Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghịch lý trong đào tạo nghề: thừa thầy, thiếu thợ!

Hà Phong| 06/11/2014 05:48

(HNM) -



Các ý kiến cho rằng, với việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quản lý hệ thống dạy nghề gồm ba trình độ đào tạo sơ cấp nghề, trung cấp và cao đẳng nghề, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quản lý hệ thống trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng hiện nay không chỉ dẫn tới tình trạng phân tán, chồng chéo, chia cắt trong quản lý, chỉ đạo, điều hành chung mà còn lãng phí trong đầu tư, khó khăn trong tổ chức, trùng lắp về ngành nghề đào tạo.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Ảnh: Bảo Lâm


Vòng luẩn quẩn

Tham gia thảo luận, ĐB Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thể hiện cái nhìn khá lạc quan về khả năng dạy nghề và tiềm lực học nghề của người Việt. ĐB Nguyễn Thanh Hải dẫn chứng, tại các cuộc thi tay nghề ASEAN, đoàn Việt Nam đều đạt thành tích rất cao. Gần đây nhất, cuộc thi năm 2014, đoàn Việt Nam giành giải Nhất với 15 huy chương vàng, trong khi Singapore chỉ có 4 huy chương vàng, Thái Lan 3 huy chương vàng. Đây cũng là lần thứ ba đoàn Việt Nam giành giải Nhất toàn đoàn. Đi thi thì đạt kết quả rất cao, song có một nghịch lý là năng suất lao động của người Việt Nam thuộc nhóm thấp trong khu vực, kém người Singapore tới 15 lần và chỉ bằng 2/5 người Thái Lan. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng mấu chốt là dạy nghề chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn; cơ chế, quy chế về tuyển dụng vừa bất hợp lý vừa thiếu. "Có những vị trí trong cơ quan, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước chỉ cần trình độ trung cấp, nhưng quy định tuyển dụng đòi hỏi phải có bằng đại học. Có trường, quy mô thu chi hằng năm khoảng 500 triệu đồng, chỉ cần một kế toán có bằng trung cấp là đủ, nhưng hàng chục người tốt nghiệp đại học nộp đơn xin việc. Điều này khiến người học có tâm lý không yên tâm, luôn muốn học cao hơn để bảo đảm công việc. Người học nghề ngày càng ít, học sinh đổ xô ôn thi đại học" - ĐB Nguyễn Thanh Hải nói.

Đồng tình với quan điểm của ĐB Nguyễn Thanh Hải, các ý kiến phát biểu sau đó đều khẳng định, mục tiêu của giáo dục dạy nghề chưa phù hợp với thực tiễn, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Hiện tượng "dùng dao mổ trâu để thịt gà" ngày càng nhiều, gây lãng phí lớn về thời gian, kinh phí đào tạo cho người học và xã hội mà hiệu quả chưa chắc đã hơn, chưa kể còn gây ra tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ". Do vậy, đào tạo nghề nhằm tăng năng suất lao động là yếu tố mấu chốt trong lần sửa luật này. Bên cạnh đó, việc miễn, giảm học phí cho học sinh các ngành nghề đặc thù, mũi nhọn mà xã hội có nhu cầu nhưng khó tuyển sinh là cần thiết để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, tránh tình trạng thiếu hụt lao động trong các ngành nghề đặc thù, cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. ĐB Trần Thị Hiền (Đoàn Tiền Giang) còn cho rằng: "Cần có cơ chế gắn kết thị trường với cơ sở đào tạo từ phương án tuyển sinh tới các chương trình học nghề".

Thể hiện quan điểm nhất quán là vậy, song giao cho Bộ LĐ-TB&XH hay Bộ GD-ĐT quản lý việc giáo dục nghề nghiệp lại đang có hai luồng ý kiến khác nhau.

Bộ nào quản lý tốt hơn?

GS-TS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định, giáo dục nghề nghiệp hiện đang bị phân tách thành hai bộ phận do hai bộ thực hiện quản lý nhà nước. Điều này không chỉ dẫn tới tình trạng phân tán, chồng chéo, chia cắt trong quản lý, chỉ đạo, điều hành chung; dàn trải, lãng phí trong đầu tư, phân bổ nguồn lực mà còn gây khó khăn trong tổ chức thực hiện đào tạo; trùng lắp về ngành nghề đào tạo. Sự khác biệt trong xây dựng chương trình đào tạo của mỗi bộ còn dẫn tới khó khăn trong liên thông, công nhận kết quả học tập giữa các trình độ; vướng mắc trong việc chuẩn hóa các trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân để phù hợp với thông lệ quốc tế. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định giáo dục nghề nghiệp sẽ gồm 3 trình độ: Sơ cấp, trung cấp và cao đẳng; giao cho Bộ LĐ-TB&XH làm đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, nhằm xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả thi hành luật. "Sau khi chuyển trình độ cao đẳng về bậc giáo dục nghề nghiệp để hợp nhất với trình độ cao đẳng nghề thì bậc giáo dục đại học sẽ không còn trình độ đào tạo cao đẳng", GS-TS Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

Dù vậy, ĐB Trần Minh Diệu (Đoàn Quảng Bình) đề nghị Bộ LĐ-TB&XH chỉ nên thực hiện trách nhiệm cơ quan chủ quản đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của mình, còn quản lý nhà nước phải do Bộ GD-ĐT. Đây cũng là quan điểm của ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Đoàn Yên Bái), ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang). "Thời gian qua diễn ra tình trạng thừa thầy, thiếu thợ là do chưa có sự phối hợp giữa hai bộ này. Quản lý yếu kém là do con người. Cần thiết thì Chính phủ phải tái cơ cấu bộ máy của Bộ GD-ĐT để quản lý tốt hơn chứ không nên "cắt" quản lý nhà nước trong GD-ĐT, sẽ đẻ thêm bộ máy quản lý, trong khi Bộ GD-ĐT đã có bộ máy này từ lâu. Đây là vấn đề lớn, quan trọng, không nên vội vàng quyết định, cần lấy ý kiến ĐBQH bằng phiếu" - ĐB Nguyễn Thị Kim Bé đề xuất.

ĐB Nguyễn Trung Thu (Đoàn Long An):
Giáo dục nghề nghiệp đang đi theo hai hướng khác nhau

Phân công trách nhiệm giáo dục nghề nghiệp như hiện nay chưa hợp lý, bị chia đôi và đi theo hai hướng khác nhau là dạy nghề và giáo dục chuyên nghiệp. Tôi ủng hộ phương án thống nhất một cơ quan đầu mối để khắc phục sự chồng chéo. Chính phủ nên nghiên cứu, đánh giá, bộ nào làm tốt thì giao cho bộ đó.

ĐB Cù Thị Hậu (Đoàn Hưng Yên):
Giao Bộ LĐ-TB&XH là hợp lý nhất

Tôi lại cho rằng, giao cho Bộ LĐ-TB&XH là hợp lý. Vì, thực tế cho thấy từ khi giao cho bộ này quản lý thì chất lượng dạy nghề đã tốt lên. Hệ thống dạy nghề đang đổi mới khá mạnh mẽ, chú trọng chất lượng cao, theo yêu cầu thị trường, đa dạng đào tạo, từng bước khắc phục tình trạng mất cân đối giữa dạy nghề và tuyển dụng.


Bách Sen
ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghịch lý trong đào tạo nghề: thừa thầy, thiếu thợ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.