(HNM) - Nghỉ hè, anh Lâm (nhà ở quận Thanh Xuân) cho cô con gái học lớp 7 về quê chơi với ông bà nội. Sợ cháu ở thành phố mới về, cái gì cũng lạ lẫm, nên ngày đầu tiên bà nội dặn dò cô cháu gái mọi chuyện, từ việc ra ngõ thấy người lớn phải chào lễ phép, đúng vai vế, họ hàng đến chuyện không được nghịch ngợm gần cầu ao, trời nắng ra ngoài phải đội mũ...
- Dạ, cháu bít rùi, bà đừng lo góa...
Anh Lâm thoáng chút bối rối khi nghe con gái nói còn mẹ anh thì ngẩn người, quay sang hỏi con trai:
- Con bé nói gì thế con, tại sao nó lại nói thế, mẹ chẳng hiểu gì cả?
- Cháu nói thế có nghĩa là: " Cháu biết rồi, bà đừng lo quá". Đây là ngôn ngữ của bọn trẻ mới lớn, bà thông cảm, để con bảo ban cháu.
Quay sang con gái, anh Lâm nghiêm mặt:
- Bố mẹ đã dặn con, nói chuyện với người lớn phải nghiêm túc, không thể thoải mái như với bạn bè được. Nói bằng ngôn ngữ bình thường ai cũng hiểu có phải tốt hơn không, tại sao con cứ phải sử dụng thứ ngôn ngữ méo mó như thế? Đấy là thói quen không tốt, cần sửa ngay.
Mắng con một hồi, anh Lâm vẫn chưa cảm thấy yên tâm vì đây không phải lần đầu tiên con gái anh nói năng như thế. Nhiều lúc chính vợ chồng anh cũng không hiểu được con nói gì, nó gọi mẹ là mama, nhắn tin chúc bố ngủ ngon thì viết là G9, sau này anh mới luận được G9 là... goodnight (!). Trao đổi với mấy người bạn có con cùng độ tuổi, anh Lâm mới biết hiện trong lứa tuổi thanh thiếu niên đang phát triển trào lưu "ngôn ngữ mạng", hay "ngôn ngữ chát". Vẫn là tiếng Việt nhưng đã bị lớp trẻ biến tấu đến quái dị và ai thường xuyên sử dụng, nghĩ ra được từ mới thì được cho là sành điệu. Điều này khiến nhiều người lớn khi giao tiếp như bị đưa vào... ma trận và rõ ràng nó đang ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.