Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghịch lý tiêu thụ nông sản

Sơn Tùng| 08/06/2016 07:20

(HNM) - Hà Nội là thị trường tiêu thụ nông sản lớn, tuy nhiên, có một nghịch lý là các loại nông sản của nông dân ngoại thành đang lép vế so với nhiều tỉnh, thành phố. Để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã sản xuất nông sản an toàn tiếp cận các kênh phân phối, ngày 7-6, tại huyện Phúc Thọ, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức hội thảo

Chăm sóc rau sạch tại xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm). Ảnh: Khánh Nguyên


Ông Nguyễn Hưng Thỉnh ở Cụm 5, xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ tham gia mô hình điểm chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học cho biết, chăn nuôi an toàn sinh học có nhiều ưu điểm vượt trội, thân thiện với môi trường, chất lượng thực phẩm thơm ngon được người tiêu dùng đánh giá cao. Tuy nhiên, do thời gian chăn nuôi kéo dài nên giá thành cao hơn sản phẩm chăn nuôi công nghiệp 10.000-20.000 đồng/kg nên nếu không tạo được niềm tin, người tiêu dùng không dễ tiếp nhận. Trong khi đó, việc hỗ trợ cho sản xuất nông sản an toàn chưa có chính sách khuyến khích cụ thể, có lợi trực tiếp cho người sản xuất, đơn cử như chăn nuôi công nghiệp được các DN cho phép trả chậm thức ăn chăn nuôi, trong khi chăn nuôi sinh học, thức ăn đắt và không được trả chậm khiến người nuôi khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Đa (Phúc Thọ) trăn trở: Mỗi ngày vào chính vụ Thanh Đa xuất ra thị trường 8-10 tấn rau các loại. Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành và sự giám sát của cộng đồng, sản phẩm rau của xã qua nhiều lần kiểm nghiệm đều đạt chất lượng an toàn. Tuy nhiên, rau an toàn Thanh Đa vẫn chủ yếu tiêu thụ tại các chợ đầu mối hoặc bán cho các thương lái, tỷ lệ vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích rất ít. "Rau an toàn Thanh Đa sản xuất có nguồn gốc rõ ràng nhưng đến khâu phân phối trên thị trường thì "mất" nguồn gốc" - ông Mạnh nói.

Theo bà Nguyễn Thị Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), một trong những hạn chế lớn nhất khiến nông sản an toàn có nguồn gốc của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung chưa đến được người tiêu dùng là do khâu tuyên truyền quá yếu. DN tiêu thụ thì không biết tìm mua nông sản sạch ở đâu, người sản xuất thì loay hoay tìm đường tiêu thụ, người tiêu dùng mất niềm tin do luôn thường trực tâm lý hoài nghi. Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho rằng: Muốn giải quyết những nghịch lý trên phải làm tốt việc liên kết "bốn nhà". Tuy nhiên, thời gian qua, các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn vẫn "mạnh ai người đó làm" nên sự kết nối giữa nông dân và DN phân phối khó khăn; sản phẩm có tính cạnh tranh thấp. Mặt khác công nghệ và cơ sở hạ tầng phục vụ sơ chế, bảo quản nông sản còn yếu, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa đơn vị sản xuất với DN phân phối khiến đầu ra cho sản phẩm khó khăn.

Để nông sản an toàn đến được với người tiêu dùng đúng với giá trị thực và đứng vững trên thị trường Thủ đô là vấn đề quan trọng cần làm ngay đối với ngành nông nghiệp Hà Nội và các cơ quan liên quan. Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, chất kết "dính" giữa DN và nông dân, HTX sản xuất nông sản an toàn chính là việc đặt lợi ích của nông dân song hành cùng lợi ích của DN phân phối. Đó cũng là cách làm hiệu quả nhất để nông dân gắn bó lâu dài với DN.

Tại hội thảo đã có hàng trăm liên kết bao tiêu, tiêu thụ nông sản cũng như đặt hàng sản xuất được thực hiện. Các loại nông sản có giá trị của khu vực phía tây Hà Nội như chuối Vân Nam, rau an toàn Thanh Đa, măng tây xanh Phúc Thọ; nấm linh chi Thạch Thất; chè sạch Ba Vì... đã được các đơn vị bao tiêu sản phẩm lựa chọn. Đây là một tín hiệu tốt để Hà Nội đưa nông sản vào sâu thị trường nội đô cũng như tiến tới xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh. Trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ kết nối cung - cầu giữa người sản xuất và nhà phân phối nhằm giúp người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn nông sản an toàn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghịch lý tiêu thụ nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.