Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngổn ngang bao nỗi Táo quân về trời!

Ngân Hạ| 26/01/2011 11:58

(HNMO) - Sáng nay (26/1), người Hà Nội bắt đầu lo sửa soạn cho cái Tết đầu tiên, Tết ông Công ông Táo. Nhiều gia đình cẩn thận đã sắm vàng mã cách ngày hăm ba tháng Chạp cả tuần. Nhưng cũng phải đợi đến sáng nay, mua cho đủ bộ cá chép thì mới chuẩn lệ bộ tiễn nhà Táo về  trời.

"Thế giới" vàng mã được bày bán sẵn ở khắp mọi nơi


Hà Nội vẫn đang trong đợt giá rét kéo dài đã cả tháng nay. Cái rét ngọt dù tê buốt đến mấy đương nhiên cũng chẳng thể nào cản nổi kế sinh nhai của bao người. Từ sáng sớm, những gánh vàng mã đã thong dong mời chào khắp các ngóc ngách phố phường. Cá chép đỏ, vàng xuất hiện ở khắp nơi, tràn từ trong chợ ra ngoài vỉa hè và cùng cả những xe đạp đi dong để miễn sao bán nhanh cho hết.

Hoa và quả càng gần tết càng nhích giá

Hai vợ chồng anh chị Tiến, Bình nhà mãi tận Hưng Yên, ngày thường bán các loại cá thịt ở chợ Long Biên, sáng nay chuyển "mặt hàng", chỉ bán một loại cá chép đỏ, loại nhỏ phục vụ cho các bà nội trợ mua về cúng. "Người ta cứ hét giá đắt đỏ đâu đâu tôi không biết, chứ phục vụ người dân lao động ở đây, vợ chồng tôi chỉ bán với giá 5 ngàn một con loại nhỉnh nhỉnh rồi" - chị Bình vừa hớt cá vào túi cho khách vừa phân trần.

Khách hàng là một cụ bà đang đứng chờ tiếp lời: "Gia đình nhà tôi bao năm nay đã quen với lệ cúng đủ bộ cá sống, nhưng không nhất thiết là phải cá to, cá đẹp cho tốn kém. Thôi thì bảo ban con cháu quanh năm chăm chỉ làm lụng, sống có tâm, có đức để cuối năm Táo quân tấu lên nhà trời là yên lòng nhất rồi..."

Để sắm được một cái Tết đầy đủ, nhiều bà nội trợ không khỏi đắn đo

Ở ngay dưới khu vực gầm cầu Chương Dương, 3 người phụ nữ bán cá cảnh dạo bằng xe đạp sáng nay cũng treo lủng lẳng thêm nhiều bộ cá Táo quân. Tên gọi, dường như do chính người bán hàng nhanh mồm nhanh miệng tự nghĩ ra, nào là cá chép vây rồng, cá chép bông, cá chép kỳ lân... để tăng thêm phần mỹ miều cho loại "phương tiện" đặc biệt của nhà Táo và quan trọng hơn là để tăng giá ở mức 45 ngàn đồng/con.

Trước cửa chợ Hôm Đức Viên trên phố Ngô Thị Nhậm sáng nay ít hàng cá hơn mọi năm. Dường như "đoán ý" được tâm lý người tiêu dùng muốn chi tiêu tiết kiệm nên chủ các hàng đa phần đều bán loại cá nhỉnh hơn ngón chân cái với giá vừa phải, 25.000 đồng/con, đủ màu đen, vàng, đỏ. Cũng tại cổng chợ này, các hàng xôi gấc đồ tại chỗ, nghi ngút bốc khói, khách mua mới đơm vào đĩa nhựa bày bán khá nhiều. Giá mỗi đĩa xôi từ 15.000 - 30.000 tuỳ loại to bé.

Từ sáng sớm, nhiều người đã thi nhau thả cá trên cầu Chương Dương


Chị Phượng, nhà ở gần Nhà hát Tuổi trẻ dắt theo cậu con nhỏ đi chợ, cứ một mực xà vào đòi mua cá nhưng không được mẹ đồng ý. "Theo lời mẹ chồng dặn thì không nhất thiết phải cúng bằng cá sống. Năm nào nhà tôi cũng chỉ giản tiện tiễn ông Táo về trời bằng ba chú cá giấy đã yên vị trong bộ vàng mã Táo công mua sẵn trước đó cả tuần. Giống với gia đình chị Phượng, nhiều người nội trợ khác đã có ý thức tiết kiệm trước giá cả hàng hoá Tết đang leo thang. "Lễ tiễn ông Công ông Táo dù từ mâm cao cỗ đầy hay chỉ đĩa xôi chai rượu kèm hoa quả nhưng quan trọng ở tấm lòng của gia chủ là được" - chị Phượng giãi bày

Con trẻ trở thành nạn nhân của sự ý thức kém trong bảo vệ môi trường

Tuy nhiên, dù có giản tiện ở khoản này hay khoản nọ thì sắm Tết Táo Công năm nay nhiều bà nội trợ không khỏi "méo mặt" trước giá cả tăng vọt ngay cả ở bông hoa lễ. Chị Hoài Thu, nhân viên một công ty thiết kế nội thất trên phố Hoàng Hoa Thám, sáng nay ra chợ thực hiện nhiệm vụ sếp giao sắm Tết mà không khỏi giật mình. 70 ngàn đồng một bộ vàng mã, 3 chú cá chép nhỏ bơi loăng quăng trong túi có 30 ngàn đồng thì giá vẫn chấp nhận được nhưng đến 9 ngàn một bông hoa hồng thì quá "chát". Để cắm được một lọ hoa cúng cho tươm tất mất luôn gần 50 ngàn đồng, đã thế do thời tiết lạnh, các hàng hoa lại hiếm, muốn mua hoa đẹp không phải dễ.

Cá đi rồi, ven hồ ngập ngụa trong rác thải

Trong khi các bà nội trợ đang lo đi mua sắm cho sao thật đầy đủ và vẫn tiết kiệm thì có lẽ, nếu nói ra được thành lời, "nhân vật" cần lên tiếng nhất trong ngày hôm nay là những cây cầu, những khu vực ven sông, ven hồ. Ngay từ sáng sớm, trên lan can cầu Chương Dương, Long Biên đã vắt vẻo cả đống túi nilông của những người thả cá vứt lại. Những khu vực ven nhiều hồ lớn cũng sẽ chịu một ngày "no" rác. Nhiều người dân chỉ lo phục vụ cho nhà Táo về trầu trời thật đầy đủ mà thản nhiên xả rác ra môi trường. Vấn nạn này Tết nào cũng được nhắc đến song dường như không mấy được cải thiện. Không biết Táo quân trên đường về trời có quay đầu lại "ngán ngẩm" cho gia chủ của mình?
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngổn ngang bao nỗi Táo quân về trời!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.