Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghĩa vụ tăng, quyền lợi cũng phải tương xứng

Thu Trang| 03/04/2014 06:23

(HNM) - Ngày 2-4, tại hội thảo nhằm lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội, nhiều vấn đề được bàn luận sôi nổi, như có nên quy định BHYT bắt buộc, quyền lợi của người tham gia và sử dụng Quỹ BHYT như thế nào… Dự kiến, dự thảo nói trên sẽ được hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp vào tháng 5 tới.


Hướng tới BHYT bắt buộc

Từ thực tiễn triển khai thực hiện Luật BHYT thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho rằng, hiện đang có tình trạng bao cấp ngược, nghĩa là chỉ người ốm mới mua BHYT và Quỹ BHYT trở thành quỹ của người ốm, mất đi khả năng chia sẻ rủi ro. Do đó, vấn đề đáng bàn là có nên đưa quy định BHYT bắt buộc vào luật hay vẫn thực hiện theo hình thức tự nguyện như hiện nay?

Bệnh viện Bạch Mai luôn trong tình trạng quá tải một phần do việc chuyển viện tự do từ tuyến cơ sở lên tuyến trung ương. Ảnh: Như Ý



Theo ông Takeshi Kasai, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, trên thế giới chưa có một quốc gia nào bằng con đường tự nguyện mà thực hiện được mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân. Do vậy, nên quy định BHYT bắt buộc, chi trả theo nhu cầu bệnh tật, không phụ thuộc vào số tiền đã đóng hay thời gian tham gia BHYT. "Nếu không thay đổi quan điểm và giải pháp thực hiện thì không thể trông chờ tỷ lệ tham gia BHYT tốt hơn hiện nay. Vì vậy, cần thống nhất quan điểm đóng phí BHYT như đóng thuế, vì mục đích chăm sóc sức khỏe. Việc thanh tra, xử lý hành vi trốn đóng phí BHYT cần được thực hiện như với hành vi trốn thuế", ông Takeshi Kasai nhấn mạnh.

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) lý giải: Nếu không quy định BHYT bắt buộc thì sẽ có nhiều nhóm đối tượng, nhất là những người khỏe mạnh, có thu nhập cao sẽ không tham gia. Điều đó sẽ gây ra sự mất cân đối của quỹ, ảnh hưởng đến tính hiệu quả bền vững của BHYT. "Chế tài xử phạt những người không tham gia BHYT không phải là bỏ tù, mà sẽ giải quyết bằng cơ chế tài chính. Đó là việc khám chữa bệnh sẽ được áp theo hai mức giá dịch vụ khác nhau, một giá dành cho khám chữa bệnh BHYT, một giá dành cho dịch vụ. Nếu không tham gia BHYT thì người bệnh sẽ phải trả giá dịch vụ cao hơn rất nhiều", bà Tống Thị Song Hương nêu quan điểm.

Cùng với ràng buộc trách nhiệm, dự thảo sửa đổi Luật BHYT đề xuất tăng thêm một số quyền lợi cho người tham gia BHYT. Cụ thể, người bị tai nạn giao thông sẽ được thanh toán viện phí mà không cần phải xem xét người đó có vi phạm trong quá trình tham gia giao thông hay không; trẻ dưới 6 tuổi sẽ được thanh toán 100% viện phí khi phẫu thuật chỉnh thị mắt lác và các tật khúc xạ; người nghèo, người dân tộc thiểu số cũng được thanh toán 100%; đối tượng hộ cận nghèo được hưởng mức BHYT 95%... Bên cạnh đó, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục và có số tiền chi trả khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ bản sẽ được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh thay vì 80% như hiện nay.

Theo đề xuất của Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên, để tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT thì chính quyền địa phương cần phải đẩy mạnh công tác vận động, thuyết phục. Để làm được điều đó, BHYT cần đưa ra quy định và điều kiện cụ thể, chẳng hạn như tỉnh nào bội chi Quỹ BHYT thì phải lấy ngân sách địa phương bù vào. Tỉnh nào kết dư quỹ thì sẽ được trích phần trăm cho ngân sách của tỉnh. Như thế mới khuyến khích các tỉnh tích cực vận động người dân tham gia BHYT.

Hạn chế vượt tuyến, chống quá tải

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, sau 4 năm thực hiện Luật BHYT thanh toán cho bệnh nhân trái tuyến, tình trạng khám chữa bệnh vượt tuyến tăng nhanh, từ 3 triệu lượt trong năm 2010 lên mức 9,5 triệu lượt vào năm 2011 và lên 11,6 triệu lượt vào năm 2012. Nguyên nhân là do nhiều người bệnh nhẹ đổ xô lên tuyến trên để khám chữa bệnh, khiến bệnh viện quá tải.

Bà Tống Thị Song Hương cho rằng, việc điều chỉnh Luật BHYT được thực hiện đồng thời với các đề án của Bộ Y tế, trong đó có đề án giảm tải bệnh viện. Vì vậy, dự thảo luật lần này sẽ thu hẹp quyền lợi của bệnh nhân vượt tuyến, trái tuyến. Theo quy định hiện hành, bệnh nhân nội trú khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến thì được thanh toán 30% ở tuyến trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 70% ở tuyến huyện; bệnh nhân ngoại trú cũng được thanh toán 30% ở tuyến trung ương. Thực tế cho thấy, tình trạng bệnh nhân khám chữa bệnh ngoại trú đang là gánh nặng cho các bệnh viện tuyến trên, gây áp lực quá tải rất lớn. Vì vậy, điểm mới nổi bật trong Dự thảo sửa đổi Luật BHYT là giảm mức thanh toán cho bệnh nhân ngoại trú xuống chỉ còn 20% thay vì 30% như hiện hành. Mặt khác, nội dung dự thảo cũng đưa ra phương án không thanh toán với trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến.

Thực tế cho thấy cần có giải pháp quyết liệt nhằm hạn chế tối đa tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cũng cần đồng thời đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực của tuyến y tế cơ sở, có giải pháp khả thi, đồng bộ để thực hiện mục tiêu này nhằm tránh gây thiệt thòi cho người bệnh, tạo dựng niềm tin cho họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghĩa vụ tăng, quyền lợi cũng phải tương xứng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.