Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngõ nhỏ, bản sắc riêng của Hà Nội

Lâm Vũ| 24/10/2011 06:32

(HNM) - Tại Hà Nội, sự tồn tại phổ biến của những phố nhỏ, ngõ nhỏ cùng cộng đồng dân cư trong đó gây ra không ít thách thức đối với phát triển đô thị. PV Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Thái Sơn, Tiến sĩ về quy hoạch đô thị, chuyên viên tư vấn cao cấp của Savills Vietnam về vấn đề trên.


Tuy nhỏ bé, chật hẹp nhưng ngõ lại tạo nên nét đặc trưng Hà Nội. Ảnh: Linh Tâm

- Xin Tiến sĩ cho biết sự tồn tại của các ngõ, ngách nhỏ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động sống của người dân ở đó?

- Hình thái không gian đặc thù của ngõ Hà Nội là nhỏ, hẹp, khoảng 90% ngõ có bề ngang nhỏ hơn 4m, nhiều ngõ ngoằn nghoèo, khoảng cách đến đường chính tương đối xa. Hình thái này ảnh hưởng nhiều đến hoạt động thường ngày của người dân. Hoạt động đi lại bằng nhiều loại phương tiện bị hạn chế, không gian công cộng trong các khu ngõ ngày càng bị thu hẹp, người dân gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ đô thị cơ bản như điện, nước, thoát nước và thu gom rác thải. Nghiên cứu của chúng tôi tại 3 địa bàn Văn Chương, Giáp Bát, Yên Sở đã chỉ ra rằng càng gần trung tâm, kích thước của ngõ càng hẹp, không gian công cộng trong ngõ càng hạn chế và việc xây dựng nhà lấn ra không gian chung càng phổ biến.

Với những điều kiện đặc thù về không gian sống đó, người dân trong các khu ngõ Hà Nội đã chủ động xoay xở tìm giải pháp thích ứng. Họ tiến hành các giải pháp thay thế tự thân, cả trên khía cạnh không gian, kỹ thuật cũng như ứng xử xã hội như: cơi nới nhà cửa, chiếm dụng không gian công cộng, sử dụng bếp than, bếp gas để tiết kiệm điện, thậm chí dùng cả các giải pháp “lách luật” như dùng điện nước không qua công tơ, đồng hồ đo…

- Sự thích nghi của người dân trong các ngõ nhỏ ảnh hưởng thế nào tới sự phát triển đô thị tại Hà Nội, thưa ông?

- Trong quá trình thích nghi chủ động nêu trên, nhiều giải pháp thay thế tự thân đã diễn ra như giải pháp tự xây nhà, sử dụng không gian chung của ngõ cho nhiều mục đích khác nhau vốn không phải là chức năng gốc của ngõ, ví dụ như kinh doanh nhỏ, để xe, nấu ăn, phơi quần áo, nơi gặp gỡ giao lưu của tất cả các thành phần dân cư trong ngõ. Với các hoạt động trên, những cư dân bình thường này đã tham gia trực tiếp vào quá trình kiến tạo không gian đô thị, góp phần đáng kể vào sự hình thành và phát triển hình thái đô thị Hà Nội. Ở quy mô nhỏ hơn, với việc sử dụng, điều chỉnh không gian ngõ trong cuộc sống hằng ngày, người dân đã chủ động tạo ra không gian công cộng cho riêng họ. Kết quả là mỗi khu ngõ có một đặc trưng riêng.

- Các dịch vụ đô thị như điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải trong các ngõ nhỏ hiện nay ra sao?

- Khảo sát tại Văn Chương, Giáp Bát và Yên Sở cho thấy các dịch vụ cơ bản như điện, nước, thoát nước thải và thu gom rác thải trong các ngõ đều có những vấn đề riêng, khá tương đồng với những vấn đề của cả thành phố. Cụ thể là hệ thống dây điện, cột điện, trạm biến áp tạo thành một mạng lưới “rác trời” lằng nhằng, mất mỹ quan và nguy hiểm cho cuộc sống người dân. Điện hay bị cắt, dịch vụ cấp nước sạch chưa đến được tất cả các hộ dân trong ngõ; hệ thống vệ sinh liên quan đến các dịch vụ thoát nước và thu gom rác thải còn nhiều nhược điểm. Hệ quả là người dân không hài lòng lắm với chất lượng dịch vụ mà họ nhận được.

- Ở các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ... cũng tồn tại những cộng đồng dân cư trong các ngõ ngách. Chính phủ các nước này có chính sách gì đối với những khu này? Và ông có thể đưa ra một vài giải pháp nhằm cải thiện đời sống người dân trong các ngõ, ngách tại Hà Nội?


- Thực ra, tính chất của các ngõ, ngách tại Việt Nam khác nhiều so với ngõ ở các nước Âu - Mỹ, gần gũi hơn với các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Với trường hợp Nhật Bản, tài liệu tham khảo cho thấy tại trung tâm thành phố Tokyo hiện vẫn có các khu vực có ngõ nhỏ và người dân sống trong đó đã rất thành công trong việc biến các ngõ thành không gian chung của cộng đồng. Rõ ràng là chính phủ nước này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tạo các ngõ và góp phần hình thành các hoạt động xã hội cũng như ý nghĩa văn hóa bên trong đó. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh tính chủ động của người dân Tokyo trong tiến trình nói trên.

Về vấn đề cải thiện điều kiện sống của người dân trong ngõ, ngách Hà Nội, theo tôi, với những công trình ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống hằng ngày của người dân thì nên để họ chủ động nhận định các yếu tố cần thiết, tìm ra giải pháp và trực tiếp tham gia vào quá trình giám sát thi công. Nhà nước và các cấp quản lý, nếu có tham gia thì chỉ nên giữ vai trò định hướng và tạo yếu tố thuận lợi cho họ.

- Theo ông, chúng ta nên xóa bỏ hay giữ gìn những ngõ nhỏ trong lòng thành phố?

- Theo quan điểm cá nhân của tôi, chúng ta không nên và thực sự cũng không thể xóa bỏ ngõ nhỏ trong thành phố. Nghiên cứu trên các trường hợp điển hình như Văn Chương, Giáp Bát và Yên Sở đã chỉ ra rằng các khu ngõ này chính là một phần quan trọng của thành phố, là nhân chứng tiêu biểu cho nhiều giai đoạn phát triển khác nhau của thành phố, cả trên khía cạnh không gian đô thị cũng như hình thái xã hội bên trong. Cả hai mặt không gian - xã hội đó, chúng ta hoàn toàn có thể gìn giữ và phát huy để các khu ngõ trở thành bản sắc riêng của đô thị Hà Nội.

- Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngõ nhỏ, bản sắc riêng của Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.