Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngổn ngang phim truyền hình

Trần Thành| 25/07/2010 07:35

(HNM) - "Đi đâu cũng gặp đoàn làm phim truyền hình", đó không phải là câu nói vui mà là tâm sự thật của một nghệ sỹ nhân dân. Đã qua cái thời chỉ có vài đơn vị trong lĩnh vực này và hiện tại dường như ngày nào cũng có phim được khởi quay. Tuy nhiên…

Xã hội hóa phim truyền hình là chủ trương đúng và thực tế cho thấy xã hội hóa không chỉ tháo gỡ khó khăn cho các đài truyền hình mà còn mở ra cơ hội cho các hãng phim tư nhân. Khi số tập phim sản xuất ngày càng nhiều cũng có nghĩa là đạo diễn, diễn viên, quay phim, thiết kế mỹ thuật… có việc làm. Đó là cơ sở để phim truyền hình Việt Nam phát triển. Song thời gian qua cho thấy, hàng chục đơn vị tư nhân nhảy vào "trận địa" sản xuất phim nhưng lại rất hiếm người am hiểu về phim ảnh, nói gì đến những nhà sản xuất phim chuyên nghiệp có tâm và có tầm. Vậy nên, bộ mặt phim ảnh trên truyền hình còn ngổn ngang như bãi đất vừa cày xới. Vì thiếu kịch bản phim dài tập Việt Nam nên nhiều hãng mua kịch bản của nước ngoài, sau đó thuê Việt hóa. Một nhà biên kịch có tiếng "than thở" về những nhà sản xuất đến đặt hàng ông Việt hóa kịch bản nhưng chẳng hiểu gì về phim. Ông bảo kịch bản không phù hợp với văn hóa và con người Việt Nam, nghĩa là không thể "hóa" được nhưng nhà sản xuất vẫn quyết tâm sản xuất. Có nhà sản xuất mua được kịch bản tốt nhưng lại chưa đánh giá đúng vai trò của người Việt hóa nên tìm người làm chấp nhận giá rẻ. Kết quả là phim làm xong lên sóng bị khán giả phàn nàn. Thực tế thời gian qua, nhiều dự án Việt hóa không thể đi hết được chặng đường dài: Những người độc thân vui vẻ dừng ở tập 171 thay vì kế hoạch hơn 300 tập, Cô nàng bất đắc dĩ chỉ sản xuất 100 tập trong khi dự án khoảng 150 tập…

Bộ mặt phim truyền hình ngổn ngang còn vì phim vẫn được sản xuất theo kiểu… gặp đâu làm đó, được chăng hay chớ… Các nhà đài hầu như chẳng có định hướng đề tài hay phân bổ kế hoạch sản xuất sao cho hợp lý, khoa học…, dù có đài nào cũng ban hành quy chế hợp tác sản xuất phim. Quy trình thông thường là các hãng gửi đề cương kịch bản để nhà đài duyệt, nếu được chấp thuận sẽ viết kịch bản chi tiết… Nhưng có khi bảo vệ đề cương trước nhà đài chỉ là… hình thức bởi đại diện đâu có biết gì về phim? Thế cho nên người ta dùng kịch bản nước ngoài rồi biến báo và lập lờ phần tác giả và chỉ đến khi phát sóng mới tòi ra chuyện tác quyền. Các hãng làm ăn nghiêm túc rất muốn nhà đài công khai kế hoạch sản xuất mỗi năm ở những mảng đề tài này, vấn đề kia và sau đó tổ chức đấu thầu như thế vừa minh bạch vừa công bằng. Còn cứ kiểu u u mê mê không chỉ phát sinh tiêu cực mà chất lượng phim lại thấp. Không ít khu vực, khán giả xem truyền hình cáp nghĩa là truyền hình trả tiền nên họ có quyền đòi hỏi chất lượng chương trình. Mặt khác, trình độ thưởng thức phim ảnh trong công chúng ngày càng cao nên phim chất lượng thấp không chỉ là coi thường họ.

Phim truyền hình trong nước đang đứng trước vận hội lớn, khi mà khán giả, nhất là khán giả nông thôn dường như không bỏ qua phim nào. Để phim có chất lượng tốt thiết nghĩ không quá khó khi nhà đài công khai dự án và tổ chức đấu thầu. Điều đó khiến các nhà sản xuất buộc phải chuyên nghiệp hơn nếu muốn trúng thầu để có phim lên sóng. Ai cũng biết đó là cách để chọn được sản phẩm tốt trong thời buổi cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhưng không hiểu sao nó có vẻ quá khó với nhà đài?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngổn ngang phim truyền hình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.