(HNM) - Sau sự cố bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào chiều 26-5 vừa qua, thay lời anh em, Thuyền trưởng Đặng Văn Nhân quả quyết: Trong thời gian chủ tàu chưa đóng được tàu mới, anh em chúng tôi sẽ đi tiếp cho các tàu tại địa phương.
Có thể mỗi người sẽ đi mỗi tàu khác nhau, song đã là ngư dân không thể không bám biển. Có khi chỉ ít hôm nữa có người lại tiếp tục ra Hoàng Sa. Trung Quốc có hung hãn đến mấy cũng không sợ. Biển của mình, ngư trường truyền thống của mình phải giữ bằng mọi giá. Bởi chỉ cần tàu ngư dân mình vắng bóng tại ngư trường đó, tàu Trung Quốc sẽ tràn sang, đánh bắt hải sản trái phép ngay trên vùng biển nước ta.
Ngóng biển
Tin tàu cá ĐNa 90152 TS, công suất 450 CV, trị giá 4,5 tỷ đồng (cả ngư lưới cụ) của bà Huỳnh Thị Như Hoa, ngụ tổ 20 phường Xuân Hà, quận Thanh Khê (Đà Nẵng) bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào chiều 26-5, khi đang đánh bắt hải sản trên vùng biển chủ quyền của nước ta đã tạo nên làn sóng phẫn nộ trong mọi tầng lớp nhân dân ở Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung.
Những ngư dân trên tàu ĐNa 90152 TS sau khi từ Hoàng Sa trở về (Thuyền trưởng Đặng Văn Nhân, người ngoài cùng bên phải). |
Bà Nguyễn Thị Hạ, 53 tuổi, ở tổ 72 phường Xuân Hà, vợ ông Nguyễn Văn Hòa (55 tuổi), một trong 10 ngư dân trên tàu bị chìm, hết chạy lên nhà chủ tàu lại chạy về nhà lo cho 4 đứa con mà lòng dạ rối bời. Bà cho biết: “Từ hôm nhận tin tàu bị chìm đến nay, không đêm nào chợp mắt. Nghe nói ông bị thương ở chân, không biết nặng nhẹ thế nào, tôi và mấy đứa con lo lắm, lòng cứ như lửa đốt. Lớn tuổi rồi mà ông ấy vẫn bám biển. Chuyến này, nghe nói ngoài Hoàng Sa, tàu Trung Quốc nhiều và hung hãn lắm, tôi đã khuyên ông ở nhà, thế mà ông nhất quyết đi bằng được. Thật may, trong lúc ăn ngủ không yên này, chính quyền, ban, ngành các cấp đến động viên an ủi, nỗi lo cũng vơi đi phần nào”.
Sáng sớm 29-5, nghe tin chồng sẽ trở về trong ngày, chị Nguyễn Thị Tiếp, ở tổ 129 phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), vợ Thuyền trưởng tàu ĐNa 90152 TS Đặng Văn Nhân tất tả chạy lên Khu công nghiệp Hòa Khánh, nơi chị làm việc, xin nghỉ đi đón chồng. "Mấy hôm nay đâu có thiết ăn uống gì. Lúc nào cũng nghĩ về anh. Đêm giấc ngủ cứ chập chờn. Thỉnh thoảng con cái hỏi, ba thế nào rồi mẹ, lúc nào về, lòng dạ cứ rối bời. Hơn hai chục năm anh bám biển, cũng có lúc gặp sự cố nhưng chưa lần nào như lần này. Tàu Trung Quốc quả là tàn ác, may mà các tàu đi cùng phát hiện cứu vớt kịp thời", chị Tiếp trút bầu tâm sự.
Mấy hôm nay, hầu như người thân của các thuyền viên trên tàu bị tàu Trung Quốc đâm chìm đều bỏ công việc, hết đến nhà chủ tàu lại lên phường hỏi han tin tức người nhà họ. Còn vợ chồng chủ tàu hết đến an ủi gia đình ngư dân trên tàu lại tất bật tiếp khách đến thăm hỏi, động viên. Ông Trần Văn Vốn, chồng chủ tàu Huỳnh Thị Như Hoa, cũng là thuyền trưởng tàu cá cho biết: Chuyến này, gia đình có 2 chiếc là ĐNa 90152 TS, ĐNa 90508 TS cùng tổ đội rời bến ra vùng biển Hoàng Sa vào ngày 11-5. Đang đánh bắt bình thường, chiều tối 26-5, tin báo về, tàu ĐNa 90152 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Mấy ngày nay, ăn ngủ không yên.
Trở về từ Hoàng Sa
Khoảng 22h ngày 29-5, cả 10 ngư dân trên tàu cá ĐNa 90152 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào chiều 26-5 đã về đến Đà Nẵng. Chúng tôi được những ngư dân vừa trở về từ vùng biển dậy sóng Hoàng Sa kể cho nghe về tình huống bị tàu Trung Quốc đâm thẳng vào tàu họ với tốc độ lớn ngay giữa thanh thiên bạch nhật, dẫn đến tàu lật úp, cả 10 ngư dân rơi xuống biển. "Đã hơn 30 năm bám biển, tôi chưa bao giờ gặp tình huống tàu Trung Quốc hung hãn đến vậy. Mục đích của họ là đâm tàu ngư dân mình chìm bằng mọi giá. Hành động tàn bạo này đồng nghĩa với việc họ quyết cướp mạng sống của ngư dân trên tàu. Họ thừa biết chúng tôi chỉ là ngư dân bình thường đánh bắt cá trên biển, thế mà đang tâm cho tàu đâm 2-3 lần đến khi tàu chúng tôi chìm. Rất may, tàu bạn gần đó đến cứu kịp thời, nếu không anh em chúng tôi đã nằm lại giữa biển", lão ngư Nguyễn Văn Hòa, 55 tuổi, người lớn tuổi nhất trong số 10 ngư dân trên tàu mở đầu câu chuyện. Nhấp ngụm nước, ông Hòa kể tiếp: Đã hơn 30 năm bám biển, gặp biết bao sự cố giữa trùng khơi song chưa bao giờ phải đương đầu với tình huống người với người đối xử với nhau tàn bạo như vậy.
43 tuổi, 25 năm bám biển trong đó gần chục năm làm thuyền trưởng, anh Đặng Văn Nhân chưa bao giờ phải đương đầu với tình huống như vừa qua. "Khi thấy tàu họ hung hãn tấn công tàu ĐNa 90898 TS gần đó, tôi nhận định thế nào chúng cũng sẽ tấn công tàu mình, nên bảo anh em chuẩn bị đối phó. Vừa cắt lái, vòng qua phía sau tàu ĐNa 90508 TS, bỗng thấy tàu của họ cắt ngang tàu mình lao tới với tốc độ rất nhanh. Lúc đó có tránh cũng không kịp. Cú đâm như trời giáng vào phía sau làm tàu chòng chành, gần như quay ngang. Cứ tưởng sau cú đâm đó chúng bỏ đi. Ai ngờ, chúng lùi lại lấy đà, rồi tăng tốc đâm thẳng vào mạn tàu. Cú đâm thứ hai này làm tàu chúng tôi lật úp, tất cả ngư dân bị hất xuống biển. Bị lật úp, song tàu cá ĐNa 90152 TS không chìm hẳn. Đêm đó, tàu Kiểm ngư 771 đến kéo tàu chìm này. Sáng hôm sau, khoảng 8h tàu kéo VT đến thay thế tàu kiểm ngư, đồng thời đón chúng tôi để chăm sóc sức khỏe và đưa về đất liền.
Trở về sau khi bị tàu Trung Quốc đâm chìm, ngư dân trên tàu cá ĐNa 90152 TS đều phẫn nộ. Nguyện vọng của họ là sớm có tàu khác để bám biển. Bởi với họ biển là nguồn sống. Nguyễn Văn Bình (sinh 1995, trú phường Xuân Hà), là thuyền viên nhỏ tuổi nhất trên tàu cá ĐNa 90152 TS cho biết: "Trước khi tàu bị tàu Trung Quốc đâm, em đang nấu cơm ở phía sau tàu, mọi người ở phía trước. Bỗng dưng thấy tàu rung lắc, chao đảo, em chạy ra, thấy tàu Trung Quốc to đùng, đang lùi lại lấy đà để đâm tiếp, cú đâm thứ hai này làm tàu lật úp. Do đứng ở giữa nên khi tàu bị lật em bị nhốt vào phía dưới, phải vật lộn hồi lâu mới thoát ra được".
Hoàn cảnh khá ngặt nghèo, vợ mất cách đây mấy năm, một mình nuôi đứa con trai 7 tuổi, mỗi khi ra biển anh Trần Đình Phương, ngụ tổ 26, phường Xuân Hà, phải gửi con về ngoại. Chuyến biển này tưởng sẽ có thu nhập để trang trải cuộc sống, không ngờ những ngư dân như anh trở về với hai bàn tay trắng. Rất may, trong cơn hoạn nạn, anh và các ngư dân đã nhận được sự hỗ trợ rất kịp thời và hiệu quả từ chính quyền các cấp, cơ quan chức năng và cả cộng đồng.
"Đón anh em ngư dân tại đảo Lý Sơn, đứng từ xa nhìn thấy chiếc tàu của mình chỉ nổi lên một phần nhỏ, tự dưng trong lòng cuộn trào phẫn nộ. Từ nguồn hỗ trợ của chính quyền các cấp, cơ quan chức năng và cộng đồng gần xa, gia đình tôi sẽ tiếp tục đóng mới tàu công suất lớn hơn để tạo cơ hội cho ngư dân bám biển" bà Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu ĐNa 90152 TS cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.