Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngoại giao năm 2019: Nâng  tầm vóc đất nước

Vân Khanh| 25/01/2020 06:02

(HNM) - Một mùa xuân mới đã về trên quê hương Việt Nam. Trong những thanh âm rộn ràng của đất trời, lòng người hân hoan hòa cùng niềm vui chung của đất nước. Năm 2019 đã đi qua với nhiều dấu son rực rỡ tiếp nối những thành công trong hành trình hơn 30 năm đổi mới toàn diện, hội nhập sâu rộng và mang đến những tâm thế mới để đất nước bước vào năm 2020 với nhiều vận hội mới, niềm tin mới và nguồn lực mới. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: “Thế và lực của nước ta đã được tăng cường, đất nước đang khởi sắc, vận nước đang lên. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

Trong những thành tựu đáng khích lệ của đất nước, công tác đối ngoại đã trở thành một điểm sáng. Khi những dư âm của APEC 2017 tại thành phố biển xinh đẹp Đà Nẵng vẫn còn được bạn bè quốc tế nhắc tới như một thành công ấn tượng của nước chủ nhà, thì Việt Nam một lần nữa lại trở thành tâm điểm của thế giới với việc Thủ đô Hà Nội được lựa chọn là điểm gặp gỡ của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Không có nhiều bất ngờ về việc Việt Nam vượt qua một số “ứng viên” sáng giá để trở thành nước chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai vào tháng 2-2019. 

Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã gây ngạc nhiên lớn về khả năng tổ chức, bảo đảm an ninh, hậu cần cho các cuộc tiếp xúc giữa hai nhà lãnh đạo lẫn hoạt động tác nghiệp của gần 3.000 phóng viên báo chí đến từ khắp nơi trên thế giới. 

Việc hoàn thành xuất sắc vai trò chủ nhà mà cả Hoa Kỳ và Triều Tiên đặt niềm tin được xem là một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của đất nước và thành phố Hà Nội trong năm 2019, góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thông qua việc tổ chức cuộc gặp gỡ nhằm hướng đến hóa giải một "điểm nóng" an ninh dai dẳng của thế giới, Việt Nam đã cho thấy hình ảnh một đất nước mạnh mẽ vươn lên từ tro tàn của chiến tranh và đang đóng góp tích cực vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Không còn là quốc gia chỉ đón nhận sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, giờ đây Việt Nam đã tự tin trong vai trò trung gian, hòa giải, thúc đẩy đối thoại, kết nối hòa bình trên tinh thần hợp tác cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau.

Trên thế giới hiện nay, dù hợp tác, liên kết, phát triển vẫn là xu thế lớn, cục diện theo hướng đa cực, đa trung tâm ngày càng định hình rõ nét nhưng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hành xử đơn phương, chính trị cường quyền… cũng đang nổi lên mạnh mẽ. Vì vậy, sự chủ động tham gia của Việt Nam như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế một mặt đã tiếp tục đẩy mạnh quá trình hội nhập sâu rộng của đất nước vào đời sống chính trị, kinh tế toàn cầu nhưng mặt khác cũng đã nâng cao tầm vóc, vị thế đất nước và nhận được sự ủng hộ, tin cậy từ bạn bè khắp thế giới.

Niềm tin đó một lần nữa được khẳng định khi Việt Nam trúng cử là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu gần như tuyệt đối 192/193. Sự tín nhiệm lớn lao của các quốc gia thành viên tổ chức đa phương lớn nhất thế giới là minh chứng thuyết phục cho tính đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế mà Việt Nam kiên trì, nhất quán theo đuổi. Trong nhiệm kỳ thứ hai tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sau nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2008-2009, bên cạnh chương trình nghị sự chung, Việt Nam dự kiến sẽ chia sẻ các kinh nghiệm về tái thiết hậu xung đột, giải quyết hậu quả chiến tranh, hòa giải dân tộc, giải quyết bom mìn, thúc đẩy vai trò phụ nữ, trẻ em trong hòa bình, tăng cường an ninh… 

Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những chuyển biến khó lường, các cuộc xung đột, căng thẳng vũ trang, khủng bố... vẫn diễn ra ở nhiều nơi thì trọng trách của Việt Nam nhằm thúc đẩy việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, duy trì hòa bình và an ninh thế giới ở cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an sẽ nặng nề hơn. Tuy nhiên, vươn lên giữ vai trò tích cực tại Liên hợp quốc, cơ chế đa phương quan trọng được xác định là ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại, cơ hội để Việt Nam nâng cao uy tín trên trường quốc tế. Đây cũng là thời cơ để “thể hiện hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thân thiện, năng động và yêu chuộng hòa bình, thể hiện niềm tin của người dân Việt Nam vào một thế giới đối thoại đa chiều, tôn trọng luật pháp quốc tế, hòa bình, hợp tác bình đẳng, cùng phát triển” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh.

Đường lối đối ngoại hòa hiếu, vì lợi ích chung của Việt Nam được thế giới đánh giá cao đã trở thành nguyên tắc chủ đạo trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ vào năm qua khi tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp. Đề cao tinh thần giải quyết khác biệt bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 nhằm bảo đảm an toàn, an ninh, tự do hàng hải, hàng không tại tuyến vận tải đường biển nhộn nhịp thứ hai thế giới, lập trường của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 ở Bangkok (Thái Lan), các diễn đàn đa phương, lãnh đạo nhiều quốc gia và đông đảo bạn bè quốc tế. Vì vậy, cho dù tình hình khu vực và thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, bằng sự kiên quyết nhưng đầy thiện chí và mang tính xây dựng, các hoạt động đối ngoại trong năm 2019 đã thực hiện tốt nhiệm vụ ngoại giao phải đi đầu trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc và thu hút nguồn lực cho phát triển đất nước mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra.

Nhờ đó, bất chấp những sóng gió của kinh tế thế giới do trào lưu bảo hộ, cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa các cường quốc gia tăng, kinh tế Việt Nam vẫn đạt những thành tựu đáng mừng và vượt các mục tiêu đã đề ra. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV khẳng định tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới. Kết quả này đã tiếp tục hiện thực hóa chủ trương ngoại giao lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp vươn ra thế giới. Trên tinh thần đó, ở bình diện song phương, ngoại giao đã đi đầu mở đường cho các kênh hợp tác mới, khả thi, dài hạn, nhất là với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đồng thời kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh. Ở phương diện đa phương, ngoại giao tích cực thúc đẩy mở rộng vai trò của đất nước tại các diễn đàn khu vực, toàn cầu, các cơ chế hợp tác tiểu vùng như Mekong, tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia… Cùng với đó, tăng cường đàm phán, ký kết, phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới cũng được xác định là một trọng tâm của công tác đối ngoại bởi sẽ góp phần củng cố, làm sâu sắc quan hệ với các đối tác lớn, đưa Việt Nam thành một mắt xích trong những liên kết kinh tế quan trọng. 

Một dấu ấn đặc biệt trong nỗ lực này là sự kiện Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) sau 9 năm đàm phán. Với cam kết xóa bỏ 99% thuế quan giữa hai bên, EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do "tham vọng nhất từ trước tới nay" mà EU từng ký với một quốc gia đang phát triển, đồng thời cũng là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã ký kết. Cho dù hai bên còn cần thời gian để phê chuẩn văn kiện, song Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế, Nghị viện châu Âu Jan Zahradil nhận định: “Có ít quốc gia hoàn tất được các hiệp định thương mại với EU như Việt Nam và đây là bằng chứng cho thấy ảnh hưởng địa chính trị của Việt Nam cũng như khả năng theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập”.

Với những dấu mốc đáng nhớ, ngoại giao đã thực sự đồng hành và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của đất nước trong năm 2019, tạo cho Việt Nam một chỗ đứng vững chắc hơn trong cục diện khu vực và thế giới đang thay đổi. Năm 2020 là thời điểm đặc biệt khi Việt Nam đồng thời đảm nhận hai vị trí Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đây là nhiệm vụ khó khăn, nhiều thử thách nhưng cũng đồng thời mở ra những cơ hội để đất nước thể hiện bản lĩnh, năng lực dẫn dắt, tự tin bước tiếp trên con đường hội nhập toàn diện, sâu rộng vào hệ thống quản trị toàn cầu và viết nên những trang mới trong lịch sử đáng tự hào của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngoại giao năm 2019: Nâng  tầm vóc đất nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.