(HNM) - Ngày 29-11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), một dự luật thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận thời gian qua khi nó có tác động trực tiếp đến quyền lợi của hầu hết người dân.
Trước đây, trong thực tiễn thi hành Luật Đất đai đã phát sinh nhiều vướng mắc, dẫn đến nhiều bức xúc, nhiều trường hợp gây khiếu kiện kéo dài. Rất nhiều vấn đề cần được tháo gỡ bằng việc sửa đổi luật đã được nhân dân, cử tri góp ý, chuyển tải tới Quốc hội. Qua một quá trình dài chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo đến khi được thông qua, có những vấn đề "nóng" vốn gây nhiều tranh cãi đã đạt được sự thống nhất, giải quyết được một số vướng mắc đặt ra từ thực tiễn. Đặc biệt là vấn đề thu hồi đất và giá bồi thường khi thu hồi đất. Luật mới thông qua, tuy chưa đáp ứng được hết mong muốn của cử tri, cũng chưa giải quyết được trọn vẹn những vấn đề đại biểu đưa ra trong các cuộc thảo luận, nhưng cũng đã làm rõ hơn các vấn đề như loại đất nào, khi nào được thu hồi, ai có quyền được thu hồi…
Dự thảo đã được thông qua thành luật, sẽ có nhiều chính sách, quy trình phải điều chỉnh và đây chính là điều mà người dân quan tâm nhất khi đưa luật vào áp dụng. Cũng sẽ có nhiều điều khoản của luật còn phải chờ hướng dẫn của Chính phủ. Tức là thực tế đang đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải xây dựng các quy định sát với thực tế nhất, hạn chế thấp nhất những vướng mắc đã từng xảy ra. Quy định làm sao để việc thu hồi đất tránh được sự tùy tiện, không để lợi ích nhóm lợi dụng, chi phối… Thực tế nhiều năm qua đã xảy ra không ít vụ việc thu hồi đất, định giá đất đã bị lợi dụng, lạm quyền ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất. Vì thế, khi xây dựng các văn bản dưới luật, hướng dẫn… cần chi tiết hóa về trình tự, thủ tục cưỡng chế áp dụng thống nhất trong cả nước. Đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến quyền và lợi ích của người dân. Phải có những chế tài bảo đảm trật tự, an toàn khi thực hiện quyết định thu hồi đất, bảo đảm tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật.
Một vấn đề nữa, trên thị trường những năm gần đây đã xuất hiện tình trạng "bong bóng", đẩy giá đất lên cao và liên tục biến động khiến cho giá bồi thường cách biệt khá xa so với giá thị trường là nguyên nhân dẫn đến những bức xúc của người dân và tình trạng khiếu nại kéo dài. Luật mới đã ấn định các "nguyên tắc" định giá, nhưng làm thế nào, quy trình thủ tục ra sao để bảo đảm giá đất được bồi thường sát thị trường không phải là chuyện đơn giản trong thực tế. Giải quyết vấn đề thu hồi đất trên cơ sở bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất thì "gốc" vấn đề vẫn là giá bồi thường, chính sách bảo đảm an sinh xã hội, việc làm cho người có đất bị thu hồi.
Về bản chất, không hẳn là các vấn đề này chưa được quy định trong Luật Đất đai trước đây. Hoặc ngay như một số quy định trong Luật Đất đai 2003 không phải khó thực hiện. Nhưng thực tế trước đây chúng ta đã ban hành nhiều quy định sau luật có những kẽ hở, chồng chéo tạo điều kiện cho các hiện tượng lách luật, làm sai luật xâm hại đến lợi ích của nhân dân và nhà nước. Một đạo luật ra đời sẽ tạo ra hành lang pháp lý mang tính định khung về kỷ cương, trong khi thực tiễn lại muôn hình vạn trạng nên việc áp dụng luật vào trong thực tiễn không thể đòi hỏi tuyệt đối hóa. Luật sẽ chỉ đi vào cuộc sống nếu việc thi hành luật bảo đảm hài hòa lợi ích hợp pháp của người dân và lợi ích chung của đất nước…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.