(HNM) - Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 cận kề, khối lượng rác thải tồn đọng ở nhiều làng quê ngoại thành Hà Nội khá lớn. Một số điểm tập kết rác thải nông thôn đã không còn chỗ để làm nơi trung chuyển rác. Người dân lo ngại, nếu chậm đưa đi xử lý, rác thải sẽ ngập tràn, ảnh hưởng không nhỏ đến môi sinh.
Những ngày cuối năm, người dân thôn Bình Xá, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất như ngồi trên đống "lửa". Họ liên tục gõ cửa các cơ quan chức năng đề nghị sớm di chuyển bãi rác đã tồn tại 6 năm qua nằm bên lề đường 419. Bãi rác này nằm chềnh ềnh trước cửa Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung, quanh bãi rác là điểm dừng xe buýt, nhà hàng với đủ món đặc sản... Ông Nguyễn Khắc Sắc, thôn Bình Xá cho biết, nơi này trước đây là bãi đất trống, theo quy hoạch sẽ làm một tuyến đường gom. Do thiếu địa điểm tập kết rác thải, hằng ngày người dân địa phương và các xã lân cận mang rác ra đổ ở đây. Mỗi ngày vài chục xe cải tiến, có hôm rác ngập tràn lên cả mặt đường.
Ngược lên huyện Phúc Thọ, tại một số điểm tập kết, khối lượng rác thải phát sinh tăng từng ngày. Trên đường 32 đoạn giáp ranh giữa hai xã Phụng Thượng và Ngọc Tảo, lượng rác tồn đọng đang gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng dân cư. Bà Phương, người dân xã Ngọc Tảo cho biết, thời điểm này, lượng rác thải phát sinh nhiều, mùi xú uế nồng nặc bay vào nhà, không thể chịu nổi.
Qua khảo sát, tại nhiều địa phương như các xã Cao Viên (huyện Thanh Oai), đoạn giáp ranh giữa xã Ngọc Sơn, thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), một số xã của huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thường Tín... cũng xảy ra tình trạng tồn đọng rác thải. Trên hành lang tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua xã Minh Cường, huyện Thường Tín, một vài chỗ, rác đổ ngập lút tầm mắt với đủ các loại, từ vật liệu xây dựng, túi ni lông, giấy vụn, giẻ rách, xác súc vật đến rau dưa. Một người dân ở đây cho biết: "Những hôm trời mưa nước rác đen xì chảy ra nắng lên, mùi hôi thối nồng nặc, cách xa cả trăm mét đã ngửi thấy".
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trung bình mỗi ngày, khu vực ngoại thành thải khoảng 3.000 tấn rác sinh hoạt, trong dịp gần Tết Nguyên đán, lượng rác có thể tăng gần gấp đôi so với ngày thường. Tại các xã, thị trấn đã thành lập tổ thu gom, vận chuyển rác thải, tuy nhiên hoạt động thiếu chuyên nghiệp, phương tiện thu gom còn nghèo nàn, thiếu thốn. Các tổ dịch vụ vệ sinh hoạt động theo mô hình tự quản và ít được hỗ trợ nên kém hiệu quả. Kinh phí hoạt động của các tổ dịch vụ phần lớn phụ thuộc vào sự đóng góp của người dân, nguồn thu còn khó khăn… Do vậy chỉ giải quyết được nhiều lắm là 70% lượng rác thải, dẫn đến tình trạng tồn ứ rác ở các địa phương.
Chính quyền nhiều địa phương đang đau đầu vì thiếu nơi tập kết rác và hết quỹ đất quy hoạch nơi đổ rác. Việc quy hoạch các bãi trung chuyển rác theo tiêu chí cũng rất khó bởi theo quy định thì các điểm này phải ở xa khu dân cư và thuận tiện đường giao thông. Trong khi đó, các điểm xa khu dân cư chỉ có ở ngoài đồng, không thể tiện đường giao thông, vì vậy phải mất thêm kinh phí làm đường phục vụ việc ra vào chuyên chở rác. Tại huyện Thạch Thất, trong tổng số 33 điểm tập kết rác được lựa chọn đưa vào quy hoạch, sau khi xem xét, cơ quan chức năng chỉ phê duyệt được 9 điểm. Bà Nguyễn Thị Chỉnh, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Thất cho biết, kinh phí để xây dựng các điểm tập kết rác thải tập trung hết sức khó khăn. Riêng kinh phí để xây dựng 9 điểm đã phê duyệt ít nhất cũng tiêu tốn khoảng 10 tỷ đồng, trong khi đó, UBND TP chỉ hỗ trợ mỗi điểm 200 triệu đồng. Tại huyện Chương Mỹ, do còn vướng mắc, chưa triển khai được hai dự án xây dựng nhà máy xử lý, chế biến rác thải, huyện đã triển khai xây dựng 27 điểm tập kết rác thải tạm thời, đến nay, 11 điểm tập kết rác đã căng cứng, không còn khả năng tiếp nhận thêm. Theo ông Nguyễn Văn Đản, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ, nếu không được chuyển đi kịp thời sẽ tồn đọng lượng rác khá lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là khó tránh khỏi. Tương tự, tại huyện Thường Tín, do thiếu bãi tập kết rác, huyện vừa đề xuất thành phố cho phép vận chuyển 5.000 tấn đem đi xử lý, còn lại 7.000 tấn buộc phải tổ chức xử lý tại chỗ.
Ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, để bảo đảm công tác vệ sinh môi trường dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, UBND TP đã có công văn yêu cầu các sở, ngành và địa phương tăng cường vận động người dân tổng vệ sinh tại khu dân cư; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng ùn ứ rác thải, phế thải, sự cố môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ họp với các huyện, thị xã, trước mắt tập trung giải quyết dứt điểm lượng rác tồn đọng, kiên quyết không để xảy ra tình trạng ùn ứ rác thải ở khu vực nông thôn dịp Tết Nguyên đán 2012.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.