Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngổn ngang khó khăn

Quỳnh Dung| 01/09/2010 06:48

(HNM)-Hà Nội có 18.000ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản (NTTS), nhưng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở hạ tầng yếu kém, tạm bợ, năng suất thấp… Tháng 7-2009, UBND TP đã phê duyệt chương trình phát triển NTTS giai đoạn 2009 - 2015, định hướng đến năm 2020 mong muốn tạo cơ hội làm giàu cho nông dân.


Tiến độ "rùa bò"


Nuôi trồng thủy sản ở những khu tập trung sẽ góp phần nâng cao năng suất
cũng như chất lượng sản phẩm.

Hiện toàn TP có tổng diện tích mặt nước hơn 30.000ha, bao gồm các hồ chứa lớn, nhỏ và một số ruộng trũng cấy lúa năng suất thấp có khả năng nuôi trồng thủy sản hiệu quả, song mới có 18.000ha mặt nước được đưa vào NTTS, tập trung ở các huyện Thanh Trì, Đan Phượng, Mỹ Đức, Chương Mỹ… năng suất bình quân đạt 2,93 tấn/ha/năm, trong khi một số tỉnh lân cận đã đạt tới 8-9 tấn/ha/năm. Ðể phát triển thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, tháng 7-2009, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chương trình phát triển NTTS giai đoạn 2009-2015 và định hướng đến năm 2020, với tổng đầu tư kinh phí hơn 1.900 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2015, tổng diện tích NTTS toàn thành phố đạt 23 nghìn hécta và năm 2020 đạt 24 nghìn hécta; tương ứng tổng sản lượng thủy sản năm 2015 đạt khoảng 115 nghìn tấn, năm 2020 là 132 nghìn tấn; đưa năng suất bình quân lên hơn 5 tấn/ha; diện tích nuôi thâm canh lên 10,4%, đồng thời giảm phương thức nuôi quảng canh xuống còn 18%.

Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai, chương trình vẫn gặp nhiều khó khăn. Sở NN&PTNT cho biết, đến nay, các huyện ngoại thành mới có 12 dự án đầu tư xây dựng khu NTTS tập trung với diện tích 2.400ha, nhưng hầu hết mới chỉ dừng ở khâu phê duyệt. Nhiều nơi không thể dồn điền đổi thửa, giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu nuôi trồng vì chưa có kinh phí. Nguyên nhân chủ yếu là do nông dân muốn đền bù, giải phóng mặt bằng như đất làm đô thị, công nghiệp, trả tiền một lần; không muốn cho thuê đất làm nông nghiệp. Nhiều người chưa thực sự mặn mà với dự án NTTS, nên không bắt tay với chính quyền trong việc chuyển đổi cũng như đóng góp một phần kinh phí cho xây dựng cơ sở hạ tầng vào từng trang trại nuôi của các hộ gia đình…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trịnh Duy Hùng cho rằng: Tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo chương trình rất chậm so với yêu cầu. Công tác quy hoạch còn chậm, UBND các huyện còn lúng túng, khó khăn trong việc phối hợp với các sở, ngành liên quan để lập, thẩm định và trình duyệt các dự án đầu tư theo quy định hiện hành của Nhà nước (trong đó có trách nhiệm của cơ quan tư vấn). Công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn của Sở NN&PTNT chưa sâu sát, cụ thể và thường xuyên đối với cơ sở. Sự phối hợp thực hiện chương trình giữa các sở, ngành và UBND các huyện chưa cụ thể và đồng bộ…

Chính quyền cần vào cuộc

Theo ông Nguyễn Đình Dần, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì, để các dự án triển khai một cách thuận lợi, TP nên sớm bố trí kinh phí cho địa phương để triển khai đồng loạt các hạng mục công trình trong dự án một cách đồng bộ. TP cũng nên có chính sách đặc thù riêng khi đền bù giải phóng mặt bằng các dự án NTTS… Về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ đề án, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng: UBND các xã, các ngành của huyện có liên quan phải vào cuộc một cách quyết liệt, các đoàn thể cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tạo sự đồng thuận trong việc dồn điền đổi thửa để người dân hiểu rõ cái lợi từ chuyển đổi mô hình nuôi tập trung quy mô lớn. Việc xây dựng và tổ chức sản xuất ở khu NTTS tập trung nhằm mục đích nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan cần hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với các huyện trong việc xây dựng, giải quyết các thủ tục hành chính, thẩm định các dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng chỉ đạo Sở NN&PTNT cần chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện khẩn trương bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch vùng sản xuất phát triển NTTS trên địa bàn Hà Nội, trình UBND TP trong tháng 10-2010. Trước đó, trong quý III cần tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện, trình UBND TP; đồng thời, Sở NN&PTNT phải khẩn trương rà soát lại 12 dự án trên địa bàn 10 huyện đã được phê duyệt, lựa chọn các dự án khả thi để tập trung chỉ đạo, phân công cán bộ theo dõi, hướng dẫn cơ sở thực hiện dự án theo đúng tiến độ đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngổn ngang khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.