Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngộ độc vì… nhận thức!

Nguyễn Đức| 07/02/2014 06:01

(HNM) - Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 (tính đến chiều 5-2, tức mùng 6 tháng Giêng), trên toàn quốc không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Đây là tin đáng mừng trong những ngày đầu năm. Điều đó cho thấy ý thức của người dân đã được nâng lên đáng kể để tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Ấy là tin vui! Nhưng đầu xuân, vẫn phải nhắc đến những điều không vui để nâng cao nhận thức, nhất là khi "Tháng Giêng là tháng ăn chơi" còn kéo dài với hàng loạt lễ hội. Mới đây, trên cả nước đã xuất hiện tình trạng ngộ độc vì… nhận thức! Đã có những trường hợp bị ngộ độc phải điều trị kéo dài, thậm chí dẫn đến tử vong vì… rượu và mật cá trắm. Cụ thể, một bệnh nhân nam 32 tuổi ở Thanh Trì, Hà Nội được đưa vào bệnh viện từ chiều mùng 3 Tết trong tình trạng hôn mê sâu, rối loạn tri giác, tổn thương não, gan, thận… Đây chỉ là một trong 5 trường hợp ngộ độc rượu phải vào viện cấp cứu, điều trị trong 4 ngày Tết. Đến ngày 5-2, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận một bệnh nhân 14 tuổi ở Bắc Ninh bị ngộ độc do mật cá trắm. Nguyên nhân là ngày mùng 3 Tết, gia đình mua cá trắm về ăn, mẹ bệnh nhân cho con uống mật cá trắm để… chữa bệnh đường ruột. Lợi bất cập hại, bệnh không thấy khỏi, gia đình đã phải đem con đi cấp cứu vì… ngộ độc. Hai trường hợp ngộ độc nói trên đều có liên quan tới… nhận thức.

Ở trường hợp ngộ độc rượu ở Thanh Trì, theo các phương tiện thông tin đại chúng, bệnh nhân đã uống rất nhiều loại rượu trong nhiều ngày, từ rượu Tây tới rượu ta… Người uống rượu bia cơ bản biết uống rượu bia là có hại cho sức khỏe, có nguy cơ dẫn tới bệnh nan y, thế nhưng vào dịp Tết, lễ hội, nhiều người đã uống "thả phanh", khiến gan, thận không kịp lọc dẫn tới… ngộ độc. Như vậy nghĩa là có nhận thức nhưng vẫn… ngộ độc. Còn ở trường hợp ngộ độc mật cá trắm. Ở nhiều vùng quê vẫn có quan niệm "mật động vật chữa bách bệnh" nên mật gì cũng… uống. Người khỏe thì không sao, người yếu uống vào là… ra "mật xanh, mật vàng" dù các bác sĩ luôn cảnh báo mật các loại cá, đặc biệt là cá trắm đều có khả năng gây suy thận cấp. Điều này cho thấy nhận thức của không ít người dân, đặc biệt là ở nông thôn còn rất hạn chế và ngộ độc ở đây là do thiếu kiến thức nên làm theo cảm tính.

Trong cả hai trường hợp ngộ độc trên, lỗi đầu tiên đều thuộc về người bệnh. Song, dù người bệnh đúng là đáng trách, nhưng rõ ràng các cơ quan chức năng, các nhà quản lý cũng chẳng phải vô can, đặc biệt là trong quản lý rượu giả. Thường các trường hợp ngộ độc mật động vật diễn ra nhiều ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, kiến thức của người dân còn hạn chế. Như vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục vẫn chưa hiệu quả nên vẫn còn người chết vì… thiếu hiểu biết. Còn với ngộ độc rượu? Rất nhiều người đã sang các nước phát triển và người dân các nước phát triển sang Việt Nam đều chung nhận xét: Chẳng đâu dễ nhậu nhẹt, bia rượu như ở nước ta. Vẫn biết, kinh doanh rượu bia đem lại lợi nhuận lớn, đóng góp nhiều cho ngân sách, nhưng không vì thế mà quản lý lỏng lẻo, có thể dẫn tới làm suy hại giống nòi. Các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc nhận định, tới đây số ca ngộ độc rượu sẽ còn tăng mạnh do tháng Giêng là thời điểm bạn bè, cơ quan, doanh nghiệp tụ tập liên hoan nhiều. Các bác sĩ cũng khuyến cáo, số ca ngộ độc tăng lên là do người dân uống quá nhiều rượu, đặc biệt là rượu không có nguồn gốc hoặc được pha bằng cồn công nghiệp. Để tránh ngộ độc rượu, mỗi người chỉ nên uống hàm lượng nhỏ và uống trong khi ăn, uống một loại rượu, không nên uống nhiều loại. Khi thấy người say, gọi hỏi không biết gì thì tốt nhất là đưa đến bệnh viện. Tuy nhiên, chỉ khuyến cáo thôi chưa đủ, mà các cơ quan chức năng phải có những biện pháp quản lý mạnh mẽ hơn để không xảy ra chuyện buồn trong ngày Tết. Còn đối với người dân, trong khi công tác quản lý còn có vấn đề, mỗi người phải tự ý thức hành vi của mình để tránh nhập viện vì... "bệnh vào từ miệng" mà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngộ độc vì… nhận thức!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.