(HNM) - Ngày 4-10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt đầu chuyến thăm Pháp để tham dự cuộc họp các bộ trưởng Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Trong chuyến thăm này, ông Blinken cũng sẽ hội đàm với các nhà lãnh đạo nước chủ nhà về biện pháp hóa giải căng thẳng sau khi Mỹ, Anh, Australia tuyên bố thành lập liên minh quân sự ba bên (AUKUS) - động thái dẫn tới việc Australia hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm gây thiệt hại nặng nề cho Pháp.
Theo Hãng tin Reuters, chuyến thăm 3 ngày của Ngoại trưởng Antony Blinken nhằm nhấn mạnh thông điệp rằng, Mỹ hoan nghênh Pháp cũng như các thành viên Liên minh châu Âu (EU) tham gia vào hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Washington cũng muốn trấn an các đồng minh phía bên kia bờ Đại Tây Dương sau quyết định bất ngờ thành lập AUKUS vào giữa tháng trước. Các nhà phân tích quốc tế nhận định, động thái không báo trước này của “chú Sam” đã gây ra một vết rạn trong quan hệ chiến lược Mỹ - EU. Nói cách khác, lòng tin của EU đã bị tổn hại khi Washington bỏ qua khâu tham vấn đồng minh trong một bước đi có ảnh hưởng tới cục diện cán cân quân sự tại khu vực có thể kiểm soát “huyết mạch” toàn cầu. Sau quyết định rút quân khỏi Afghanistan để lại nhiều hệ lụy, sự ra đời của AUKUS không khỏi khiến EU dấy lên mối hoài nghi về khả năng Mỹ sẽ gạt bỏ khối này ra khỏi những kế hoạch then chốt trong tương lai.
Trong một phát biểu trên kênh truyền hình France 2, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã nhấn mạnh về sự xuất hiện "cuộc khủng hoảng nghiêm trọng" giữa các đồng minh. Lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ Pháp - Mỹ, Paris đã phải triệu hồi đại sứ về nước để tham vấn. Ông cho rằng, vào thời điểm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang đứng trước những thách thức chưa từng có, hành động của Mỹ cho thấy sự thiếu nhất quán và cần có lời giải thích rõ ràng.
Hiện, Pháp là quốc gia phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất từ việc thành lập AUKUS. Theo kế hoạch, Mỹ và Anh sẽ đáp ứng nguyện vọng của Australia về việc giúp đỡ nước này sở hữu tàu ngầm hạt nhân. Trong thời gian tới, các nhóm chuyên gia kỹ thuật, chiến lược của 3 nước sẽ hợp tác để sớm sản xuất 8 tàu ngầm hạt nhân cho Canberra. Có được cam kết từ Anh và Mỹ, Australia đã quyết định hủy bản hợp đồng thế kỷ trị giá 40 tỷ USD ký kết với Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng Pháp Naval Group năm 2019. Ước tính, mất đi đơn hàng tàu ngầm của Australia, Naval Group sẽ sụt giảm 10% doanh thu hằng năm. Hợp đồng Naval Group đã ký với các nhà thầu phụ cũng như hàng nghìn vị trí việc làm mà tập đoàn này đã tuyển dụng nhằm hoàn thành hợp đồng với Canberra cũng sẽ phải hủy bỏ.
Không dừng lại ở những thiệt hại về kinh tế, Pháp còn lo ngại “cuộc khủng hoảng tàu ngầm” với Australia sẽ gây ra chuỗi phản ứng domino đối với những hợp đồng quân sự mà nước này đã ký kết với nhiều quốc gia khác. Những năm gần đây, Pháp là một trong 5 nguồn cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu vũ khí nước này đạt 5,97 tỷ USD, đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế của đất nước hình Lục lăng. Các tập đoàn sản xuất vũ khí nước này cho rằng, việc Australia hủy hợp đồng có khả năng mở màn xu hướng khiến các đối tác quay lưng lại với Pháp để mua vũ khí Mỹ.
Theo kế hoạch, trong cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian vào ngày 5-10, hai bên sẽ thảo luận kế hoạch xây dựng một tiến trình tham vấn sâu rộng nhằm tái lập sự tin tưởng cũng như đề ra các biện pháp cụ thể để đạt được các lợi ích chung. Kết quả cuộc hội đàm cũng sẽ mở đường cho cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến diễn ra vào cuối tháng này nhằm hóa giải hoàn toàn căng thẳng giữa hai nước đồng minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.