Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghiên cứu chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tuấn Việt| 18/04/2023 12:25

(HNMO) - Sáng 18-4, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội làm việc với Ban Dân tộc thành phố về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2021-2030.

Quang cảnh buổi làm việc của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố với Ban Dân tộc.

Hiện nay, thành phố Hà Nội có 13 xã dân tộc thiểu số, miền núi thuộc khu vực I của 4 huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Quốc Oai và Thạch Thất, với tổng số 118 thôn; 13/13 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới. 

Theo Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 11-11-2021 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 (2021-2025) có 9 nội dung thực hiện để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Tổng mức vốn đầu tư thực hiện 9 nội dung dự kiến là hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản là gần 1.700 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là gần 500 tỷ đồng. 

Nguồn vốn trên để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, du lịch, củng cố và phát triển ngành, nghề truyền thống, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân tộc thiểu số; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số…

Đến nay, thành phố đã bố trí 974,2 tỷ đồng (89 dự án), đã giải ngân đạt trên 92% theo kế hoạch. Các dự án triển khai đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc, thiểu số. Thu nhập bình quân đầu người các xã vùng DTTS&MN đạt trên 50 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm qua các năm; duy trì 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) đạt chuẩn quốc gia đạt gần 70%; công tác bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được quan tâm, đẩy mạnh...

Qua khảo sát, dù có kết quả tích cực, song Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố cho rằng, vẫn còn một số dự án chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp; dự án vướng quy hoạch. Ban đề nghị các huyện kiến nghị cụ thể, nhất là việc điều chỉnh đối với các dự án, đề án, bổ sung vốn, bố trí vốn, đơn giá định mức… 

Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị Ban Dân tộc thành phố, với vai trò là cơ quan thường trực, rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc, đề xuất điều chỉnh dự án bổ sung nguồn lực về cơ chế, chính sách liên quan đến thẩm quyền của HĐND thành phố. Khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chủ trương của thành phố tới toàn xã hội, nhất là cộng đồng doanh nghiệp để quan tâm đầu tư, phát triển cho vùng. 

Đoàn khảo sát một số công trình, dự án cơ sở hạ tầng của xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai.

Các sở, ngành chức năng của thành phố tập trung rà soát các nội dung thuộc lĩnh vực của ngành, cùng với các địa phương triển khai dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả sử dụng vốn, bổ sung nguồn lực địa phương ngoài phần hỗ trợ của thành phố; chủ động nghiên cứu đề xuất, chuyển đổi mô hình, phát triển kinh tế để nâng cao đời sống cho người dân; đặc biệt quan tâm công tác quản lý đất đai, xây dựng ở những khu vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.