Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngổn ngang công cuộc tái thiết

Đình Hiệp| 11/04/2011 06:18

(HNM) - Một tháng trôi qua kể từ sau thảm họa động đất gây sóng thần tại Nhật Bản (ngày 11-3), dấu vết tàn phá khủng khiếp của thiên tai vẫn còn đó. Khi những tia hy vọng mong manh trong nỗ lực kiếm tìm những nạn nhân cuối cùng còn sống sót trong số hơn 14.700 người mất tích khép lại cũng là lúc mở ra vô vàn thách thức trong công cuộc tái thiết đất nước.

Nhật Bản đang chạy đua với thời gian để khắc phục hậu quả của trận siêu động đất và sóng thần ngày 11-3.


Dù chưa thể thống kê hết thiệt hại, nhưng số liệu vừa được Văn phòng nội các Nhật Bản công bố cuối tuần qua đã khiến cả thế giới giật mình. Không chỉ cướp đi sinh mạng của hơn 12.900 người, đẩy gần 200 nghìn người rơi vào cảnh không nhà cửa, thảm họa thiên tai kinh hoàng nhất trong lịch sử Nhật Bản kể từ năm 1923 đến nay - sau trận động đất tại Kano khiến hơn 142.000 người chết - còn tàn phá hàng loạt cơ sở hạ tầng của 7 tỉnh phía Đông Bắc nước này. Với con số thiệt hại ước tính lên tới 25.000 tỷ yen (khoảng 308 tỷ USD), tương đương 3,3 - 5,2% tổng GDP, trận động đất có thể cướp đi từ 0,2% đến 0,6% tăng trưởng GDP của nền kinh tế xếp vào loại hàng đầu thế giới ngay trong quý I này và 1,4% trong quý tiếp theo.

Những thiệt hại về kinh tế dù có thể tính toán, nhưng Nhật Bản sẽ phải bỏ ra bao nhiêu công sức, tiền của để cứu trợ người dân vùng bị ảnh hưởng cũng như tái thiết đất nước sau thảm họa vẫn là một con số chưa thể biết trước. Có quá nhiều kịch bản được đưa ra; thậm chí phải cắt giảm 20% ngân sách dành cho viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản với thế giới cũng được đề cập như một giải pháp cho bài toán tài chính hiện nay.

Tuy nhiên, làm thế nào để nhanh chóng soạn thảo dự thảo ngân sách bổ sung lần thứ nhất trị giá hơn 4.000 tỷ yen mới là điều được nhiều nghị sỹ đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền hiện nay quan tâm. Để thuyết phục các đảng đối lập ủng hộ dự thảo ngân sách khổng lồ này không hề đơn giản với nội các của Thủ tướng N. Kan, khi phe đối lập đang kiểm soát Thượng viện; đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ nợ công/GDP của nền kinh tế đầu tàu thế giới này đã vượt ngưỡng 200%, cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển trên thế giới.

Bên cạnh thiệt hại về con người và vật chất, ảnh hưởng nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 đang gây lo ngại lớn về lượng nước nhiễm xạ đang ồ ạt đổ ra Thái Bình Dương. Đây sẽ là thiệt hại không thể đo đếm không chỉ với Nhật Bản mà còn với cả các quốc gia bên bờ biển này. Nhật Bản dự tính mất khoảng 5 năm để xây dựng lại đất nước sau thảm họa; trong khi đó, Hãng Toshiba - nhà sản xuất lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản cho rằng cuộc tháo bỏ Nhà máy Fukushima số 1 phải cần đến 10 năm. Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Banri Kaieda - quan chức Chính phủ đầu tiên đặt chân vào bên trong nhà máy này kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân cho rằng, tình hình tại Nhà máy Fukushima số 1 còn lâu mới có thể kiểm soát được. Trong khi nỗ lực nhằm tránh một thảm họa Chernobyl mới chưa có hồi kết, nguy cơ về một mùa hè nóng nực thiếu điện nghiêm trọng đã được Nhật Bản nhắc tới. Khi đó những thiệt hại về kinh tế có thể sẽ lớn hơn rất nhiều so với các con số dự báo.

Giữa lúc công cuộc tái thiết đất nước còn ngổn ngang thì khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất trong thảm họa vừa qua lại bị giáng thêm một trận động đất mạnh 7,4 độ richter tối 7-4. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi Công ty Điện lực Tohoku thừa nhận, nước có chứa phóng xạ đã tràn ra khỏi bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng tại cả ba lò phản ứng của Nhà máy Điện hạt nhân Onagawa ở tỉnh Miyagi. Trận động đất mới nhất vừa qua còn làm mất 3 trong số 4 đường điện bên ngoài và hiện nhà máy này chỉ còn một đường điện sử dụng cho hệ thống làm mát các lò phản ứng...

Là một quốc đảo ở Đông Bắc Á luôn phải đối mặt với động đất, sóng thần nhưng dường như chưa bao giờ Nhật Bản rơi vào hoàn cảnh như hiện nay. Từng vươn lên từ đống tro tàn sau chiến tranh để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai của hành tinh, thế giới tin tưởng rằng Nhật Bản cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế sẽ sớm hồi sinh như những cánh hoa Anh Đào sau thảm họa vẫn nở trắng trời Nhật Bản.

Kizuna: Mối ân tình


Hôm nay (11-4), đúng 1 tháng sau khi xảy ra thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản, Naoto Kan đã gửi thư cảm ơn với tựa đề "Kizuna: Mối ân tình" tới tất cả người dân trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam về sự giúp đỡ quý báu nhân dân Nhật Bản sau thảm họa kinh hoàng. Nội dung bức thư có đoạn:

"Nhân dân Nhật Bản chân thành cảm ơn sự hỗ trợ và lời thăm hỏi ân cần của nhân dân Việt Nam. Sự động viên và tình hữu nghị của các bạn đã giúp chúng tôi sức mạnh để sớm hồi sinh sau thảm họa.

… Lúc này đây, vô vàn những lời nguyện cầu và động viên trên khắp thế giới vẫn tiếp tục được gửi đến cho chúng tôi. Xin cảm tạ mối ân tình mà bạn bè trên thế giới đã dành cho chúng tôi. Từ đáy lòng mình xin chân thành cảm ơn tất cả các quốc gia, khu vực, tổ chức, cá nhân đã dành cho chúng tôi sự ủng hộ quý báu. Công cuộc tái thiết đã được bắt đầu. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức mình để ổn định tình hình tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1. Nhật Bản sẽ hồi sinh, sống lại và thậm chí còn mạnh mẽ hơn nữa. Với sức mạnh dân tộc và sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế, chúng tôi nhất định sẽ thành công…"
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngổn ngang công cuộc tái thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.