(HNM) - Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, có một con đường đi ngang qua ga Hàng Cỏ được đặt tên là
Tên gọi con đường Nam Bộ thật nhiều ý nghĩa khi những đoàn tàu hỏa chở các đoàn quân Nam tiến đầu tiên đã lên đường ngay sau ngày Nam bộ bước vào cuộc kháng chiến (23-9-1945) bảo vệ nền độc lập còn trứng nước mới tuyên ngôn được có 3 tuần. Và cũng từ ga Hàng Cỏ, đường Nam Bộ các chàng trai Hà Nội cùng các chàng trai ở nhiều tỉnh, thành của Bắc bộ đã có mặt trên khắp các chiến trường miền Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả ở cửa ngõ Sài Gòn lúc này đã được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, để chiến đấu giải phóng đất nước.
Hẳn nhiều người Hà Nội còn nhớ, sau ngày miền Nam giải phóng, từ cửa ga Hà Nội tỏa ra những người lính từ chiến trường trở về quê hương. Họ là người chiến thắng nhưng hành trang trở về vô cùng giản dị. Đã có lúc hình ảnh những người lính với những chiếc ba lô bạc màu, treo con búp bê bằng nhựa… làm quà cho những người thân yêu ở hậu phương - những người đã chắt chiu từng hạt gạo, đã sống trong thiếu thốn, khó khăn, đã gửi ra tiền tuyến tất cả những gì có thể đóng góp cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đã có thời người ta nhắc đến hình ảnh ấy như một phản cảm. Nhưng với thời gian và với tôi, nó trở thành hình ảnh về một chủ nghĩa anh hùng rất dung dị. Những người lính ra chiến trường sẵn sàng đón nhận sự hy sinh vì những gì rất cao cả, lại chỉ cần mang về cho tổ ấm riêng mình những cái gì rất khiêm nhường của cuộc sống.
Bởi lẽ cái vĩ đại mà những con người ấy làm nên đã vượt qua ý nghĩa sự kết thúc một cuộc chiến tranh, cho dù là cuộc chiến đương đầu với một thế lực giàu mạnh nhất hoàn cầu. Còn vĩ đại hơn thế khi đặt nó vào tiến trình lịch sử một ngàn năm từ khi nền tự chủ của dân tộc ta gắn liền với một kinh đô mang tên gọi: Thăng Long.
Đó là một thiên niên kỷ, chúng ta vĩnh viễn thoát ra khỏi thân phận là "quận, huyện" của những kẻ đô hộ, đánh bại mọi kẻ xâm lăng bất kể từ đâu đến. Không chỉ giữ vững nền tự chủ mà còn phát triển được quốc gia. Và sự nghiệp ngàn năm ấy lại kết thúc bằng một cuộc kháng chiến thắng lợi trước "hai đế quốc to".
Cơ đồ mà tổ tiên để lại qua biết bao thế hệ gìn giữ và vun đắp, đã từng được các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn… gìn giữ và mở mang. Nhưng nhân dân ta còn phải trải qua những thử thách cuối cùng đương đầu với chủ nghĩa đế quốc phương Tây mới hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp thống nhất và bảo toàn lãnh thổ quốc gia. Đó cũng chính là sự nghiệp được làm nên bởi những con người bình dị của Thời đại Hồ Chí Minh.
Vì vậy, chiến thắng 30-4-1975 được coi là biểu tượng hoàn thành một thiên niên kỷ dân tộc Việt Nam phấn đấu cho mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất quốc gia mà tất cả được đúc kết trong nguyên lý: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.