(HNMO) – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, để bảo đảm kinh doanh trái cây trên địa bàn được an toàn, TP Hà Nội phải thực hiện triệt để việc cấm bán hoa quả rong, kinh doanh bán lẻ trên vỉa hè, thay vào đó, các hộ kinh doanh cá thể phải đưa hàng hóa vào trong nhà.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy,Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, để bảo đảm kinh doanh trái cây trên địa bàn được an toàn, TP Hà Nội phải thực hiện triệt để việc cấm bán hoa quả rong, kinh doanh bán lẻ trên vỉa hè, thay vào đó, các hộ kinh doanh cá thể phải đưa hàng hóa vào trong nhà.
UBND TP Hà Nội sẽ nghiêm cấm triệt để việc bán hoa quả ở vỉa hè và bán rong trên đường. |
Thí điểm việc quản lý kinh doanh trái cây trên địa bàn Hà Nội
Trong Phiên họp tập thể UBND TP Hà Nội tháng 5-2017, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng đã trình bày Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội”.
Đề án mà Sở Công Thương chủ trì xây dựng gồm 4 nội dung, trong đó nêu chi tiết về thực trạng hoạt động kinh doanh, điều kiện kinh doanh, các giải pháp (6 nhóm giải pháp), trách nhiệm và đối tượng thực hiện…
Tại cuộc họp, Đề án của Sở Công Thương và ý kiến của lãnh đạo các quận đều khẳng định, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang là chủ đề “nóng”, được người dân quan tâm. Thực tế, việc kinh doanh trái cây trên địa bàn Hà Nội nói riêng còn khá nhỏ lẻ, manh mún. Hiện nay, cơ quan quản lý tạm chia các nhóm đối tượng kinh doanh gồm: Nhóm kinh doanh tại các siêu thị, trung tâm thương mại; nhóm kinh doanh tại các chợ đầu mối và các khu chợ dân sinh; nhóm kinh doanh cá thể trên vỉa hè, bán rong ở lòng đường. Trong đó, nhóm đối tượng thứ 2 và thứ 3 hiện nay đang khó quản lý, đặc biệt là ở phương diện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng. |
Một trong những vấn đề được người dân quan tâm và bức xúc, đó là tình trạng sử dụng chất cấm, thuốc kích thích tăng trưởng ngày càng nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng. Việc quản lý của cơ quan chức năng đang gặp không ít khó khăn.
Đại diện Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố số lượng hoa quả sản xuất được là hơn 30%, còn lại là nhập khẩu. Thực tế cho thấy, có khi việc sản xuất đã bảo đảm an toàn nhưng công tác tiêu thụ lại để xảy ra mất an toàn. Ví dụ như nông dân trồng chuối đã thực hiện sản xuất đúng quy trình nhưng khi các thương lái mua về lại bỏ vào thùng bảo quản không đủ tiêu chuẩn. Sở NN&PTNT đề nghị, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các giải pháp để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và người kinh doanh để nâng cao nhận thức cho người dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng, trước hết, cơ quan quản lý nên thực hiện thí điểm việc chuẩn hóa tại một số cửa hàng bán lẻ, sau đó tổ chức thực hiện đồng loạt ở các quận nội thành. Khi việc thực hiện thí điểm có hiệu quả thì thành phố sẽ ban hành quy định cụ thể về vấn đề này. Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đề xuất thêm, trong đề án của Sở Công Thương nên làm rõ hơn các đối tượng kinh doanh, đặc biệt là đối tượng kinh doanh trên mặt phố, tại các vỉa hè. Đề án cần nêu rõ điều kiện chuẩn mực của một cửa hàng gồm các tiêu chí nào, ví như cơ sở vật chất phải bảo đảm bao nhiêu yếu tố. Cửa hàng nào đã làm tốt cần được cơ quan quản lý khuyến khích để nhân rộng.
Hoa quả phải được bày bán trong nhà
Trong cuộc họp về vấn đề này, lãnh đạo nhiều quận của TP Hà Nội cũng nêu những ý kiến, góp ý về việc quản lý các cửa hàng kinh doanh hoa quả và đề xuất thêm phương án quản lý.
Đại diện các quận Long Biên, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hà Đông đều đồng tình ý kiến cho rằng, hiện nay nhóm đối tượng quản lý khó nhất là những người bán hàng rong, các hộ kinh doanh cá thể ở vỉa hè, trước mắt nên siết chặt quản lý và làm thí điểm ở những đối tượng này.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kết luận tại phiên họp. |
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kết luận, việc quản lý kinh doanh hoa quả trên địa bàn thành phố là vô cùng cần thiết, vì đây là nhu cầu thường xuyên của các gia đình. Tuy nhiên, trong đề án thí điểm cần phải chọn đối tượng triển khai. Nhóm đối tượng cần được quan tâm nhất là các hộ kinh doanh cá thể, các cửa hàng trong tuyến phố, ngõ xóm, tại nhà chung cư.
Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, các địa điểm bán hàng dứt khoát phải được đưa vào trong nhà, không bày bán ra vỉa hè cũng như bán rong trên đường. Trong đề án của Sở Công Thương, phải đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể cho các hộ kinh doanh hoa quả như về cơ sở vật chất phải bảo đảm quầy kệ thông thoáng, cân đong chính xác; người bán hàng phải có sức khỏe, không mắc các bệnh lây truyền nhiễm; hoa quả phải đề rõ nguồn gốc, thời hạn sử dụng…
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đề nghị Sở Công Thương khi hoàn thiện đề án cần đề rõ thời gian triển khai thí điểm; tổ chức lấy ý kiến, tuyên truyền các hộ kinh doanh và giao thời gian thực hiện nhất định. Những hộ kinh doanh làm tốt sẽ được cấp giấy chứng nhận hoa quả sạch. Những đối tượng vi phạm sẽ áp dụng chế tài xử phạt theo quy định. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nôi yêu cầu các sở, ngành liên quan phải quản lý chặt việc kinh doanh, buôn bán hoa quả tại các chợ đầu mối cũng như các chợ dân sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.