Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngòi bút sắc nhọn và trách nhiệm công dân

Thi Thi| 21/08/2014 05:51

(HNM) - Ngày 20-8, tại Hà Nội, Ủy ban Toàn quốc liên hiệp các hội VHNT Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học "Xây dựng con người Việt Nam hôm nay và trách nhiệm của văn học nghệ thuật". Từ những góc độ riêng, văn nghệ sĩ đã ý thức rất rõ sự khẩn cấp của việc văn nghệ phải làm thay đổi con người theo hướng tích cực vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Nhận diện căn cốt những biến đổi con người hôm nay

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCH TƯ Đảng khóa XI đã đặt vấn đề xây dựng văn hóa và xây dựng con người ở thế song song và biện chứng với nhau trong một mục tiêu chung là phát triển bền vững đất nước. Nhưng câu hỏi đặt ra với chúng ta là, văn nghệ nhận diện con người Việt Nam hôm nay như thế nào, cũng như sẽ phản ánh điều gì trong rất nhiều vấn đề mới, cũ đang biến đổi, nảy sinh một cách vô cùng phức tạp trong xã hội đương đại?

GS-TSKH Tô Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (Liên hiệp) Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT của Liên hiệp đã nêu trúng một vấn đề có tính lịch sử, văn hóa và xã hội mà theo người viết là nguyên cớ căn cốt để nhận diện con người Việt Nam hôm nay: "Một điều không mới nhưng ít được nhắc đến, đó là sự biến đổi về chất mối quan hệ giữa cộng đồng và thành viên mà cốt lõi của nó là sự công nhận trọn vẹn hơn đối với tư cách cá thể của thành viên". Nhưng "Sự phát triển quá mức và vô thức của cá thể mang tính cá nhân vị kỷ đã tạo nên sự mất cân bằng trong mối quan hệ cộng đồng và cá thể thành viên, trở thành một trong những nguyên nhân cơ bản của những mảng tối hiện thực xã hội chúng ta…". Khẳng định về điều này, nhà văn Chu Lai cho rằng: "Hòa bình rồi, biết bao những ngóc ngách đời thường ùa về, trong đó có sự tha hóa của đạo đức. Con người bỗng trở nên vị kỉ, vô cảm, quẩn quanh trong giới hạn cá nhân mình. Thế rồi lòng tham, sự độc ác, tính ăn người, hại người cũng từ đó nảy sinh…".

Sự thực, văn nghệ không phải không nhận ra và phản ánh được căn cốt gây nên những biến đổi tiêu cực của con người hiện đại. Theo nhà phê bình Lê Thành Nghị: "Mặc dù vẫn còn khoảng cách khá xa, nhưng văn học nghệ thuật của chúng ta đang từng bước lách ngòi bút sắc nhọn của mình vào mọi ngõ ngách đời sống để giúp bạn đọc nhận thức đúng bản chất hiện thực". Nhưng nhìn một cách tổng thể, làm thế nào để sức mạnh cảm hóa con người của văn nghệ đến được với những cá thể trong xã hội ồn ào và chuộng bề nổi hôm nay vẫn còn là một câu chuyện lớn.

Thiếu những hình tượng đủ sức lay động công chúng

Có một vấn đề đáng nói là văn nghệ đã đủ sức tạo nên những "cú giật mình" cho công chúng, buộc mỗi người khi đối diện trước tác phẩm phải làm một cuộc tự vấn hay chưa?

Nhà phê bình Lê Thành Nghị cho rằng "Văn nghệ đang thiếu một sự khái quát của những điển hình nghệ thuật mang ý nghĩa tiêu biểu, những hình tượng mang tính biểu trưng để tác động mạnh mẽ vào nhận thức của công chúng…". Còn cây bút văn xuôi nổi tiếng Ma Văn Kháng thì nêu ra một thử thách to lớn cho người cầm bút là "Văn chương trực tiếp chống lại cái ác, cái xấu dẫu có ưu thế nổi trội về nhiều mặt, trong đó có nội dung cốt truyện nhưng nếu xuất hiện dưới một hình thái thô thiển thì không những đã đánh mất lợi thế, không gây được cảm tình, không tạo được sự say đắm cho người đọc mà có khi còn phản tác dụng". Có thể nói, đây chính là câu chuyện của trách nhiệm công dân, phẩm cách, tài năng của người nghệ sĩ. Một câu chuyện dài, rất dài!

Ở đây, người viết xin đặt ra một vấn đề nữa liên quan đến sự tác động của văn nghệ tới việc xây dựng con người Việt Nam hôm nay: Làm thế nào để những thành tựu văn nghệ mà chúng ta đã có đến được với công chúng. Một cuốn sách hay đến mấy mà không được đọc; một giai điệu tuyệt vời mà chỉ nằm trên năm dòng kẻ, những bộ phim làm xong rồi bỏ kho… thì có thể tác động gì tới con người?

Nhà văn, nhà viết kịch Xuân Đức "sốt ruột" tới mức chuyển từ viết văn sang viết kịch vì "Cuộc chiến với cái ác, cái xấu, cái thấp hèn hiện nay cực kỳ khẩn cấp. Viết tiểu thuyết lúc này chậm lắm, rí rắc, lai rai hàng vài ba năm trời may ra mới có dăm mươi người đọc… Còn kịch sân khấu với sự dồn nén, trực diện, là nhát dao rạch trúng ngay khối u cần mổ xẻ, và hiệu ứng ngay lập tức với người xem…". Nhà văn Phan Hồn Nhiên cũng từng chia sẻ với Báo Hànộimới rằng: "Khôn ngoan và lãnh đạm là phẩm chất dễ thấy nhất của con người hiện đại. Nhưng bên dưới bề mặt ấy có các vấn đề gì, có lẽ chỉ văn học mới có thể nhìn nhận và phân tích thấu đáo". Có thể thấy, mặc dù từ những góc độ riêng, nhưng văn nghệ sĩ đều ý thức được sự khẩn cấp của việc văn nghệ phải làm bổn phận làm thay đổi con người theo hướng tích cực hơn.

Văn nghệ giúp con người nhận rõ mình là ai, để có thể tự điều chỉnh mình và không còn thái độ dửng dưng trong sự "bị xâm hại và tha hóa" (chữ dùng của GS Phong Lê) thì thực sự lại chưa phát huy tối đa sức mạnh trong đời sống...!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngòi bút sắc nhọn và trách nhiệm công dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.