(HNM) - Hiện nay, nhiều bạn trẻ đang sử dụng ngôn từ tiếng Việt "tạp nham", khi thì pha trộn tiếng Anh lẫn tiếng Việt, khi thì dùng những ký hiệu theo kiểu "mật mã". Việc làm này đã ảnh hưởng đến sự trong sáng và vẻ đẹp của tiếng Việt. Các bạn học sinh và thầy, cô giáo nghĩ thế nào về thứ ngôn ngữ @ này?
Em Đặng Minh Hiếu (lớp 9, Trường THCS Ngọc Lâm):
- Hầu như ai hay online, chat chít cũng quen với kiểu ngôn ngữ của teen này. Để em dạy cho "Mỗi tuần một câu hỏi" biết nhé, chữ "e" chúng em sẽ viết thành "3", "j" sẽ thay cho "i" hoặc "qu" thay bằng "w", "buồn" sẽ thành "bùn", "biết" thành "bjk"… Nếu không biết những "quy tắc mật mã" này chắc sẽ bị các bạn chê cười là… lạc hậu. Kiểu ngôn ngữ này càng lạ lùng, khó hiểu thì càng hấp dẫn. Khi nhắn tin hay chat, sử dụng "mật mã" sẽ nhanh và tiện hơn. Cha mẹ và thầy, cô giáo lại khó "dịch" được nên chúng em thấy rất thoải mái và thú vị. Em không nghĩ việc làm này là có hại.
Em Nguyễn Hải Yến (lớp 12, Trường THPT Cao Bá Quát):
- Ban đầu, khi mới dùng cách viết này, chúng em thấy rất độc đáo. Thậm chí nhiều bạn ở lớp em còn sáng tạo ra thêm nhiều dạng, nhiều biến thể khác nhau. Từ chỗ thu gọn, viết tắt đến mức tối thiểu, cho đến cố làm ra dài ngoằng một từ nào đó, sau đó là viết hoa không theo quy luật… Ngôn ngữ phải rối rắm, hoa cả mắt cũng không "dịch" được mới chứng tỏ sự khác biệt và "sành điệu" của các bạn ý. Lâu dần, ngôn ngữ "mật mã" bị lạm dụng, gây ra nhiều hiểu lầm không đáng có. Nhiều bạn còn sử dụng ngôn ngữ này ngay cả khi nói chuyện với cha mẹ, thầy cô… Do đó, chúng em thấy rất phản cảm và dần dần từ bỏ chúng.
Cô Nguyễn Thị Bình (giáo viên dạy văn Trường THPT Yên Viên):
- Khi sử dụng những ngôn ngữ "mật mã" như vậy, các em cảm thấy rất thú vị vì nó mới lạ. Tuy nhiên, thứ ngôn ngữ này đang để lại hậu quả rất nguy hiểm. Từ việc chỉ nhắn tin và chat với bạn bè, nhiều em còn sử dụng "mật mã" để viết tắt trong vở. Ban đầu chỉ để chép bài nhanh hơn, nhưng lâu dần sẽ thành thói quen, thành phản xạ không điều kiện và viết sai chính tả trầm trọng. Viết sai dẫn đến việc đọc, phát âm sai theo, sinh ra tật nói lắp, nói ngọng.
Cách sử dụng ngôn ngữ như vậy sẽ làm cho tiếng Việt bị lệch chuẩn, thậm chí trở nên "dị thường", trái với điều các em được học trong nhà trường. Nhiều em hiểu sai, cho rằng đấy là ngôn ngữ "đặc trưng" của thế hệ mình. Nhưng thực tế, đây chỉ là ngôn từ của một số bạn trẻ nhận thức còn thấp, chỉ biết đua đòi theo trào lưu. Tuy nhiên, người lớn cũng không nên cấm đoán mà nên giáo dục cho các em biết yêu, biết quý tiếng Việt - kết tinh văn hóa từ ngàn đời mà ông cha ta để lại. Qua đó, các em sẽ tự biết chọn cho mình ngôn ngữ "đúng chuẩn" nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.