(HNM) - Hiện nay trên địa bàn TP, nhu cầu tìm người giúp việc nhà rất lớn nhưng nghịch lý là nguồn cung vẫn chỉ đáp ứng một phần nhỏ và đa số đối tượng lao động này chỉ muốn làm theo giờ.
Đã gần 12h trưa, dưới cái nắng gắt như đổ lửa nhưng bà Hồ Đặng Hồng Châu (ngụ phường 10, quận Tân Bình) vẫn quyết "bám trụ" lại Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP (quận 1) mong tìm được người từ 22 đến 30 tuổi, có kinh nghiệm trong việc giữ em bé và giúp việc nhà. Bà Châu cho hay "sẵn sàng trả cho người giúp việc 4 triệu đồng/tháng, nếu làm tốt sẽ có thưởng thêm, bao ăn ở… nhưng phỏng vấn gần 20 người vẫn chưa tìm được người phù hợp".
Nhiều gia chủ đến tìm người giúp việc nhưng vẫn phải thất vọng ra về.
Anh Trần Đức Long, ngụ đường Phạm Thế Hiển, quận 8, cho hay, hai vợ chồng đều đi làm suốt ngày, trong khi 2 con nhỏ đều dưới 4 tuổi, rất cần người giúp việc. Nhưng hai năm nay đã đổi tới 5 "ô-sin" mà vẫn chưa tới đâu, đa số đều làm mất lòng tin. Gần 3 tháng nay không có "ô sin" nên mọi công việc bị đảo lộn, vợ chồng đôi lúc to tiếng với nhau, không khí gia đình luôn căng thẳng. "Nhờ bà nội ở Thái Bình vào giữ cháu nhưng chỉ được vài hôm là bà mệt do tuổi đã cao. Phương án hay nhất bây giờ là tìm người ở quê nhưng khó hơn "lên trời"… Chúng tôi sẵn sàng trả lương cao và cam kết sẽ tăng lương nếu làm tốt, thậm chí thưởng thêm tháng 13 nhưng mãi không tìm được người ưng ý!" - Anh Long nói.
Điều nghịch lý, khi nhiều gia chủ cần "ô sin" làm việc cả ngày mà không kiếm ra người thì nhiều lao động giúp việc lại thất nghiệp bởi chỉ muốn làm theo giờ. Tại Trung tâm giới thiệu việc làm TP (quận Bình Thạnh), sau một hồi đọc các thông tin tuyển dụng, chị Nguyễn Hồng Nga (ngụ tại quận 12) thở dài cho biết, chồng chạy xe ôm, bản thân chị bán vé số. Hiện chị đi giúp việc nhà theo giờ để có thêm thu nhập nuôi 3 đứa con đang ăn học nhưng gia chủ có nhu cầu làm việc theo giờ rất ít. Huỳnh Thị Tố Nga, sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH KHXH-NV TP cũng chia sẻ, gia đình ở quê làm nông nghiệp nên số tiền bố mẹ gửi không đủ chi tiêu ăn học, vì vậy Nga muốn tìm việc làm theo giờ, nhưng đã hơn 1 tháng nay, 4 lần lên trung tâm giới thiệu việc làm đều không tìm được gia đình có nhu cầu.
Trung bình mỗi ngày, Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP tiếp nhận hồ sơ của 150 gia đình, cá nhân cần lao động giúp việc nhà, phần lớn mong muốn "ô sin" làm việc cả ngày và lâu dài. Nghịch lý ở chỗ, có tới 120 người lao động đăng ký làm giúp việc theo giờ, chiếm tới 80% nhu cầu, trong số đó sinh viên chiếm hơn 60%.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP, nhu cầu người giúp việc nhà trên địa bàn TP hiện dao động khoảng 10 nghìn người/năm. Nhưng chính một phần bởi nghịch lý trên, mà theo như ông Trần Văn Sang (Phó Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và tìm việc làm thanh niên TP) khẳng định thì nguồn cung "ô sin" chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.