(HNMO) - Dư luận đang quan tâm đến việc xử lý Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND ngày 23/12/2011 của HĐND TP Đà Nẵng (Nghị quyết số 23). Bởi văn bản này có nội dung trái luật. Một số điều khoản bị Bộ Tư pháp "tuýt còi" trong Nghị quyết 23 lại đang được lặp lại trong dự thảo Luật Thủ đô mới nhất mà vẫn nhận được sự đồng thuận của không ít chuyên gia pháp luật. Để có cái nhìn đa chiều về hiện tượng trên, ngày 21-8, Hànộimới online đã có cuộc trao đổi TS Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật- Bộ Tư Pháp.
- Sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, ông đã có kết luận chính thức về những nội dung trái pháp luật của Nghị quyết số 23 và đã có thông báo gửi HĐNDTP Đà Nẵng đề nghị xử lý. Thế nhưng, tại sao đến nay việc khắc phục vẫn dậm chân tại chỗ?
-Không hẳn vậy. Tôi đã nêu các nội dung trái pháp luật của Nghị quyết số 23 cần xem xét xử lý theo quy định của Chính phủ về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) là điểm 6, điểm 9 khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 23: “tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự”; “đối với học sinh chưa đủ tuổi theo quy định đi xe máy thì xử phạt nặng và tạm giữ xe 60 ngày”; “tạm dừng đăng ký mới với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ”
Tại kỳ họp tháng 7 vừa qua, HĐND TP Đà Nẵng đã khắc phục bằng cách ban hành Nghị quyết số 26/2012/NQ-HĐND ngày 04/7/2012. Trong đó, xác định cụ thể thời hạn tạm dừng đăng ký mới đối với kinh doanh dịch vụ cầm đồ là chỉ đến hết năm 2013. Việc tạm giữ xe máy do học sinh chưa đủ tuổi cũng đã thực hiện đúng theo quy định của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Như vậy, HĐND thành phố Đà Nẵng đã tự trảm 02 trong số 03 nội dung mà Cục Kiểm tra văn bản yêu cầu.
-Nhưng vẫn còn nội dung liên quan chặt chẽ đến đời sống dân sinh là “tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có tiền án, tiền sự” của Nghị quyết số 23 đã không được HĐND TP Đà Nẵng tự xem xét, xử lý thưa ông?
- Theo thông tin của Sở Tư pháp Đà Nẵng, các nội dung trái pháp luật nêu trên đã không có trong dự thảo Nghị quyết kể từ khi khởi thảo, lấy ý kiến cho đến khâu thẩm định của Sở Tư pháp mà chỉ được bổ sung để trình HĐND sau thẩm định. Như vậy, quá trình chuẩn bị các nội dung này của Nghị quyết số 23 trước khi đưa ra HĐND thảo luận, quyết định đã không tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL. Nay Đà Nẵng không sửa sai cũng có nghĩa Đà Nẵng không thực hiện đầy đủ quy định của Chính phủ về công tác kiểm tra, xử lý văn bản. Nếu TP Đà Nẵng thấy rằng, quá trình thực hiện các quy định của Luật Cư trú có những điểm chưa phù hợp thì cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Trong khi các quy định chưa được sửa đổi, bổ sung thì vẫn phải nghiêm chỉnh thực hiện.
- Việc tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành của HĐND TP Đà Nẵng chưa được tiếp thu xử lý thì nay Hà Nội xây dựng dự án Luật Thủ đô cũng nêu quan điểm tương tự: hạn chế nhập cư vào nội thành. Ông đánh giá gì về sự kiện này.
- Hướng sửa của Chính phủ khi xây dựng Luật sửa đổi bổ sung Luật Cư trú là quy định điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ tại tất cả các TP trực thuộc Trung ương (trong đó có Hà Nội ) đều phải đảm bảo diện tích tối thiểu theo quy định (mà không loại trừ đối tượng không có nghề nghiệp hoặc có tiền án, tiền sự như Nghị quyết số 23 đã nêu). Quá trình thảo luận về nội dung quy định tạm dừng nhập cư của HĐND TP Đà Nẵng, chúng tôi cũng đã nhận được thông tin của một số đồng chí có trách nhiệm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho rằng sức ép tăng dân số cơ học tại 02 địa phương lớn nhất cả nước gấp nhiều lần Đà Nẵng. Tuy nhiên, các TP này cũng không đưa điều kiện hạn chế như Đà Nẵng và phải tuân thủ quy định của Chính phủ. Ngay trong dự án Luật Thủ đô đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, liên quan đến hạn chế nhập khẩu vào nội thành Thủ đô cũng chỉ dừng ở mức: Công dân đang tạm trú được đăng ký thường trú tại nội thành nếu có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê lâu dài ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tam trú liên tục tại chỗ ở đó từ 03 năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú mà không đưa ra điều kiện phải có nghề nghiệp, cũng như không loại trừ đối tượng công dân có tiền án, tiền sự như quan điểm của HĐND TP Đà Nẵng khi nhập khẩu vào nội thành.
Như vậy, cùng một sự kiện, 2 địa phương đã ra 2 quan điểm khác nhau. Phương án sau tốt hơn phương án trước.
-Vậy, “hậu” Nghị quyết 23 sẽ như thế nào. Chẳng lẽ sau “tuýt còi” trách nhiệm Bộ Tư pháp đã hết, thưa ông?
-Đối chiếu với các quy định hiện hành, Luật tổ chức HĐND và UBND, Luật Ban hành văn bản, Luật Cư trú không có quy định cho phép HĐND cấp tỉnh (Đà Nẵng) thẩm quyền tạm đình chỉ hiệu lực quy định của luật Cư trú do Quốc hội ban hành trên địa bàn. Pháp luật cán bộ, công chức cũng xác định nguyên tắc khi thấy quyết định của cấp trên không phù hợp, cấp dưới có quyền kiến nghị, nhưng vẫn phải nghiêm chỉnh thi hành để bảo đảm kỷ cương, kỷ luật, bảo đảm nguyên tắc pháp chế.
Do đó, nếu để HĐND TP Đà Nẵng tiếp tục thực hiện quy định tạm dừng nhập cư sẽ tạo ra tiền lệ không tốt. Không loại trừ khả năng trong tương lai HĐND TP Đà Nẵng hoàn toàn có thể tự lập luận để tạm dừng quy định của các luật khác của Quốc hội cũng như quy định của các cơ quan Trung ương tại địa bàn. Các tỉnh, TP khác cũng có thể nhìn từ sự kiện này để “học hỏi” . Như vậy, nội dung của luật không còn không gian để tồn tại và có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc.
Cục Kiểm tra văn bản đang tham mưu Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc đình chỉ đối với nội dung “tạm dừng nhập cư” trong Nghị quyết số 23 của HĐND TP Đà Nẵng và báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật hiện hành.
Xin trân trọng cảm ơn ông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.