Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghịch lý lãi suất thấp, doanh nghiệp vẫn ngại vay vốn?

Đức Anh| 06/06/2013 06:59

(HNM) - Lãi suất cho vay đã giảm mạnh khi không ít khoản vay ưu đãi chỉ chịu mức lãi suất 7-8,5%/năm, giảm 1/3 so với thời điểm lãi suất ở mức 23-24%/năm. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn đến nay vẫn hạn chế.


Theo các chuyên gia, vấn đề hiện nay không phải là lãi suất, bởi lãi suất có giảm nữa cũng không có nhiều DN vay. Việc cần làm hiện nay là tìm được đầu ra cho sản phẩm, giải quyết lượng hàng tồn kho, giảm nợ xấu…

Các doanh nghiệp cần những chính sách kích cầu cụ thể để giải phóng hàng tồn kho, tái đầu tư sản xuất kinh doanh . Ảnh: Hải Anh



Có thời điểm, bất chấp lãi suất cho vay lên đến 23-24%/năm, DN vẫn tìm mọi cách để vay được vốn, vì khi đó bức tranh của nền kinh tế trong nước cũng như toàn cầu còn sáng sủa. DN ký được nhiều hợp đồng với đối tác, đầu ra của nguồn hàng ổn định nên ngay cả khi lãi suất cao, DN vẫn có thể chấp nhận. Cách đây chừng một năm, lãi suất 15%/năm là "giấc mơ" của khá nhiều DN, vì thời điểm đó, các ngân hàng chỉ có thể kéo lãi suất xuống 17-18%/năm. Nhưng bối cảnh hiện nay lại khác, lãi suất liên tục giảm, ngân hàng vẫn phải loay hoay tìm đầu ra do hầu hết DN thờ ơ với việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên ở mức 8-10%/năm và đối tượng khác là 9-12%/năm. DN có "sức khỏe" tốt còn được ngân hàng đưa ra mức lãi suất 7-8,5%/năm. Với các khoản vay cũ, lãi suất cũng được kéo xuống dưới ngưỡng 13%/năm. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ có lãi suất hơn 15%/năm chiếm 14,7% tổng dư nợ, giảm mạnh so với mức 65,7% của năm 2012. Như vậy, mặt bằng lãi suất đã trở về giai đoạn 2005-2007.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại không thiếu vốn. Lạm phát đã được kiềm chế ở mức thấp nên các ngân hàng có điều kiện để hạ lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay. Cùng với đó, các ngân hàng cũng triển khai nhiều gói cho vay ưu đãi lãi suất để thu hút DN. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay không còn ở câu chuyện lãi suất, vì lãi suất có tiếp tục hạ, DN cũng không ngó ngàng tới. Khó khăn của DN hiện tập trung vào vấn đề hàng tồn kho và DN không có điều kiện để tiếp tục sản xuất nên không có nhu cầu vay vốn ngân hàng.

Nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng có chung nhận định, cách đây vài năm, lãi suất cho vay cao nhất tới 25%/năm, nhưng DN vẫn chấp nhận vay vì kinh doanh có lãi. Hiện nay, lãi suất đã giảm mạnh nhưng DN vẫn không vay. Điều này có nghĩa là vốn ngân hàng bị "ế" không phải do lãi suất, mà do chính thị trường. Một thời gian dài ngân hàng đã thu lợi lớn từ DN nên bây giờ phải có cơ chế phân phối lợi nhuận ra để cứu DN. Tuy nhiên, nếu giảm lãi suất quá sâu sẽ có hệ lụy là bẫy thanh khoản rình rập các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD/VND chắc chắn sẽ tăng vì tiền gửi VND dịch chuyển sang USD, hoặc người dân sẽ rút tiền mua vàng, chứng khoán, bất động sản... trong khi các DN thiếu vốn và mong muốn lãi vay vẫn giảm thêm nữa. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn trên, để ngân hàng không từ chối người gửi tiền vì lãi suất tiền gửi quá thấp, nhưng vẫn mời được khách hàng vay đến ngân hàng với lãi suất cho vay chấp nhận được?

Đại diện một số DN cũng thừa nhận, đây là thời kỳ khó khăn với họ. Hàng tồn kho còn nhiều, trong khi đầu ra không có khiến DN rơi vào tình trạng "chết lâm sàng", không giải phóng được nguồn hàng để có thêm vốn tiếp tục sản xuất kinh doanh và đương nhiên là không dám vay vốn. Ngay cả với những DN chuyên sản xuất các mặt hàng xuất khẩu cũng giảm doanh thu vì không nhận được đơn đặt hàng từ đối tác nước ngoài. Nền kinh tế đang rơi vào cảnh trì trệ được coi là một trong những nguyên nhân chính khiến DN không dám vay vốn chứ không phải lãi suất. Hơn lúc nào hết, DN vẫn cần những chính sách kích cầu cụ thể, để hàng tồn kho được giải phóng, từ đó DN thoát khỏi khó khăn và ngân hàng cũng có cơ hội đưa nguồn vốn đến DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghịch lý lãi suất thấp, doanh nghiệp vẫn ngại vay vốn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.