Giá vàng nhảy vọt lên 30, rồi 30,3 triệu đồng khiến những ai đang có nhu cầu sắm nữ trang cưới lo sốt vó.
Chiều 22/9, đứng tại cửa hàng SJC Hà Nội để chọn mua bộ trang sức làm của hồi môn cho con gái cưới vào tháng sau, cô Hòa (Hoàn Kiếm, Hà Nội) băn khoăn. Đang cân nhắc giữa một chiếc kiềng 3 chỉ và 5 chỉ, cô cho biết giá tăng thì cũng lo, nhưng chuyện trọng đại của cả đời con gái thì không thể úi xùi được. "Nhà trai họ mua thế nào thì mình cũng phải cố ít nhất là bằng hoặc hơn", cô nói. Cuối cùng, cô Hòa chọn kiềng vàng 5 chỉ, cùng với vòng đeo tay 3 chỉ và cặp nhẫn mỗi chiếc một chỉ.
Một khách hàng lớn tuổi khác cũng tại cửa hàng SJC Hà Nội cho biết thời con gái đầu cưới chồng, bác không phải bận tâm mấy. "Con gái tôi cưới cách đây đúng 2 năm vào tháng 10/2008. Lúc đó vàng chỉ hơn 16 triệu rưỡi chứ mấy. Giờ đến lượt đứa sau cưới, cũng chừng đó vàng nhưng tôi phải chi gần gấp đôi", bác than thở.
Kể từ ngày 30/7 đến nay, thị trường nhảy vọt hơn 2,5 triệu đồng. Đỉnh điểm của đà leo thang là chiều nay, giá lên mức kỷ lục 30,3 triệu đồng, sau khi chính thức phá ngưỡng 30 triệu đồng hôm thứ sáu tuần trước. Còn thị trường quốc tế cũng đang tiến dần đến ngưỡng 1.300 USD như giới chuyên gia nhận định.
Đại diện của Bảo Tín Minh Châu cho biết lực mua vẫn tăng đều từ tháng trước khi vào mùa cưới. Trung bình mỗi ngày doanh nghiệp bán được từ 300 đến 500 chỉ vàng ta, không giảm so với năm ngoái dù thị trường đang ở đỉnh cao nhất trong lịch sử. Dự kiến doanh số sẽ còn tăng mạnh đến Tết như mọi năm.
Tương tự, nhân viên quầy trang sức của SJC Hà Nội cho biết sức mua vàng ta trong mùa cưới năm nay vẫn không giảm sút. "Có những thời điểm giá nhảy vọt quá nhanh khiến lượng khách hàng chững lại trong một buổi, nhưng rồi người dân lại đến mua như bình thường. Khi giá cứ đều đặn đi lên như hiện nay, chắc khách hàng cũng xác định là thị trường sẽ khó có thể đi xuống được nữa, thà mua nhanh còn hơn", đại diện của SJC Hà Nội nhận định.
Mặc dù vậy, cơn sốt giá vàng cũng phần nào tác động đến thói quen sắm nữ trang cưới của người dân. "Nếu như năm ngoái, các loại kiềng vàng 3, 5 và 10 chỉ rất hút khách thì năm nay, nhu cầu mua kiềng 3 đến 5 chỉ có vẻ trội hơn", đại diện của một doanh nghiệp cho hay.
Còn SJC Hà Nội mùa cưới này tung ra nhiều bộ nữ trang có trọng lượng nhẹ hơn. Trước đây nếu như bộ nữ trang lượng rưỡi bán chạy thì nay, nhiều khách hàng chọn mua bộ một lượng đến 1,2 lượng vàng.
Trong khi đó tại TP HCM, ở các khu vực kinh doanh vàng lớn như chợ An Đông, quận 5, chợ Bến Thành, chợ Tân Định, quận một, chợ Bà Chiểu, Bình Thạnh, TPHCM các chủ cửa hàng đều than vắng khách.
Anh Dũng, chủ một tiệm vàng trên đường Lê Lợi, quận một, cho biết nữ trang thời gian này bán rất chậm. "Giá vàng lên cao quá nên chỉ có những người có nhu cầu thật cấp thiết mới mua. Cửa hàng hiện chủ yếu đổi ngoại tệ cho khách để kiếm chênh lệch", chủ hiệu nói.
Theo anh Dũng, thay vì trước kia khi giá còn rẻ, nhiều người còn muốn mua nữ trang đeo. Nhưng nay họ cho đó là một điều xa xỉ. "Chẳng ai bỏ ra hàng chục triệu để mua cái lắc 3 chỉ đeo cho đẹp cả", ông chủ chia sẻ.
Còn chị Thanh, chủ hiệu kim hoàn trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5, cho biết từ đầu tuần đến nay, tiệm chị bán chưa tới chục bộ trang sức cưới (bộ từ 5 chỉ đến một lượng). Khách mua nữ trang chủ yếu là người quen. Hiện nay, bán chạy nhất là bộ nữ trang cưới khoảng 6 chỉ gồm một kiềng đeo cổ 3 chỉ, dây chuyền 2 chỉ và đôi bông tai 2 chỉ có giá khoảng 19 triệu (trong đó tiền gia công khoảng 1 triệu).
"Bọn em thấy giá vàng cứ tăng vù vù nên sốt ruột. Tuy sang năm mới cưới nhưng nay tranh thủ đi sắm dần", một đôi uyên ương đang mua sắm tại hiệu vàng này bộc bạch.
Một số khác đã nghĩ đến việc đi thuê trang sức cho ngày thành hôn. Nam và Lan hiện là công nhân tại khu công nghiệp Tân Tạo, TP HCM sẽ cưới trong tháng 10 tới và họ quyết định sẽ thuê nữ trang chứ không mua, chỉ sắm cặp nhẫn. "Với mức giá như hiện nay, để mua một bộ trang sức 5 đến 6 chỉ cũng ngốn gần 20 triệu. Điều này nằm ngoài khả năng của những người làm công nhân lương 'ba cọc ba đồng' như tụi em", Nam và Lan bộc bạch.
Không chỉ các cửa hàng bán lẻ, đa phần các thương hiệu nữ trang như PNJ, SJC, Sacombank-SBJ cho biết năm nay tình hình tiêu thụ nữ trang khó khăn hơn các năm trước rất nhiều. Hiện mức tiêu thụ nữ trang của họ khá chậm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.