(HNM) - Nhiều DN trên địa bàn TPHCM cần tuyển dụng lao động có trình độ, chuyên môn cao nhưng thực tế người tìm việc chủ yếu là SV mới tốt nghiệp, thiếu kỹ năng thực tế dẫn đến nghịch lý cung - cầu.
Công nhân Công ty Yujin Kreves Vina (KCX Linh Trung) trong giờ làm việc. |
Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh đã khảo sát thông tin tuyển dụng thường xuyên hơn 9.000 doanh nghiệp với khoảng 93.000 chỗ làm việc trống; gần 41.000 người lao động có nhu cầu tìm việc. Qua phân tích, TP Hồ Chí Minh vẫn thiếu lao động lành nghề và nhân lực chất lượng cao như tài chính - ngân hàng, quản lý, xây dựng, kỹ thuật... Nhiều doanh nghiệp chú trọng tuyển lao động có kỹ năng, trình độ chuyên môn cao, nhưng khó khăn vì nhân lực chưa thực sự phù hợp với yêu cầu về kỹ năng, chất lượng làm việc. Qua khảo sát của các chuyên gia lĩnh vực lao động, việc làm và phản ánh của các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, người tìm việc hiện nay chủ yếu là sinh viên mới tốt nghiệp (chiếm trên 60%), đa số thiếu kỹ năng thực tế và mong muốn mức lương từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập trên và chưa có kinh nghiệm, nhiều doanh nghiệp dè dặt tuyển dụng vì "ngại" đào tạo lại.
Dự báo, 6 tháng cuối năm, trên địa bàn TP cần 130.000 lao động. Trong đó, lao động phổ thông, sơ cấp nghề, công nhân kỹ thuật lành nghề là 45%, trình độ trung cấp 30%, trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học 25%. Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở một số ngành như: Nhân viên kinh doanh, bán hàng, dịch vụ, du lịch, vận tải, xuất nhập khẩu, cơ khí, điện tử. |
Một nghịch lý nữa là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông nhưng thiếu nguồn, trong khi đó nhiều lao động phổ thông khó kiếm việc. Nguyên nhân là đa số thanh niên đang học nghề, hoặc muốn nâng cao tay nghề để tăng thu nhập, không muốn tìm việc phổ thông. Thêm nữa, các tỉnh cũng đang phát triển các khu, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, người lao động muốn làm việc tại quê hương để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, do tình hình kinh tế khó khăn, lương của lao động phổ thông thấp cũng khiến nhiều lao động đang làm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chuyển sang một số lĩnh vực khác, hoặc lựa chọn công việc tự do...
Hiện tại nhu cầu nhân lực tại TP Hồ Chí Minh đang có xu hướng giảm về số lượng, nâng cao về yêu cầu tuyển dụng chuyên môn kết hợp kỹ năng, ngoại ngữ. Vì vậy, tình trạng sinh viên ra trường khó tìm ngay được việc làm hoặc làm trái ngành nghề đã được đào tạo sẽ còn diễn ra trong 6 tháng cuối năm.
Theo ông Trần Tuấn Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, để giải quyết tình trạng khó tuyển lao động phổ thông, trước mắt UBND TP cần nâng cao năng lực của các trung tâm giới thiệu việc làm, đa dạng hóa hoạt động dịch vụ việc làm đáp ứng nhu cầu của người lao động. Các trung tâm giới thiệu việc làm nên xây dựng hệ thống theo dõi, cập nhật tình hình thị trường lao động (tình trạng lao động thôi việc, mất việc làm, di chuyển chỗ làm việc), từ đó mới đào tạo ngắn hạn, giới thiệu việc làm phù hợp với cung - cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.