Sáng 21/12, nền hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) xuất hiện nhiều vết trám dọc ngang ở làn xe máy, ôtô, chiều từ quận 1 sang quận 2 và ngược lại.
Vết trám xuất hiện khá dày, có vết chỉ vài chục cm, nhưng cũng đoạn dài cả mét. Ngoài các vết trám mới có màu trắng dễ dàng nhận thấy, trên nền hầm Thủ Thiêm còn nhiều vết trám cũ màu tối hơn.
Các vết trám xuất hiện khá dày trên làn xe máy chiều từ quận 1 sang quận 2. Ảnh: T.S. |
Theo một chuyên gia cầu đường, có thể đó là vết nứt đã xuất hiện trước đây và trong đợt bảo trì đường hầm vừa qua, nhà thầu Obayashi trám lại. Trong khi đó, Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP HCM (chủ đầu tư) cho biết sẽ kiểm tra và có thông tin trả lời sớm nhất.
Hồi đầu tháng 8, trên nóc đốt giữa hầm Thủ Thiêm đã xuất hiện nhiều vết ố đen và vết trám kéo dài theo nóc hầm ở cả 2 chiều từ quận 1 sang quận 2. Các vết trám hình xương cá dài từ vài cm đến vài mét. Ngoài ra, tại vị trí trám bằng keo này còn có những miếng nhựa vàng được gắn vào nóc hầm.
Chủ đầu tư cho biết đây là các vị trí thấm ở mức độ nhẹ, nằm trong giới hạn cho phép của tiêu chí kỹ thuật hợp đồng, xuất hiện trong giai đoạn sau khi đưa vào sử dụng (không trùng lắp với các vị trí thấm đã được sửa chữa trước đây) và đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra, cho phép sửa chữa trong giai đoạn bảo hành.
Đến cuối tháng 11, chủ đầu tư khẳng định sau 2 tháng khắc phục, các vị trí và mức độ thấm tại hầm Thủ Thiêm đã giảm đi rõ rệt, hiện chỉ còn một số vị trí thấm nhẹ và sẽ tiếp tục sửa chữa dứt điểm.
Hầm Thủ Thiêm là hạng mục quan trọng nhất trong dự án xây dựng đại lộ Đông Tây của TP HCM. Công trình hầm vượt sông Sài Gòn này có quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á với chiều dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m, với 6 làn xe lưu thông, mỗi bên 3 làn cho cả ôtô và xe máy. Ngoài ra còn có 2 làn đường thoát hiểm hai bên. Tốc độ thiết kế đạt 60 km/giờ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.