(HNMO) - Tại hội nghị giao ban trực tuyến công tác quý I-2020 của UBND thành phố và giao ban Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội diễn ra sáng 6-4, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, thời gian thực hiện cách ly xã hội chính là "giai đoạn vàng" để các sở, ngành, địa phương chuẩn bị tốt các tiềm lực, đặc biệt là trang thiết bị y tế cho công tác phòng, chống dịch.
Dự hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, các Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng, Lê Hồng Sơn; các Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản. Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn thuộc thành phố dự tại các điểm cầu.
Sau 23 ngày mới phát hiện ca bệnh, tăng cường công tác rà soát.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, trong hai ngày 4 và 5-4, Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc mới. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch mà cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng nỗ lực thực hiện thời gian qua. Tính đến tối ngày 5-4, Việt Nam ghi nhận 241 trường hợp dương tính với Covid-19, trong đó Hà Nội có 96 trường hợp. Hiện đã có 91 trường hợp được điều trị khỏi, chưa có trường hợp tử vong.
Thành phố đã tổ chức giám sát 54.259 trường hợp liên quan đến ca bệnh. Trong đó, F1 là 1.782 trường hợp, đã lấy 1.763 mẫu xét nghiệm. F2 là 10.063 trường hợp, trong đó có 1.986 trường hợp đang được theo dõi.
Riêng đối với Bệnh viện Bạch Mai, đến ngày 5-4, đã rà soát được 25.305 trường hợp, hiện đã lấy mẫu xét nghiệm được 24.123 trường hợp.
Về việc thực hiện xét nghiệm nhanh, Hà Nội đã lấy 8.909 mẫu, trong đó 35 trường hợp cho kết quả dương tính, nhưng sau khi thực hiện xét nghiệm khẳng định PCR đã cho kết quả âm tính.
Mặc dù vậy, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nguyễn Nhật Cảm vẫn lưu ý, từ góc độ chuyên môn dịch tễ, các quận, huyện cần tiếp tục rà soát các trường hợp có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai mà chưa khai báo, cung như khách nước ngoài, người đến từ vùng dịch ở các cơ sở lưu trú. Ông Nguyễn Nhật Cảm đưa ra dẫn chứng về ca bệnh 237 và một trường hợp ở Mê Linh đã đến Bệnh viện Bạch Mai khám từ ngày 12-3 nhưng đến hôm nay, sau 23 ngày mới phát hiện dương tính. "Đây là một bệnh mới, việc phát hiện qua những biểu hiện lâm sàng không thực sự hiệu quả vì nhiều người không có biểu hiện triệu chứng. Vì vậy, công tác rà soát, điều tra tiền sử dịch tễ rất quan trọng, để không sót lọt trường hợp bị nhiễm nhưng cũng tránh được sự lãng phí trong xét nghiệm", ông Nguyễn Nhật Cảm nhấn mạnh
Nguồn cung khẩu trang vải đang thừa, có thể xuất khẩu
Về việc cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa cho nhân dân, thành phố bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu yếu phẩm, ổn định cuộc sống nhân dân. Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cũng khẳng định, Sở đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa từ tháng 2 nên đến nay bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho thị trường.
Về vấn đề khẩu trang, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, đã làm việc với các đơn vị sản xuất khẩu trang y tế để bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Riêng với khẩu trang vải kháng khuẩn, hiện nay, số lượng sản xuất không những đã đủ nguồn dự trữ cho thành phố mà còn đang dư thừa.
"Hiện nay, các đơn vị sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn có thể sản xuất được 7-8 triệu chiếc/tháng. Với nhu cầu tiêu thụ hiện nay, số lượng khẩu trang vải kháng khuẩn đủ dự trữ cho thành phố trong công tác phòng, chống dịch. Sở Công Thương đề nghị thành phố có chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để có thể xuất khẩu được khẩu trang vải kháng khuẩn", Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng đề xuất.
Các địa phương nghiêm túc phòng, chống dịch, tổ chức cách ly xã hội
Tại cuộc họp, các quận, huyện, thị xã cho biết đã làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, thường xuyên rà soát các trường hợp liên quan đến các ca bệnh, tổ chức nghiêm túc cách ly tại cộng đồng, thực hiện test nhanh những trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Ngoài ra, các địa phương đã nhanh chóng triển khai nội dung cách ly xã hội như Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 05/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội. Đồng thời, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 31-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô”.
Trao đổi rõ hơn về việc thực hiện cách ly xã hội, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, đã yêu cầu cán bộ, người lao động thực hiện làm việc tại nhà, chỉ duy trì 25-30% nhân sự làm việc tại trụ sở, chủ yếu để giải quyết những công việc cần thiết, trực tiếp, bảo đảm sự liên thông khi giải quyết thủ tục hành chính. Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức thông tin, từ ngày 1-4, địa phương đã lập 5 chốt kiểm tra, mỗi xã đều có một tổ cơ động kiểm tra và yêu cầu người dân không ra ngoài khi không cần thiết.
Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong thông tin, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện cách ly xã hội, quận đã xử phạt 5 trường hợp tổ chức cho người nước ngoài nghỉ qua đêm nhưng không khai báo tạm trú. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Chí Lực cho hay, sau khi được vận động, đến nay, người dân đã không còn tập thể dục quanh hồ Hoàn Kiếm, 100% cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu đã đóng cửa.
Về vấn đề rà soát, khoanh vùng, cách ly những trường hợp liên quan đến ca bệnh, các địa phương cho biết, đã thường xuyên tổ chức rà soát, xét nghiệm theo đúng tinh thần chỉ đạo của thành phố. Đặc biệt, liên quan đến bệnh nhân số 237 người Thuỵ Điển, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà thông tin, quận đã rà soát được 34 trường hợp, thực hiện khoanh vùng...
"Giai đoạn vàng" để chuẩn bị nguồn lực cho phòng, chống dịch
Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đánh giá, dịch Covid-19 hiện chưa có điểm dừng. Dự báo, dịch sẽ ảnh hưởng lớn đến các vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh trật tự. Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các đơn vị, sở, ngành cần có những hành động cụ thể để hạn chế tác động đến xã hội, địa phương.
Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Đức Chung cũng chỉ rõ, Hà Nội đang có số ca nhiễm lớn nhất cả nước, có nhiều nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Lúc này, việc thực hiện cách ly xã hội đang là việc làm tối ưu nhất để giảm sự lây lan của dịch.
"Thời gian thực hiện cách ly xã hội không phải là để nghỉ ngơi, mà là "giai đoạn vàng" để các đơn vị, sở, ngành chuẩn bị mọi tiềm lực để phòng, chống dịch, đặc biệt là chuẩn bị các trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh", đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Từ những phân tích trên, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc cách ly xã hội theo đúng tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 05/CT-UBND của UBND thành phố; tiếp tục vận động nhân dân hạn chế ra đường khi không cần thiết; dừng hoạt động của tất cả cửa hàng kinh doanh không thiết yếu; tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến, cho phép người lao động làm việc tại nhà...
Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên tại các trụ sở cũng như nhân dân trên địa bàn phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng, thường xuyên rửa tay, giữ khoảng cách với người khác, tiến tới coi đây là hoạt động thường xuyên tại nơi làm việc và nơi công cộng. Với các công trình xây dựng, các địa phương rà soát, có thể cho công nhân làm việc khi bảo đảm điều kiện phòng, chống dịch, như làm việc vào ban đêm, dưới 10 công nhân...
Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Y tế khẩn trương rà soát, bổ sung trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế; tiến hành đấu thầu các gói mua thiết bị y tế ngay trong tháng 4; xây dựng quy trình khám, chữa bệnh, điều tra lịch sử dịch tễ của người bệnh đến khám tại các cơ sở y tế.
Sở Công Thương phải bảo đảm nguồn cung cấp hàng hoá, lương thực, thực phẩm cho nhân dân; bảo đảm dự trữ nguồn cung cấp khẩu trang, tiến tới có thể thành phố sẽ đề xuất với Thủ tướng việc xuất khẩu khẩu trang. Công an thành phố và Bộ Tư lệnh Thủ đô phải bảo đảm an ninh, trật tự...
Liên quan đến vấn đề kiểm soát, cách ly, xét nghiệm, đồng chí Nguyễn Đức Chung yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện kiểm tra, rà soát, xử lý ngay những trường hợp liên quan đến ca bệnh, đặc biệt là những trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, mở rộng việc xét nghiệm. Tới đây, thành phố sẽ mở rộng xét nghiệm khẳng định PCR, tiếp tục tổ chức lấy mẫu đối với những trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, trường hợp liên quan đến ca bệnh số 237 người Thuỵ Điển...
Bên cạnh đó, hiện nay có những ca bệnh có thời gian ủ bệnh lâu, như trường hợp bệnh nhân ở Mê Linh phải 23 ngày sau mới phát hiện, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các địa phương sau khi đưa các trường hợp từ khu cách ly tập trung về thì cần tiếp tục yêu cầu những người này thực hiện nghiêm việc cách ly tại nhà trong 14 ngày.
Ngoài ra, các sở, ngành tiếp tục có chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ các hộ nghèo, người lao động thất nghiệp; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh; biểu dương những "người tốt, việc tốt", các phong trào làm tốt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.