Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền phương án điều chỉnh, giảm thuế đối với xăng dầu theo quy định. Nghiên cứu phương án giảm các loại thuế khác để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp” - Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia tại cuộc họp của Hội đồng, diễn ra chiều 12-7.
Không để cơ hội tăng trưởng vuột mất
Tại cuộc họp, các chuyên gia cho rằng, tình hình kinh tế thế giới tiềm ẩn các yếu tố bất trắc, bất ổn, bất định, trước mắt, kinh tế toàn cầu phải “vật lộn” với lạm phát tăng cao. Về lâu dài, thế giới có nguy cơ không còn thời kỳ hàng hóa giá rẻ do dịch chuyển sản xuất về nước, sự phân mảnh kinh tế toàn cầu khiến cho không còn chuỗi kết nối cung ứng tiêu thụ như trước, do dân số già và năng suất lao động thấp đi.
Theo nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy, trong bối cảnh đó, một nền kinh tế mở như Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để không rơi vào những bất trắc, bất ổn và bất định như toàn cầu. “Tuy chịu sức ép về lạm phát, nhưng chưa đến mức quá lo lắng để có những phản ứng quá mức chưa cần thiết”.
Ông Thúy nhận định, với nền tảng bên trong vững chắc, với sự thận trọng và linh hoạt trong điều hành đang làm cho kinh tế Việt Nam hưởng lợi. Dù kinh tế toàn cầu có thể suy thoái, suy giảm, nhưng những nhu cầu về dịch vụ, hàng hóa Việt Nam cung cấp vẫn là chỗ dựa cho thế giới để thoát khỏi khó khăn. Chúng ta đang có đà rất tốt cho sự tranh thủ các cơ hội, nhưng cũng phải phòng ngừa thách thức. Những thành quả 6 tháng qua là nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong điều hành tương đối linh hoạt và kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh, dẫn dắt nền kinh tế phát triển.
Đưa ra khuyến nghị, ông Lê Đức Thúy lưu ý, không để cơ hội tăng trưởng bị vuột mất. Muốn vậy, phải có những chính sách bên trong đủ mạnh, đủ linh hoạt. Sức ép lạm phát cao là có và còn tăng lên, bởi không chỉ do chi phí đẩy như trước đây, mà còn cầu kéo và do cả đứt gãy chuỗi cung ứng. Do đó, phải hết sức đề phòng; điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt, chủ động.
Có phương án, kịch bản dự trù
Đánh giá cao các ý kiến góp ý của thành viên Hội đồng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Ngân hàng Nhà nước - cơ quan thường trực của Hội đồng hoàn thiện tiếp thu báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó có hướng chỉ đạo điều hành thời gian tới.
Phó Thủ tướng điểm qua những biến động khó lường, thách thức của kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2022; đồng thời cho biết, ở trong nước, kinh tế vĩ mô phục hồi ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, tăng trưởng kinh tế 6,42% là mức tăng trưởng khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. CPI bình quân 6 tháng tăng 2,44%, mức tăng tương đối thấp so với cùng kỳ các năm trước dịch, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất duy trì hợp lý, hỗ trợ tích cực nhu cầu tín dụng cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thời gian còn lại của năm 2022, dự báo kinh tế thế giới phục hồi chậm lại và có dấu hiệu suy thoái, lạm phát tiếp tục cao ở một số nền kinh tế lớn, xung đột tại Ukraine có thể kéo dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro đến ổn định chính trị khu vực toàn cầu, thị trường tài chính, tiền tệ và quan hệ thương mại quốc tế. Trong nước, tình hình kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn. Tuy nhiên, rủi ro thách thức còn rất lớn, nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, áp lực lạm phát nặng nề, nhất là trong bối cảnh chúng ta tập trung thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
“Việc điều hành chính sách tài chính, tiền tệ những tháng cuối năm cần kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực hiện chính sách tài khóa hợp lý, hiệu quả; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý, các bộ, ngành, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, nhất là lạm phát, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu, vật tư chiến lược, việc điều chỉnh chính sách của Nhà nước như chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, thương mại và đầu tư để chủ động phân tích, đánh giá, kịp thời cập nhật, hoàn thiện các phương án, kịch bản chỉ đạo, điều hành, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế.
“Tình hình thế giới bất ổn, bất định, chúng ta không lường trước được, thì cần phải có phương án, kịch bản dự trù cho thời gian sắp tới để ứng phó cho kịp thời. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng thường xuyên chỉ đạo các bộ, ngành và vừa rồi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm có đặt ra một số kịch bản để chúng ta phấn đấu trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng cho hay.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt các công cụ, chính sách tiền tệ, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa hợp lý và chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ lãi suất thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, khuyến khích các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tiếp tục triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, các mô hình ngân hàng số, đẩy mạnh chuyển đổi trong lĩnh vực ngân hàng.
Đề cập ý kiến của các chuyên gia về hạn mức tín dụng đối với ngân hàng thương mại, Phó Thủ tướng cho rằng, phải đảm bảo ngân hàng thương mại an toàn, có thanh khoản tốt. Nếu điều hành không tốt sẽ dẫn đến yếu kém, thua lỗ. Vấn đề này phải được đánh giá đầy đủ. Một mặt hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhưng mặt khác, cũng cần thận trọng để đảm bảo an toàn hệ thống.
Chỉ đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục triển khai các giải pháp ổn định và phát triển lành mạnh, hiệu quả, an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tiền tệ, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng nhấn mạnh việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Khi thanh tra, kiểm tra, xử lý phải hết sức thận trọng đánh giá tác động.
“Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền phương án điều chỉnh, giảm thuế đối với xăng dầu theo quy định. Nghiên cứu phương án giảm các loại thuế khác để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Xây dựng đề án huy động nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, muốn hỗ trợ để giảm giá thì phải có ngân sách Nhà nước, nếu không có ngân sách thì phải có công cụ thuế. Trong điều kiện hiện nay, việc sử dụng công cụ này phải hết sức thận trọng, phải để dành, tạo dư địa xử lý tình huống khi thật sự khó khăn.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan và địa phương chủ động, tích cực theo dõi sát diễn biến thị trường, nhất là mặt hàng thiết yếu xăng dầu, nguyên vật liệu sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, điều hành giá xăng dầu chủ động, kịp thời, hiệu quả; tìm các nguồn cung xăng dầu có giá trị ưu đãi hơn. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất xăng dầu để bảo đảm sản xuất, tạo nguồn cung và tạo dự trữ trong nước để bình ổn giá.
Các chuyên gia thành viên Hội đồng tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình để có những ý kiến đóng góp giúp cho công tác điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện những mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.