(HNM) - Những ngày cuối tuần qua, quân đội Ukraine tiếp tục đẩy mạnh
Cuộc động binh của Kiev đã đẩy căng thẳng lên mức nguy hiểm trong cuộc đối đầu với Mátxcơva. Trước đó phía Nga đã lên tiếng cảnh báo về một "hậu quả thảm khốc" nếu Kiev đẩy mạnh các hoạt động quân sự nhằm vào người biểu tình.
Cuộc khủng hoảng đang leo thang tại Ukraine. |
Cuộc tấn công trực diện của các lực lượng vũ trang Ukraine vào lực lượng biểu tình đòi liên bang hóa tại miền Đông báo hiệu sự đổ vỡ của thỏa thuận 3+1 (gồm: Nga, Liên minh Châu Âu, Mỹ và Ukraine) tại Geneva, Thụy Sĩ vào trung tuần tháng trước. Tại Slavyansk, quân đội Ukraine đã chiếm một chốt kiểm soát ở ngoại ô và một đài truyền hình. Hai trực thăng vũ trang Mi-24 của Ukraine đã bị các tay súng biểu tình bắn hạ khiến 2 phi công thiệt mạng và một trực thăng Mi-8 bị trúng đạn buộc phải hạ cánh. Trung tâm thành phố Slavyansk cơ bản vẫn yên tĩnh, nhưng lực lượng ủng hộ liên bang hóa Ukraine luôn trong tư thế sẵn sàng để giành quyền kiểm soát toàn bộ Slavyansk.
Tình hình tại thành phố cảng Odessa cũng không kém phần căng thẳng, các vụ bạo động giữa những người phản đối và ủng hộ Kiev nổ ra trong hai ngày qua đã làm 41 người thiệt mạng, 123 người bị thương trong đó 17 người trong tình trạng nguy kịch. Còn tại Donetsk, các nhà lãnh đạo thành phố ủng hộ ly khai đã ra thông cáo trang bị vũ khí cho những chiến binh tự vệ nhân dân và thành viên các nhóm vũ trang khác trong khu vực; đồng thời tuyên bố trao vũ khí cho các nhóm này nhằm bảo vệ quyền và tự do của người dân sống trên lãnh thổ nước CH Donetsk.
Cùng với những chiến dịch quân sự nhằm vào người biểu tình miền Đông, chính phủ tạm quyền Ukraine đã đặt lực lượng quân đội vào tình trạng báo động sẵn sàng chiến đấu trên phạm vi cả nước để đề phòng "một cuộc tấn công xâm lược từ Nga"... Điều mà Kiev cũng như các quốc gia phương Tây e ngại lúc này là Nga sẽ sử dụng quyền bảo vệ công dân và những người nói tiếng Nga để thực hiện các hành động quân sự. Quân đội Ukraine hiểu rằng, họ chỉ có thể đương đầu được với những người biểu tình không vũ trang và nhóm nhỏ các tay súng tự vệ, còn với đội quân thiện chiến của Nga đó là điều không tưởng. Thêm nữa, hình ảnh những bà cụ già tiếp tế nước uống, thức ăn cho những người biểu tình chống Kiev cũng cho thấy chính phủ tạm quyền Ukraine không đủ sức thuyết phục người dân miền Đông đi theo họ hướng về phương Tây.
Hậu thuẫn cho chiến dịch "chống khủng bố" của chính phủ tạm quyền Ukraine, các nước phương Tây đồng loạt điều quân nhằm tăng sức ép. Trong động thái mới nhất, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Nga nếu nước này không có những nỗ lực làm dịu tình hình căng thẳng tại Ukraine. Canada, một trong những quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hủy sứ mệnh của các tàu chiến chống khủng bố tại vùng biển Arab và bắt đầu di chuyển về phía Biển Đen. Trước đó, Mỹ cũng đã tăng thêm một tàu khu trục USS Taylor hiện diện tại Biển Đen đề phòng "những hiểm họa có thể xảy ra".
Những phản ứng liên tiếp được Nga và phương Tây đưa ra xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine đang đưa quan hệ giữa hai bên xuống mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua. Đáng nói là, lo ngại về nguy cơ Chiến tranh lạnh quay trở lại ngày càng hiện hữu khi những động thái gần đây của cả Nga lẫn phương Tây đều cho thấy hai bên sẽ không nhường bước trong cuộc chiến giành ảnh hưởng tại Ukraine. Dù hiện tại, tình hình vẫn chưa đến mức như giai đoạn trước năm 1989 và các bên còn nhiều quan hệ ràng buộc về lợi ích cần phải cân nhắc, nhưng nếu các bên không nhanh chóng tìm ra phương thức hòa giải hữu hiệu vì sự ổn định của khu vực và an ninh toàn cầu, thì cuộc khủng hoảng Ukraine có thể sẽ là ngòi nổ cho cuộc chiến mới giữa những cựu đối thủ thời kỳ Chiến tranh lạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.