(HNMO) – Đó là nội dung Biên bản ghi nhớ được ký kết giữa Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Nguyễn Văn Khôi và ông Tatematsu Shingo - Giám đốc Bộ phận Đông Nam Á 3, Khu vực Đông Nam Á Thái Bình Dương thuộc Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), trong sáng nay 20/4 tại Hà Nội.
Theo đó, nội dung thực hiện của dự án nghiên cứu mô hình hợp tác công tư (PPP) được áp dụng đối với các trạm Xử lý nước thải Bảy Mẫu và Yên Sở.
Công suất xử lý nước thải hiện nay của Thành phố Hà Nội là 48,200 m3/ngày đêm và sẽ tăng lên đến 252,200 m3/ngày đêm trong năm 2012, 2013 và 606,200 m3/ngày đêm trong năm 2016. Với công suất xử lý nước thải ngày càng tăng như vậy, các công tác vận hành và bảo dưỡng cần được quan tâm và hợp lý hóa hơn nữa. Phương pháp khả quan để nâng cao công tác vận hành và bảo dưỡng chính là đưa hệ thống vận hành và bảo dưỡng tập trung vào áp dụng và hệ thống quản lý theo hình thức ký hợp đồng với các công ty, tổ chức chuyên về vận hành và bảo dưỡng. Cả hai bên đều chấp thuận cho phép nghiên cứu hình thức chuyển đổi thực tiễn từ mô hình vận hành và bảo dưỡng truyền thống sang mô hình vận hành và bảo dưỡng tập trung thông qua áp dụng kinh nghiệm từ các công ty, tổ chức vận hành nước ngoài vào trong nghiên cứu này.
Bên cạnh đó, khả năng mở rộng hệ thống xử lý nước thải của Hà Nội cần được cam kết hỗ trợ về mặt tài chính bởi một tổ chức đáng tin cậy cho công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng các trạm xử lý nước thải. Cả hai bên đều chấp thuận cho phép nghiên cứu hệ thống biểu tính phí xử lý nước thải tại Hà Nội và các kế hoạch về tài chính để duy trì dịch vụ xử lý nước thải được lâu dài.
Theo biên bản ghi nhớ, UBND TP Hà Nội thành lập một nhóm đối tác để hỗ trợ cho nghiên cứu này. Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản đã cử một nhóm tư vấn tới Hà Nội vào ngày 23/3/2011 để phục vụ cho nghiên cứu về việc áp dụng mô hình PPP cho các công trình xử lý nước thải tại Hà Nội. Tuy nhiên, công tác của nhóm nghiên cứu không thể hiện bất cứ quyết định nào của JICA về việc gia hạn khoản vay cho dự án tại giai đoạn này.
Thực tế, tại Hà Nội, sự ô nhiễm môi trường nước ngày càng trở nên nghiêm trọng, do quá trình công nghiệp hoá, mật độ dân cư tập trung cao tại các khu đô thị, lượng nước thải tăng, trong khi đó lại không có đủ hệ thống xử lý nước thải. Sự ô nhiễm môi trường nước là do nước thải không được xử lý và bị bơm thẳng ra các sông ngòi.
Trước đây, Chính phủ Nhật Bản đã cung cấp vốn cho vay để thực hiện “Dự án thoát nước Hà Nội để cải thiện môi trường” nhằm phát triển hệ thống thoát nước và cải thiện môi trường. Hơn thế nữa, hiện nay “Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 để cải thiện môi trường” đang được thực hiện để xây dựng các trạm xử lý nước thải và hệ thống xử lý nước thải.
Dự án thoát nước và xử lý nước thải do công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội (HSDC) chịu trách nhiệm quản lý. Hiện nay có một số trạm xử lý nước thải (Kim Liên, Trúc Bạch và Bắc Thăng Long-Vân Trì) đang hoạt động. Tuy nhiên, trong thập kỷ tới sẽ có thêm 4 trạm xử lý nước thải (Bảy Mẫu, Yên Sở, Yên Xá và Phú Đô) sẽ bắt đầu vận hành, do vậy chi phí vận hành và quản lý sẽ tăng lên 1,4 đến 2,0 lần so với ngân sách hàng năm của HSDC.
Trong trường hợp này, điều quan trọng là cần phải phát triển năng lực quản lý của công ty HSDC, do đó việc xây dựng và duy trì các nhà máy xử lý nước thải bằng cách tận dụng nguồn vốn tư nhân của các dự án PPP đối với cơ sở hạ tầng sẽ đem lại hiệu quả.
Với sự phát triển của dịch vụ xử lý nước thải qua nhiều năm, việc đưa ra một mô hình quản lý hệ thống xử lý nước thải ngày càng trở nên quan trọng hơn để duy trì hiệu quả hoạt động của hệ thống, thoả mãn nhu cầu của khách hàng cũng như đảm bảo về mặt tài chính của doanh nghiệp kinh doanh. Để đáp lại, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tiến hành “Hỗ trợ nâng cao công tác Vận hành và Bảo dưỡng các công trình xử lý nước thải tại Hà Nội” trong năm 2010 (Nghiên cứu năm 2010). Nghiên cứu lần này là kế tiếp của “Nghiên cứu hỗ trợ nâng cao công tác Vận hành & Bảo dưỡng các công trình xử lý nước thải tại Hà Nội năm 2010” dựa trên sự đồng thuận của UBND TP Hà Nội và JICA.
Nghiên cứu “Hỗ trợ nâng cao công tác Vận hành & Bảo dưỡng các công trình xử lý nước thải tại Hà Nội năm 2010” (Nghiên cứu 2010) bao gồm những đề xuất cho công tác vận hành và bảo dưỡng các trạm xử lý, chuyển giao kỹ thuật vận hành & bảo dưỡng cho các thành phố khác và lộ trình áp dụng mô hình Hợp tác Công Tư (PPP).
Dựa trên những kết quả đã thảo luận với các cơ quan hữu quan của chính quyền TP Hà Nội, nghiên cứu năm 2010 đã giải thích về những ưu điểm của việc áp dụng mô hình PPP trong công tác vận hành & bảo dưỡng tại các công trình xử lý nước thải hiện có và áp dụng đối với công tác xây dựng, vận hành và bảo dưỡng các trạm xử lý nước thải đang trong kế hoạch. UBND TP Hà Nội đã chấp nhận những kết quả nghiên cứu đó như một tài liệu tham khảo và để tiếp tục thực hiện nghiên cứu cho việc áp dụng mô hình PPP trong công tác vận hành và bảo dưỡng các trạm xử lý nước thải Yên Sở hiện đang xây dựng và Bảy Mẫu hiện đang trong giai đoạn đấu thầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.