FA Premier League (Ngoại hạng Anh) - giải VĐQG hấp dẫn nhất thế giới hiện nay - cũng nằm dưới sự quản lý và điều hành của một công ty riêng rẽ, hệt như đề án mà các ông bầu bóng đá Việt Nam vừa đề xuất với VFF.
Ý tưởng ly khai
Buổi giao thời của thập niên 1980 và 1990 chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của bóng đá Anh. Ở cấp độ ĐTQG, tuyển Anh thi đấu thành công và lọt vào tới bán kết World Cup 1990. Ở cấp CLB, sau khi được UEFA dỡ bỏ lệnh cấm vận thi đấu ở các Cup châu Âu trong năm năm vào năm 1990, bóng đá Anh có một đại diện là MU đoạt Cup C2 (giải đấu bị khai tử năm 1999).
Chiếc Cup C2 của MU năm 1991 và thành công của bóng đá Anh những năm đầu 1990 là cơ sở để các nhà làm bóng đá Anh khai sinh ra Premier League. |
Những thành công ấy kéo theo việc doanh thu từ truyền hình ngày càng đóng vai trò quan trọng trong bóng đá Anh. Năm 1988, khi kí hợp đồng mới về việc bán bản quyền truyền hình, Football League - hệ thống các giải bóng đá Anh, trong đó có giải vô địch quốc gia First Divison - nhận được tới 44 triệu bảng cho bản hợp đồng bốn năm, cao hơn đáng kể so với mức 6,3 triệu bảng trong hai năm từ 1986 đến 1988.
Song song với quá trình đàm phán bản hợp đồng bản quyền truyền hình đó, ý tưởng về một giải đấu ly khai với Football League cũng đã manh nha xuất hiện khi 10 CLB đòi tách ra và lập nên một giải đấu mới có tên là Super League, nhưng về sau được FA thuyết phục ở lại. Tuy nhiên, với đà đi lên của chất lượng, an ninh sân bãi, lượng người xem và doanh thu tăng vọt, những CLB hàng đầu bắt đầu xem xét một cách nghiêm túc việc tách khỏi Football League để tận dụng thời cơ kiếm tiền nhiều hơn từ dòng tiền ngày một lớn được bơm vào bóng đá Anh.
Ý tưởng ly khai đó một lần nữa được đặt ra trong cuộc gặp giữa Greg Dyke, Giám đốc điều hành London Weekend Television (LWT) - một chương trình truyền hình chuyên phát vào dịp cuối tuần - với đại diện năm CLB bóng đá lớn vào năm 1990. Cuộc gặp này đã dọn đường cho một thay đổi lịch sử. Dyke khi đó nhấn mạnh rằng sự ra đời của một giải đấu mới (về sau là giải Ngoại hạng) có lợi cho đôi bên, LWT sẽ kiếm tiền nhiều hơn nếu có một giải đấu chỉ gồm các CLB lớn được phát sóng trên truyền hình quốc gia, còn phía CLB cũng sẽ nhận được những khoản tiền lớn hơn rất nhiều từ việc bán bản quyền truyền hình.
Sự khác biệt cơ bản giữa giải đấu mới với hệ thống Football League là nguồn tiền đổ vào giải chỉ được phân chia trong nội bộ các CLB dự giải. Trong khi đó, miếng bánh quyền lợi này ở giải Vô địch Quốc gia cũ - First Divison - nhỏ hơn đáng kể, do nguồn tiền được chia đều cho mọi CLB trong Football League. Cả năm CLB đều nhận thấy đây là một ý tưởng tốt và quyết định xúc tiến việc thành lập một giải đấu ly khai.
Tuy nhiên, do ý thức rằng giải đấu mới sẽ không được tín nhiệm nếu thiếu sự ủng hộ từ LĐBĐ Anh (FA), đại diện Arsenal, David Dein, được giao nhiệm vụ tiếp xúc và thăm dò xem liệu FA có chấp nhận ý tưởng này hay không. Sẵn đang không thích mối quan hệ kiểu bằng mặt, không bằng lòng với Football League khi đó, FA nhanh chóng bật đèn xanh và xem sự ra đời của một giải đấu mới là cách tốt nhất để làm suy yếu vị thế của Football League.
Bước ngoặt lịch sử
Vào cuối mùa giải 1990-1991, đề án thành lập một giải đấu mới được chấp bút, với quan điểm chung rằng sẽ mang lại nhiều tiền hơn cho mỗi thành viên và gửi đến các CLB có liên quan để lấy ý kiến. Đến ngày 17/7/1991, những CLB hàng đầu của bóng đá Anh đã ký vào Thỏa thuận các thành viên sáng lập, tạo nên những nguyên tắc cơ bản cho việc thành lập giải đấu mới có tên là FA Premier League - giải Ngoại hạng Anh. Giải đấu mới hoàn toàn độc lập với FA và Football League, được chủ động đàm phán và quyết định về các hợp đồng phát sóng (phát thanh, truyền hình) và tài trợ. Vào thời điểm đó, các CLB ký thỏa thuận sáng lập đều nhấn mạnh rằng nguồn thu nhập tăng lên sẽ giúp họ cải thiện đáng kể sức cạnh tranh với các CLB khác khi tranh tài ở ba Cup châu Âu.
Bản quyền truyền hình là bầu sữa dồi dào cho các CLB Premier League. |
Torres và Aguero là hai trong rất nhiều ngôi sao sáng giá ở các giải đấu khác đến đầu quân cho Premier League. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.