Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngoại trưởng Đức tới Nga: “Ghìm cương” xung đột

Quang Huy| 16/08/2016 05:54

(HNM) - Cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát, Nga sáp nhập bán đảo Crimea, căng thẳng giữa hai quốc gia leo thang, ngay lập tức, nước Đức đã hoạt động tích cực trong vai trò cầu nối cho mối quan hệ láng giềng. Và, khi nguy cơ về một cuộc chiến giữa Ukraine và Nga xuất hiện trở lại,

Căng thẳng tại Crimea là chủ đề chính trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.



Ngày 14-8, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã tới Ekaterinburg (Nga) để chuẩn bị thảo luận với người đồng cấp nước chủ nhà Sergei Lavrov về kế hoạch tấn công khủng bố bất thành ở Crimea, sự kiện mà Mátxcơva cáo buộc là âm mưu phá hoại của Kiev. Phát biểu trước thềm cuộc gặp, Ngoại trưởng S.Lavrov nhấn mạnh, Nga đặc biệt ưu tiên phát triển quan hệ với Đức. Bộ Ngoại giao Nga cho biết, chủ đề cuộc hội đàm của hai ngoại trưởng là thảo luận về căng thẳng mới giữa Nga và Ukraine liên quan đến vấn đề an ninh tại bán đảo Crimea, tiến trình thực hiện các thỏa thuận Minsk về giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như về quan hệ hợp tác song phương.

Không chỉ là một trụ cột của nhóm Bộ tứ Normady giữ vai trò giám sát thỏa thuận ngừng bắn tại miền Đông Ukraine, Đức là quốc gia có quan điểm mềm dẻo nhất đối với Nga. Không ít lần, Thủ tướng Đức Angela Merkel thể hiện sự đồng thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về những chính sách giải quyết xung đột tại miền Đông Ukraine. Berlin cũng không ngần ngại lên tiếng ngăn cản việc áp đặt các biện pháp trừng phạt, cô lập Mátxcơva và công khai ủng hộ những nỗ lực giải tỏa căng thẳng giữa Nga và phương Tây. “Bà đầm thép” của nước Đức cũng đã nhiều lần khẳng định, duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga nằm trong lợi ích của nước này. Tuy nhiên, Berlin đang ở vị thế đầu tàu của Châu Âu và việc thực thi những chính sách chung của khối cũng là một nghĩa vụ không thể lảng tránh. Vì thế, xét trên phương diện chiến lược, bất kỳ sự xấu đi nào trong quan hệ giữa Nga và phương Tây đều ảnh hưởng ít nhiều đến Đức.

Thực tế cho thấy, nếu xung đột giữa Mátxcơva và Kiev bùng phát thì không chỉ kế hoạch đưa miền Đông Ukraine trở lại lộ trình ổn định bị thất bại, mà chắc chắn quan hệ giữa Nga và phương Tây tiếp tục xấu đi. Điều này đi ngược với mong muốn của Đức và một lần nữa lại đẩy Berlin vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" giữa một bên là áp lực của khối và bên kia là mối quan hệ với Mátxcơva.

Trong khi những đồng minh của nước Đức chưa thể hiện ý định hòa dịu với chính quyền của Tổng thống V.Putin thì Kremlin cũng tỏ ra cứng rắn không kém. Đã có những ý kiến cho rằng, hành động cứng rắn của nhà lãnh đạo xứ Bạch dương trong vụ việc ở Crimea vừa qua không chỉ nhằm vào nước láng giềng Ukraine mà còn là một thông điệp gửi đến phương Tây. Sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine xảy ra, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã liên tục bổ sung nguồn lực cho kế hoạch chống lại Mátxcơva, trong đó có việc củng cố hệ thống phòng thủ xung quanh các nước vùng Baltic như Estonia, Latvia… Vì vậy, với động thái đưa hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tới Crimea và việc chuẩn bị cuộc tập trận quy mô lớn Caucasus 2016, Nga muốn chứng tỏ rằng, Mátxcơva không hề yếu ớt và vẫn có thể giữ thế chủ động bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Mới đây, Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố, vai trò của cuộc họp Bộ tứ Normandy sắp tới đã không còn nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, sự có mặt của Ngoại trưởng Steinmeier tại xứ sở Bạch dương đã cho thấy quyết tâm của Berlin trong vai trò “ghìm cương” xung đột, điều không chỉ lợi ích cho nước Đức mà còn góp phần quan trọng nhằm duy trì ổn định và hòa bình tại khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngoại trưởng Đức tới Nga: “Ghìm cương” xung đột

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.