Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghiên cứu ứng dụng xe buýt chạy bằng điện

Thùy Linh - Gia Bảo| 27/10/2012 08:31

TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu và ứng dụng loại hình xe buýt chạy bằng điện (trolleybus) với mục tiêu đến năm 2014 hình thành ít nhất một tuyến. Vẫn còn quá sớm để nói về hiệu quả nhưng đây là tín hiệu chứng tỏ sự nỗ lực của TP trong việc hiện đại hóa và nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng (VTHKCC).


Hệ thống hạ tầng giao thông TP đang quá tải, với khoảng 5 triệu chiếc xe gắn máy trên địa bàn, chưa kể xe ô tô và các loại phương tiện vận tải khác. Trong khi đó, quỹ đất dành cho giao thông thiếu trầm trọng, hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, phần lớn các tuyến đường đều hẹp. Cụ thể, chỉ có khoảng 14% tuyến đường có lòng đường rộng hơn 12m; 51% có lòng đường 7m-12m; khoảng 35% có lòng đường hẹp dưới 7m. Mặt khác, theo ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, theo đề án phát triển VTHKCC, đến năm 2015 sẽ phục vụ được 15% nhu cầu đi lại của người dân nhưng đến nay mới đáp ứng chỉ hơn 10%. Đa số người dân hiện vẫn chưa mặn mà với xe buýt và cho rằng xe chạy không đúng giờ, xuống cấp…

Ông Trịnh Văn Chính, Chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu khả năng ứng dụng xe buýt chạy bằng điện tại TP Hồ Chí Minh" cho rằng từ thực tế trên, việc nghiên cứu khả năng ứng dụng trolleybus để tăng năng lực VTHKCC là một yêu cầu cấp thiết. "Trolleybus là phương tiện thích hợp cho đô thị văn minh hiện đại, ứng dụng loại xe này sẽ giúp hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng, có khả năng giải tỏa nhanh chóng ùn tắc giờ cao điểm" - ông Chính cho hay.


Ảnh minh họa

Cũng theo nhóm nghiên cứu, lợi thế của trolleybus là sức chở lớn (khoảng 120 chỗ), động cơ điện nên khả năng tăng và giảm tốc nhanh hơn so với động cơ đốt trong, thân thiện với môi trường, gần như không có tiếng ồn và có tuổi thọ lâu bền. Thống kê từ Trung tâm Môi trường và phát triển GTVT (Sở Khoa học và Công nghệ TP), trên thế giới có khoảng 315 hệ thống trolleybus đang hoạt động tại các TP và thị trấn của 45 quốc gia. Tuy nhiên, sử dụng trolleybus cũng gặp phải không ít "rào cản" như khó khăn từ việc thay đổi quy hoạch đô thị, xe chạy chậm khi đi qua thiết bị chuyển mạch của hệ thống đường dây trên cao. Thực tế nhiều hệ thống trolleybus của một số quốc gia trên thế giới đã bị chỉ trích vì đường dây điện trên cao gây mất thẩm mỹ, đặc biệt tại các nút giao thông có nhiều trolleybus giao nhau.

Dưới góc nhìn của nhà quản lý, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP cho rằng, việc nghiên cứu ứng dụng loại hình trolleybus sẽ tạo cho VTHKCC từng bước đáp ứng được nhu cầu và giúp người dân có thêm lựa chọn. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cần xem xét kỹ điều kiện thực tế hạ tầng giao thông ở TP như mặt cắt ngang đường, hệ thống bến bãi, chi phí đầu tư, nguồn điện… để dự án mang tính khả thi cao.

Đề tài "Nghiên cứu khả năng ứng dụng xe buýt chạy bằng điện (trolleybus) tại TP Hồ Chí Minh" do Trung tâm Môi trường và phát triển GTVT thực hiện và đã báo cáo với Sở GTVT TP giai đoạn 1. Nhóm nghiên cứu đề xuất trong giai đoạn từ nay đến năm 2014, thí điểm xây dựng tuyến trolleybus An Sương - Củ Chi dài 20,3km. Sau đó sẽ phát triển thêm các tuyến An Sương - Trạm 2 Xa lộ Hà Nội; An Sương - An Lạc, An Lạc - Nguyễn Văn Linh và An Lạc Bến Lức.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu ứng dụng xe buýt chạy bằng điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.