(HNMO) - Trong những ngày cả nước kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), khu vực ngoại thành Hà Nội có nhiều hoạt động tri ân, khắp làng quê rộn ràng với phong trào xây nhà tình nghĩa, khám sức khỏe cho người có công, tu sửa nghĩa trang, liệt sĩ…
Chăm lo “đền ơn, đáp nghĩa”
Những ngày này, gia đình ông Khuất Văn Trọng ở thôn Thanh Câu, xã Lại Thượng (huyện Thạch Thất) tất bật hoàn thiện ngôi nhà mới. Ngôi nhà cấp 4 có kiến trúc khá đẹp với 2 gian ngoài, 1 gian buồng, kết hợp bếp, sân, vườn... theo kiến trúc truyền thống của vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Bên ấm trà, ông Trọng cho biết, ngôi nhà cũ xây dựng từ năm 1974 đã xuống cấp. Mới đây, gia đình xây lại ngôi nhà mới khang trang hơn, tổng kinh phí khoảng 165 triệu đồng, trong đó, huyện Thạch Thất trích Quỹ đền ơn, đáp nghĩa của huyện hỗ trợ gia đình 30 triệu đồng. Các hội, đoàn thể, họ hàng, làng xóm cũng giúp đỡ gia đình nhiều ngày công tháo dỡ nhà cũ, xây nhà mới nên tiết kiệm được chi phí xây dựng...
Chị Vũ Thị Thu Thảo, cán bộ xã Lại Thượng cho biết thêm: Ông Khuất Văn Trọng tham gia quân ngũ từ năm 17 tuổi, chiến đấu tại nhiều chiến trường: Kom Tum, Đà Nẵng... Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông tiếp tục được đơn vị phân công ra đảo Trường Sa Lớn làm nhiệm vụ. Xuất ngũ, trở về quê hương năm 1976, sức khỏe giảm sút, ông được Nhà nước công nhận là bệnh binh.
Hoạt động đền ơn, đáp nghĩa tại khu vực ngoại thành diễn ra hầu khắp lĩnh vực. Mới đây, Ban Chỉ huy quân sự huyện Sóc Sơn phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện tổ chức khám bệnh, tư vấn, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho các đối tượng chính sách trên địa bàn xã Đức Hòa. Hơn 200 người có công, gia đình chính sách đã được các y, bác sĩ thăm khám, tư vấn phòng ngừa và điều trị một số bệnh thường gặp, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể dục...
Trong dịp này, khắp làng quê ngoại thành Hà Nội, rất nhiều nghĩa trang liệt sĩ được chỉnh trang, sơn sửa sạch, đẹp. Tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Viên Nội (huyện Ứng Hòa), lễ thắp nến tri ân tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ được tổ chức trang trọng, xúc động. Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết: Trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, toàn huyện Ứng Hòa đã có 3.776 người hy sinh; trong đó, 10 gia đình có 3 con là liệt sĩ; 41 gia đình có 3 đời là liệt sĩ; 138 gia đình có 2 con là liệt sĩ; 3.243 người được công nhận là thương binh, bệnh binh... Các cấp chính quyền trong huyện đã thực hiện kịp thời các chế độ chính sách đối với người có công, thường xuyên chăm lo, giúp đỡ gia đình người có công vươn lên ổn định cuộc sống. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 5/311 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống và đã được các cơ quan, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng đến hết đời.
Cộng đồng chung sức
Ông Khuất Văn Thông, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Thanh Câu, xã Lại Thượng (huyện Thạch Thất) cho biết: Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động các hộ dân trong thôn và các doanh nghiệp ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa. Việc làm này mang ý nghĩa cao đẹp nên các gia đình nhiệt tình tham gia.
Theo thống kê của UBND xã Lại Thượng, năm 2020, xã đã huy động được gần 29 triệu đồng cho Quỹ đền ơn, đáp nghĩa (chưa kể ngày công lao động trực tiếp giúp các gia đình người có công khi có việc). Kinh phí huy động được sử dụng vào việc thăm hỏi, tặng quà cho người có công và tu sửa nghĩa trang liệt sĩ xã.
Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng người có công lớn (gần 800.000 người). Trong đó, hơn 6.500 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; hơn 45.000 thương binh, bệnh binh; gần 80.000 liệt sĩ; hơn 13.000 người hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học... Những năm qua, thành phố luôn quan tâm, chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần người có công và các gia đình chính sách. Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng; nhiều chính sách cao hơn mức của trung ương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công, gia đình chính sách...
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, tổng hợp báo cáo của các địa phương đến thời điểm hiện nay, các đơn vị đã hoàn thành công tác chuyển quà của Chủ tịch nước và quà của thành phố đến các đối tượng chính sách theo quy định, kịp thời, chu đáo. Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã đều trích ngân sách để tặng quà đến các gia đình chính sách.
Đến hết ngày 17-7, toàn thành phố đã vận động được hơn 28,8 tỷ đồng Quỹ đền ơn đáp nghĩa. Các quận, huyện, thị xã cũng đã tặng 3.604 sổ tiết kiệm tình nghĩa với kinh phí hơn 4,2 tỷ đồng; tu sửa nâng cấp 70 công trình ghi công liệt sĩ; trích ngân sách địa phương và vận động xã hội hóa tu sửa, nâng cấp 304 nhà ở cho người có công với cách mạng; 138 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống (100%) được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng. Các quận, huyện, thị xã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 15.000 lượt người...
Đến nay, trên địa bàn thành phố không còn gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo. Những hoạt động, phong trào đền ơn, đáp nghĩa thiết thực đang minh chứng cụ thể về tinh thần trách nhiệm, tình cảm, sự tri ân của cả cộng đồng đối với những người có công với cách mạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.