồng; riêng hồ lớn này (khoảng 2ha) mua của 3 hộ hết 26 triệu đồng.
Anh nói, làm thủy sản mà không có ao hồ ra trò chỉ có nước cúng cho hà bá! Phải mất mấy năm "lấy ngắn nuôi dài", nhì nhằng cấy lúa, nuôi lợn, nuôi gà. Nói là "nhì nhằng" nhưng cũng kỳ công và khoa học lắm, ví như thu hoạch cá mú xong, sang xuân là anh sạ thóc giống xuống lòng ao hồ. Đợi khoảng 45-50 ngày lúa vào thì con gái, nước lên đến đâu, nuôi cá đến đấy, bằng không thì để thu lương thực. Sau anh quy hoạch lại, thiết kế đắp 4 cái đập, hình thành 3 cái ao, một cái hồ (độ sâu ít là 2m, sâu nhất giữa hồ tới 6m nước), thuê hai máy ủi, một máy cuốc của Công ty TNHH Vinh Anh và Công ty Thủy lợi làm cả tháng trời. Riêng công máy hết 98 triệu đồng, chưa kể đổ cống xi măng. Thế là có đất "dụng võ"! Ao nhỏ đầu nguồn nuôi cá bột, xuống dưới nuôi cá thịt theo phương pháp thâm canh, xuống dưới nữa thì nuôi quảng canh mà anh gọi là nuôi "hoang dã"! Anh tâm sự, làm phải tính toán chi li, phải biết lựa thời, cả thời thế và thời tiết...
Chuyện bắt tôm tham gia Hội chợ quê Hàm Yên đầu năm nay nghe cũng vui. Mấy ông cán bộ xã Đức Ninh muốn "khoe" sản phẩm trang trại của dân mình nên nói anh Công mang tôm lên bày ở gian hàng của xã. Khổ nỗi chủ trang trại bắt chỉ được có... 3 con. Vét lưới, tôm ém dưới bùn, không bắt được. Thôi thì liều: kích điện. Thế là có hàng, nhưng chỉ là... hàng mẫu. Trong năm, anh cũng xuất 700 con tôm "khủng" về bán cho một đám cưới ở thành phố Tuyên Quang. Nhiều người ăn con tôm hàng lạng nhưng chẳng ai ngờ nó được nuôi ngay tại đất Tuyên này.
Anh Lê Văn Quý kể, năm 2007, một ngư dân ở Đầm Hồng (Chiêm Hóa) đánh bắt được một con tôm càng xanh trên sông Gâm nặng tới 0,45kg. Bà con dân tộc nhìn phát khiếp, gọi là... "tôm ma"! Hôm nay, Công cũng bắt được 17 con tôm, cả thảy cân được 1,8kg, tôi trông cũng "khủng" lắm rồi. Ngoài ra còn tóm được một con cá mè dài đẫy 3 gang tay tôi, nặng 5,9kg. Anh Quý bảo, bình thường loại tôm này khoảng 70-80 con/kg. Thế mà ở đây, nuôi quảng canh được tôm to thế, chứng tỏ môi trường chăn nuôi rất bảo đảm.
Chủ trang trại Công cho biết, năm nay là năm thứ ba nuôi tôm càng xanh. Năm đầu thả 300 con (vào tháng 10-2007). Tháng 2 năm sau tháo ao, tỉ lệ tôm sống cao, bình quân 7 con/kg, tổng cộng được hơn 2 tạ. Năm sau mua 10.000 tôm giống từ Hải Phòng lên. Năm ấy thời tiết khắc nghiệt, tôm nuôi qua đông coi như thất bại. Năm ngoái, thả 20.000 tôm giống từ tháng 5, thời tiết thuận, nuôi "hoang dã", bình quân đạt 10-12 con/kg. Anh Quý bảo, mật độ tôm thả như vậy vẫn còn thưa, thả dày hơn sẽ đạt sản lượng, hiệu quả cao hơn, tất nhiên con tôm sẽ không to như thế này nữa. Năm qua, anh Công cũng đã cho, tặng 1.900 con tôm giống cho mấy gia đình, nhưng không đâu nuôi được như ở đây. Tôm hàng hóa mang về chợ thị trấn Tân Yên, hoặc về thành phố được giá cao hơn (145-150 nghìn đồng/kg, mỗi con 20.000-25.000 đồng), nhưng anh bảo, công đâu mà làm thế. Nhiều nhà hàng đặt mua, cứ có dăm, mười cân gọi điện một câu ít phút sau họ tới lấy liền. Hàng "độc" mà!
Với trang trại của mình, Công cho rằng, con tôm chưa phải là tất cả. Con tôm bước đầu "làm nên" hình ảnh của trang trại, nhưng tiềm năng không chỉ có vậy. Năm qua, trang trại thu dăm tạ tôm (thu chưa hết), trong khi thu 4 tấn cá. Cộng cả chăn nuôi lợn nái, tổng thu chăn nuôi của trang trại khoảng 300 triệu đồng. Ngoài hai vợ chồng và người con trai, anh còn thường xuyên tạo việc làm ổn định cho 4 lao động. Nếu tính cả việc trồng lúa (4ha), trồng rừng liên doanh với Công ty Lâm nghiệp Tân Phong (20ha), tùy thời vụ có lúc phải thuê tới 40-50 lao động, trả 60.000 đồng/ngày công. Vừa rồi, anh đã cho một con lợn nái phối giống thành công với lợn rừng. Có thể chẳng mấy nữa trang trại có thêm hướng phát triển mới còn hấp dẫn hơn cả chăn nuôi lợn "tên lửa"...
Với một khu vực hơn 100ha rừng, nguồn nước cho khu ao hồ của trang trại khá ổn định. Thêm nữa, nguồn không bị ô nhiễm như ao hồ gần đồi chè, ruộng lúa trong đồng (bởi thuốc bảo vệ thực vật) nên con tôm, con cá lớn nhanh, không bị dịch bệnh. Anh nói, mùa khô hạn, muốn thu hoạch thủy sản, phải tháo kiệt nước. Bao nhiêu nước như thế, tháo đi mà không góp gì cho sản xuất nông nghiệp phía cuối nguồn cũng tiếc. Nhưng để làm được điều này, phải có sự liên kết của ngành thủy lợi, phải có đầu tư...
Làm kinh doanh, anh luôn muốn có bầu có bạn. Trước trang trại của anh ra tới chân đèo Trinh Tường, anh mới nhượng lại một phần cho anh Đinh Văn Hai (công nhân lâm nghiệp). Anh cũng đã ủng hộ hơn 3 triệu đồng cho thôn Khuôn Then làm đường ô tô vào thôn.
Năm 2008, sau bao năm làm nghề, được đi tập huấn một đợt về nuôi trồng thủy sản, anh đã vỡ ra nhiều điều. Thời nay, có chí thôi chưa đủ, phải có kiến thức chuyên môn, có khoa học kỹ thuật nữa... Nhìn cơ ngơi trang trại của anh thì biết, anh đã quyết gắn kết với nó như thế nào, với 3 gian nhà cột gỗ, lợp lá chắc chắn, điện (thủy điện gia đình), ti vi, điện thoại Viettel, giếng nước... đàng hoàng.
Bữa ấy, lần đầu tiên sau 35 năm tôi mới lại được ăn con tôm to đến vậy. Tôi nhớ miền Tây Nam bộ với những kênh rạch chằng chịt. Tưởng chỉ nơi đó mới có tôm "khủng", ai ngờ... Cảm ơn Nguyễn Văn Công đã ngược nguồn lập trang trại ở chỗ "đầu hươu mõm nai" heo hút ấy. Nếu không có những người như thế, thành phố khó có thêm của ngon vật lạ?
Tôi chắc bạn mình ở Hà Nội đang muốn ngược nguồn một lần nữa...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.