(HNM) - Sáu nghệ sĩ Việt Nam, hai nghệ sĩ Bỉ cùng một nghệ sĩ Mỹ gốc châu Á đã cùng tới Việt Nam, chung tay dựng một "ngôi nhà" nghệ thuật. Thành quả của họ là những tác phẩm điêu khắc đang được trưng bày trong triển lãm "ngôi nhà" tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).
Dựng "ngôi nhà" nghệ thuật
5plus là nhóm những họa sĩ, nghệ sĩ điêu khắc đang làm việc tại Hà Nội gồm Lê Thị Hiền, Mai Thu Vân, Khổng Đỗ Tuyền, Lê Lạng Lương, Trần Trọng Tri, Nguyễn Ngọc Lâm. Trong những năm qua, 5plus đã cùng nhau sáng tác và có tới 2 triển lãm nhóm gây chú ý trong giới mỹ thuật. Từ đầu tháng 3 năm nay, hai nghệ sĩ Bỉ là Paty Sonville, Fatima Talbaui và nghệ sĩ Mỹ gốc Nhật Bart Uchida đã tới Hà Nội, cùng với nhóm 5plus làm việc tại studio của Trần Trọng Tri tại Gia Lâm. Gần một tháng chung tay chia sẻ, những con người đến từ 3 châu lục, 3 nền văn hóa khác nhau, bằng ngôn ngữ chung của nghệ thuật đã tạo ra "ngôi nhà" với những tác phẩm mà văn hóa Việt là cốt lõi.
Các nghệ sĩ nước ngoài khi tới Hà Nội đã học các kỹ thuật cổ truyền của Việt Nam như sơn mài, sử dụng chất liệu tre, đan trong tạo hình điêu khắc. Nghệ sĩ Fatima Talbaui cho biết, mọi người rất thú vị khi thử sức với chất liệu mới như tre, mây. Với chủ đề là "ngôi nhà", cả 9 nghệ sĩ đã tạo ra những tác phẩm chung và riêng theo cách nhìn, cách nghĩ của họ.
Cảm hứng từ văn hóa Việt
9 tác phẩm điêu khắc trưng bày trong sân bảo tàng mỹ thuật gợi cho người xem cảm giác về một đô thị được quy hoạch với những khối kiến trúc khác nhau. Đó là một khối vuông kim loại sáng loáng như những tòa cao ốc, bên trong khối kim loại ấy là một cái cây dáng bonsai, tạo cảm giác về sự đối lập giữa đô thị hóa và không gian thiên nhiên. Hay là ngôi nhà đang xây dựng với những hình dáng nham nhở khác nhau gợi nhiều toan tính...
Rất nhiều tác phẩm trưng bày trong phòng triển lãm được gợi cảm hứng từ văn hóa Việt. Ấn tượng nhất có lẽ là tác phẩm của nghệ sĩ Trần Trọng Tri. 100 quả trứng được thắp đèn màu đỏ, đặt trong 100 khối vuông bằng gương, sắp thành hai hàng dài song song nhau. Xem tác phẩm, không người Việt Nam nào không thích thú khi nghĩ tới truyền thuyết về bọc 100 trứng của mẹ Âu Cơ với 50 người con theo mẹ lên rừng, 50 người con theo cha xuống biển. Tác phẩm của nghệ sĩ Fatima ra đời từ câu tục ngữ "mẹ tròn, con vuông" mà chị mới biết khi sang Việt Nam. Fatima tạo một khối tròn bằng thép hàn với những vòng cuốn quanh một khối vuông tết bằng tre đặt ở trung tâm khối tròn như sự bao bọc, che chở của người mẹ. Nghệ sĩ Lê Lạng Lương lại gieo cho người xem nhiều suy tưởng với những tác phẩm treo lơ lửng trên tường được đèn chiếu tạo ra hình lá đa, cánh diều, những đường cong của mái đình làng thân thuộc…
Không chỉ đưa ra khái niệm của mình về "ngôi nhà", các tác phẩm còn mang tới nhiều ý niệm về các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với môi trường cùng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc. Với các nghệ sĩ, dự án "ngôi nhà" (được Hội Mỹ thuật Việt Nam, phái đoàn Wallonie-Bruxelles tài trợ) còn là một trải nghiệm, tìm tòi thú vị trong hoạt động giao lưu nghệ thuật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.