(HNM) - Không phải ai cũng biết những ảnh hưởng nghiêm trọng của việc sử dụng lãng phí thực phẩm tới môi trường.
Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), mỗi năm có khoảng 1/3 sản lượng thực phẩm toàn cầu, tương đương 1,3 tỷ tấn lương thực bị lãng phí hoặc mất mát, trong khi đó 1/7 dân số thế giới thiếu ăn và hơn 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết mỗi ngày vì đói. Trái đất đang phải duy trì sự sống cho 7 tỷ người và chất thải thực phẩm là một nguồn thải khổng lồ, gây ra các tác động tiêu cực về môi trường. "Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm" - là chiến dịch mới được Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và FAO cùng nhiều đối tác khác khởi động. Thông điệp chính của chương trình là kêu gọi mỗi cá nhân, gia đình và cả cộng đồng thế giới chung tay góp phần giảm lãng phí lương thực, suy nghĩ trước khi tiêu thụ thực phẩm, giảm tối đa các tác động đến môi trường...
Thực hiện Kế hoạch số 79/KH-UBND của UBND TP Hà Nội, Sở Tài nguyên - Môi trường đã phối hợp với các cấp, ngành tập trung tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích mọi người chú ý hơn đến những ảnh hưởng môi trường từ việc lựa chọn và tiêu thụ thực phẩm, tránh lãng phí; tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, giảm tối đa các tác động đến môi trường từ việc sản xuất thực phẩm, từ đó thúc đẩy quy trình sản xuất hiệu quả hơn. Thành phố cũng kêu gọi, khuyến khích cộng đồng, nhất là các doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, ít tiêu hao nguyên liệu, năng lượng, hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu có phát sinh chất thải, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, vận chuyển và phân phối thực phẩm. Trong lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới diễn ra ngày 5-6-2013 tại Khu đô thị Nam Thăng Long (Từ Liêm), Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội Vũ Văn Hậu mong muốn các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước, cơ quan, trường học, các tổ chức tình nguyện bằng hành động cụ thể, thiết thực ngay từ chính gia đình để giảm lãng phí thực phẩm, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Theo ông Hậu, mọi người cần phải giảm tình trạng lãng phí thực phẩm, bởi vì thực phẩm mất mát, đồng nghĩa với việc lãng phí tài nguyên thiên nhiên cũng như các yếu tố đầu vào trong quá trình sản xuất và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, góp phần làm phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính, làm khí hậu nóng lên, mất cân bằng sinh thái...
Các đại biểu dự mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới trồng cây xanh tại Khu đô thị Nam Thăng Long. |
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đây là nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện thường xuyên, liên tục trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Thời gian qua, thành phố đã và đang cố gắng giải quyết các thách thức về môi trường, xây dựng một đô thị văn minh, giàu đẹp, phát triển bền vững, nhằm hướng đến một Hà Nội "xanh và hòa bình". Ngoài nỗ lực của thành phố, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mọi người dân. Ở đâu, nhất là trong mỗi gia đình, khu dân cư quan tâm, thực hiện tốt việc này, ở đó môi trường, cảnh quan luôn sạch đẹp.
Ghi nhận chiến dịch hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5-6-2013 ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố cho thấy, bằng nhiều việc làm hay, cụ thể đã tạo được những hiệu ứng rõ rệt. Với vai trò là thành viên Ban chỉ đạo hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội đã thực hiện khá hiệu quả, xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền về ý nghĩa ngày môi trường trong toàn thể cán bộ cơ quan, tự giác xây dựng nếp sống tiết kiệm, chống lãng phí ngay trong sinh hoạt hằng ngày. Ngoài ra, Quỹ còn triển khai nhiều hoạt động truyền thông: diễu hành bằng xe đạp trên các tuyến phố chính, phát tờ rơi tuyên truyền chiến dịch tiết kiệm, tránh lãng phí thực phẩm tới cộng đồng dân cư, tạo sự chuyển biến, hình thành ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường... Tại lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới do Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội phối hợp với huyện Từ Liêm tổ chức, với sự tham gia của 1.000 người, đã có nhiều hoạt động như: "Ghi dấu vân tay" cam kết bảo vệ môi trường trong sản xuất, lựa chọn và tiêu thụ thực phẩm, trồng cây xanh xung quanh Khu đô thị Nam Thăng Long diễn ra khá sôi nổi. Trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, chiến dịch hưởng ứng cũng diễn ra khá nghiêm túc. Tại huyện Từ Liêm, quận Cầu Giấy, hơn 1.500 đoàn viên, thanh niên cùng với cán bộ, nhân dân đã ra quân tổng vệ sinh môi trường, phân loại, thu gom rác thải dọc hai bên bờ sông Pheo, khơi thông cống rãnh khu dân cư, trồng 150 cây xanh tại Công viên Cầu Giấy...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.