Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghĩa cử cao đẹp của một người Hà Nội

Duy Biên| 24/06/2012 07:33

(HNM) - Đều quá tuổi


Tận tâm với nghề


Ông Thái hiện là Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học địa chất môi trường và công nghệ khoáng Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng hương Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh. Thăm tư gia của ông cũng là trụ sở công ty tại số 70 đường Hàm Nghi (quận 1), chúng tôi không khỏi bất ngờ trước phong thái trẻ trung của một người đã ở tuổi 77. Sinh ra tại Hà Nội, tốt nghiệp khóa 1 Trường ĐH Bách khoa (khóa 1956-1959), ông Thái nhận quyết định làm công tác khảo sát, thiết kế dự án về mỏ ngay trên chiến khu Việt Bắc năm xưa. Sau nhiều năm lăn lộn với núi rừng, năm 1985 ông mang theo gia đình rời phố Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm) vào TP Hồ Chí Minh, công tác tại Viện Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.


Ông Ngô Thế Thái và bà Ngô Thị Tố Mai.

Nghỉ hưu năm 1994, ông Thái thành lập Liên hiệp Khoa học địa chất môi trường và công nghệ khoáng Việt Nam với mong muốn cống hiến cho khoa học nhiều hơn nữa. Nhờ thu hút được nhiều chuyên gia đầu ngành khoáng sản đã nghỉ hưu cộng tác chuyên môn, từ khi thành lập đến nay Liên hiệp Khoa học địa chất môi trường và công nghệ khoáng Việt Nam đã hoàn thành hơn 100 công trình khoa học có giá trị, phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế cho các địa phương phía Nam, nhất là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trong số đó có nhiều công trình khoa học cấp Nhà nước về tìm kiếm, thăm dò mỏ, điều tra, quy hoạch, khai thác khoáng sản. Đồng hành cùng ông trong mấy chục năm qua là vợ ông, bà Ngô Thị Tố Mai. Đã ở tuổi 73, người phụ nữ quê ở Cao Bằng này cũng từng là một chuyên gia về địa chất, hiện là Chánh văn phòng Liên hiệp Khoa học địa chất môi trường và công nghệ khoáng Việt Nam.

Không "hoành tráng" như trụ sở của nhiều tổ chức, doanh nghiệp khác, nhưng từ nhiều năm nay ngôi nhà số 70 Hàm Nghi vẫn được nhiều người thường xuyên lui tới, trong đó có cả lãnh đạo các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Đồng Nai, Bình Dương, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang... để liên hệ, bàn bạc công việc liên quan đến lĩnh vực địa chất, khai thác mỏ; song cũng không ít người đến đây vì công tác từ thiện - xã hội.

Tận tâm với việc nghĩa

Năm 2004, trong chuyến về Cao Bằng, vợ chồng ông Thái tình cờ gặp Trưởng đoàn Y tế từ thiện của bang California (Mỹ). Ông bà đã thuyết phục đoàn phối hợp làm từ thiện, đề nghị tổ chức này khám chữa bệnh trực tiếp cho người dân và tài trợ trang thiết bị y tế, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ y, bác sĩ. Từ năm 2004 đến nay, với sự sắp xếp của ông Thái - bà Mai, năm nào Đoàn y tế từ thiện bang California cũng mang theo gần 100 người, đều là bác sĩ, y tá, y công, sinh viên các trường ĐH y dược của Mỹ, phối hợp với một số bác sĩ, y tá ở TP Hồ Chí Minh về hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn khám chữa bệnh miễn phí cho người dân. Ông Thái cho biết, đến thời điểm này, đã có 30.000 lượt người dân của hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn được khám chữa bệnh miễn phí nhờ Đoàn y tế từ thiện bang California. Không chỉ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho bà con hay tặng những phần quà gồm lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, mà đoàn còn tặng địa phương nhiều trang thiết bị, dụng cụ y tế, thuốc men. Mỗi lần đến vùng sâu vùng xa, đoàn phải mượn trường học, trạm y tế xã để tổ chức khám chữa bệnh cho bà con, nhiều nhất là bệnh về tim, phổi, mắt, răng... thậm chí thực hiện các ca phẫu thuật và điều trị (miễn phí) tại chỗ. Khi gặp các ca khó, điều kiện kỹ thuật không đáp ứng, đoàn cho chuyển bệnh nhân về các bệnh viện chuyên khoa ở Hà Nội, Huế hay TP Hồ Chí Minh để phẫu thuật, điều trị… hỗ trợ toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở, điều trị đến khi bệnh nhân lành bệnh trở về. Không chỉ khám chữa bệnh, tặng quà, đoàn còn bỏ công sức, chi phí tham gia xây dựng, sửa chữa các cơ sở y tế và cả một số trường học. Ông Thái "tiết lộ": Kinh phí mỗi lần đoàn về hai tỉnh vùng cao phía Bắc ước tính tới 13-14 tỷ đồng.

Từ năm 2009, do yêu cầu của địa phương, vợ chồng ông Thái đã tổ chức cho Đoàn y tế từ thiện bang California về tỉnh Trà Vinh thực hiện công tác từ thiện. Ông Thái cho biết, việc đưa đoàn y tế từ thiện Hoa Kỳ về khám chữa bệnh cho nhân dân Trà Vinh xuất phát từ những chuyến đi công tác Đồng bằng sông Cửu Long, ông có dịp tiếp xúc với đồng bào Khmer, chứng kiến đời sống khó khăn của họ. Sau chuyến đi Trà Vinh, nhiều năm liền đoàn y tế đã có những hoạt động xã hội ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long như tặng quà, cấp học bổng, xây dựng những chiếc cầu bê tông thay thế "cầu khỉ"…

Ông Thái cho biết, càng đi nhiều, ông càng thấm thía cuộc sống khó khăn của người dân. "Qua những chuyến đi đó, người dân xem mình như người trong gia đình, từng hạt gạo, củ khoai cũng chia sẻ, sau này có điều kiện mình không thương, không giúp họ sao được". Ông bảo "không bao giờ quên hình ảnh những người dân nghèo khó cảm ơn đoàn đã cứu sống họ và người thân của họ bằng… một chú chó con, một lon hạt đậu… nhưng mình đâu dám nhận vì những thứ ấy đối với bà con nghèo thật quý". Thậm chí, nhiều người có con bị bệnh tim được đoàn cứu sống đã coi vợ chồng ông Thái như đã sinh ra con mình lần thứ hai... Kể đến đây, cả ông Thái lẫn bà Mai đều rưng rưng, nghèn nghẹn. Dường như những hình ảnh ân tình đã làm đôi vợ chồng già thật sự xúc động.

Có một điều làm không ít người ngạc nhiên là dù đã quá tuổi "xưa nay hiếm" nhưng ông Thái, bà Mai vẫn không quản ngại khó khăn, vất vả đi theo đoàn y tế dài ngày để làm những nghĩa cử cao đẹp. Ngoài đóng góp chi phí cho những chuyến khám chữa bệnh ở miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long, vợ chồng ông Thái còn cùng Hội đồng hương Hà Nội vận động xây dựng một số nhà tình thương ở huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), ủng hộ Quỹ Nạn nhân chất độc da cam, bê tông hóa "cầu khỉ" ở huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long)… Sự cống hiến không mệt mỏi với công tác từ thiện của đôi vợ chồng nhà khoa học người Hà Nội ấy thật đáng trân trọng, nể phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghĩa cử cao đẹp của một người Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.