Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry thăm Ấn Độ: Làm đậm thêm dấu nối thế kỷ

Thùy Dương| 26/06/2013 06:09

(HNM) - Đất nước Ấn Độ trong những năm gần đây không ngừng trỗi dậy, giữ vị trí đáng nể trên bản đồ thế giới. Vì thế, chuyến công du tới New Delhi của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trở thành sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận không chỉ trong khu vực.

Đây là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của Ngoại trưởng J.Kerry kể từ khi nhậm chức nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn mới thiết lập, đặc biệt là trong các lĩnh vực quốc phòng, giáo dục và khoa học. Hơn thế, chuyến công du đến đất Phật của Ngoại trưởng Mỹ còn được các nhà quan sát đánh giá sẽ tạo bước ngoặt mới trong quan hệ ngoại giao hai nước, nhất là khi Ấn Độ đang trở thành đối thủ của Trung Quốc trên thị trường xuất khẩu.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) và người đồng cấp Salman Khurshid tại New Delhi ngày 24-6.


Với một chương trình nghị sự dày đặc dài 3 ngày (từ 23 đến 25-6), Ngoại trưởng J.Kerry đã chủ trì phiên đối thoại chiến lược thường niên Mỹ - Ấn khai mạc ngày 24-6, trong đó các vấn đề ưu tiên như hợp tác thương mại, quốc phòng, an ninh, năng lượng, giáo dục cao học đã được hai bên bàn thảo. Cuộc đối thoại cũng đề cập đến tình hình Afghanistan và Ấn Độ tìm kiếm những thông tin từ Mỹ về Taliban mở văn phòng tại Doha (Qatar). Ngoại trưởng J.Kerry đã tận dụng cơ hội này để xoa dịu mối quan ngại của Ấn Độ về cuộc triệt thoái quân Mỹ khỏi đất nước Tây Nam Á vừa bị chiến tranh tàn phá. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới quốc gia đông dân thứ hai thế giới diễn ra trong bối cảnh trước đó vài ngày, ông J.Kerry đã tỏ ý hoài nghi về tiến trình hòa giải ở Afghanistan khi cảnh báo văn phòng đại diện của Taliban ở Qatar có thể sẽ phải đóng cửa nếu kế hoạch hòa đàm Mỹ - Taliban lần đầu tiên bị đổ vỡ. Trong khi đó, Ấn Độ cũng là một quốc gia từng bị phiến quân Taliban hoành hành và lấy làm nơi ẩn náu.

Dẫu không thể phủ nhận quan hệ Mỹ - Ấn vẫn còn nhiều thách thức nhưng cuộc đối thoại chiến lược Mỹ - Ấn lần thứ tư vừa đủ là một lực đẩy cho quan hệ đối tác chiến lược giữa hai cường quốc. Thực tế, khi quan hệ Mỹ - Pakistan đi xuống, một mối quan hệ Mỹ - Ấn ổn định hơn sẽ củng cố thêm lợi ích của Mỹ ở Nam Á. Mỹ và Ấn Độ đã gia tăng đáng kể quan hệ hợp tác thương mại và an ninh trong suốt thập kỷ qua trong khi quan hệ Mỹ -Pakistan ngày càng lạnh nhạt trong hai năm gần đây. Do đó, như một lẽ tự nhiên, Ấn Độ đang trở thành đồng minh mới và đáng tin cậy hơn của Mỹ trong khu vực. Không quá khó để nhận ra một Ấn Độ với vị trí địa, chiến lược trong quan hệ với 4 nước mà Mỹ đang quan tâm hiện nay là Trung Quốc, Pakistan, Afghanistan và Myanmar. Không những thế, Mỹ làm sao có thể làm ngơ trước một nền kinh tế hùng mạnh như Ấn Độ, nước có lực lượng lục quân, không quân và hải quân lớn thứ ba, thứ tư và thứ năm thế giới. Ngược lại, Ấn Độ sẽ không thể sớm đạt mục tiêu trở thành một trụ cột trong cấu trúc an ninh và ngoại giao toàn cầu nếu không có sự vào cuộc của Mỹ. Trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Barack Obama năm 2010, Mỹ đã thông báo ý định ủng hộ New Delhi gia nhập các cơ chế kiểm soát xuất khẩu hạt nhân đa phương. Ngoại trưởng J.Kerry trong một tuyên bố mới đây cũng tái khẳng định cam kết của Mỹ ủng hộ nỗ lực của Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mở rộng. Và chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry cũng như chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ dự kiến vào cuối năm nay đang khẳng định cơ hội của New Delhi với động lực mới trong quan hệ Mỹ - Ấn.

Rõ ràng, Mỹ đang nhìn nhận quan hệ với Ấn Độ là một trong những dấu nối quyết định của thế kỷ XXI, như Ngoại trưởng J.Kerry đã khẳng định: "Washington coi New Delhi là một đối tác toàn cầu trong tiến trình kiến tạo các nền dân chủ hùng mạnh hơn ở khắp Đông Nam Á; đồng thời thiết lập các quy tắc ở Nam, Trung và Đông Á, tạo dựng một lục địa hòa bình và thịnh vượng hơn trải dài từ Caucasus đến bờ biển Nhật Bản". Thành công của quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn sẽ không chỉ đóng góp cho sự thịnh vượng của hai nước mà còn cho cả thế giới. Đây sẽ là mô hình dự báo về mối quan hệ đối tác quốc tế mới; là nhân tố đáng tin cậy cho hòa bình, an ninh và ổn định khu vực cũng như toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry thăm Ấn Độ: Làm đậm thêm dấu nối thế kỷ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.