(HNM) - Thời điểm cuối năm, hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều
Người lao động tìm hiểu thông tin tại các phiên giao dịch việc làm. Ảnh: Thái Hiền |
Doanh nghiệp lận đận
Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp cuối năm các DN lại "ngược dòng" tìm kiếm LĐ qua các trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL), cũng như đăng thông báo tuyển dụng trực tiếp. Một số DN còn tìm LĐ thông qua các cán bộ phường, xã, hội phụ nữ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia LĐ, dù có săn tìm bằng mọi cách nhưng dịp cuối năm DN vẫn "khát" LĐ. Tại các phiên giao dịch của TTDVVL Hà Nội (2 phiên/tuần), số LĐ đến tham gia tuyển dụng giảm nhiều so với các phiên giao dịch trước đó khiến các nhà tuyển dụng như "ngồi trên lửa". Đại diện Công ty Shinsung Vina (DN Hàn Quốc) cho biết, tại phiên giao dịch việc làm mới đây nhu cầu của công ty tìm hơn 20 nhân viên kỹ thuật và phiên dịch, lương từ 8 đến 12 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, số LĐ đến đăng ký phỏng vấn chưa đến 10 người. Hay như Công ty Samsung Display Vietnam đã phải bắt đầu tuyển dụng LĐ tại các phiên giao dịch từ cuối tháng 11-2016. Bà Nguyễn Mỹ Hạnh, Phó phòng phụ trách tuyển dụng Công ty Samsung Display Vietnam cho biết, ngoài 20 LĐ kỹ thuật, đơn vị này còn có nhu cầu tuyển dụng hơn 20.000 LĐ làm việc trên toàn quốc với mức lương trung bình 5 triệu đồng nên ngoài các phiên giao dịch, công ty đăng thông báo rộng rãi để tìm nguồn cung. Tuy vậy, kết quả vẫn không được như mong đợi.
Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc TTDVVL Hà Nội, mỗi phiên giao dịch có khoảng 20 DN tuyển dụng, nhu cầu cần 300 ứng viên cho các vị trí LĐ phổ thông, công nhân, nhân viên marketing, bán hàng... Mức lương bình quân mà các DN đưa ra thấp nhất là 4 triệu, cao có thể lên tới 12 triệu đồng/tháng. Đây là điểm mới trong năm khi mà hầu hết các phiên giao dịch việc làm đều thể hiện nhu cầu của DN lớn hơn nhiều. Cũng theo đánh giá của bà Liễu, nhu cầu tuyển LĐ là có thật chứ không phải thông tin ảo. Tuy nhiên, số LĐ đến tìm việc làm lại không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Trong khi đó, số LĐ đăng ký thất nghiệp tại TTDVVL Hà Nội tháng 12-2016 lại tăng hơn các tháng trước. Đây được xem là một nghịch lý cung - cầu ở thời điểm hiện tại.
Mất cân đối cung - cầu
Thật lạ khi DN tất tả tìm kiếm LĐ thì người LĐ lại tỏ ra thờ ơ. Theo nhiều LĐ, nguyên nhân là do mức lương DN đưa ra chưa tương xứng với nhu cầu sống tối thiểu của họ. Vì vậy họ chấp nhận làm các công việc buôn bán, việc làm phi chính thức để bảo đảm kế sinh nhai. Như trường hợp anh Lương Bá Thám, quê ở Nghệ An ra Hà Nội lập nghiệp, muốn tìm việc mức lương 10 triệu đồng thì mới có thể trang trải tiền thuê nhà, sinh hoạt và tiết kiệm gửi về gia đình.
Cũng có trường hợp như chị Ngô Thị Điểm, ở Hà Nội, đang làm việc shipper (chuyển hàng thuê) cho các cửa hàng thời trang, gia dụng... (thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày) nhưng chị vẫn tranh thủ đến tìm việc làm ở phiên giao dịch hằng tuần ở TTDVVL Hà Nội với hy vọng có mức lương cao, ổn định. Tuy nhiên, chị cho biết có tìm được vài DN với mức lương phù hợp thì họ lại có trụ sở làm việc ở Bắc Ninh hoặc Phú Thọ, khiến chị phải cân nhắc vì xa nhà.
Theo đánh giá của các chuyên gia LĐ, sở dĩ có sự mất cân đối cung - cầu theo chiều hướng ngược với các năm trước là do các DN đã ổn định sản xuất, kinh doanh, chế độ đãi ngộ với người LĐ cũng vì thế tăng lên. Nhiều DN tìm cách giữ chân LĐ đặc biệt là dịp cuối năm. Hơn nữa, các đơn hàng ngày càng gia tăng nên nhu cầu tuyển LĐ phổ thông, LĐ thời vụ cũng lớn hơn. Trong khi đó, các làng nghề, cơ sở sản xuất ở khu vực ngoại thành đang cần LĐ để sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết, các DN dịch vụ cần nhân viên bán hàng, marketing, chăm sóc khách hàng...
Rõ ràng, sự khan hiếm nguồn LĐ khiến các DN rơi vào tình trạng "khát" cục bộ, mất cân đối cung cầu lại tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, theo đánh giá của TTDVVL Hà Nội thì việc người LĐ ít đến phiên giao dịch là do mỗi tuần có 2 phiên giao dịch việc làm vào thứ ba, thứ năm hằng tuần. Hơn nữa, còn nhiều phiên giao dịch lồng ghép, chuyên đề nên số LĐ có việc làm đã tương đối ổn định. Vì vậy, để chủ động cho nguồn nhân lực cuối năm, các DN cần có kế hoạch trong dài hạn, không nên để "nước đến chân mới nhảy", gây khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh dịp cuối năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.